24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thanh Thùy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tốc độ xử lý nợ xấu đang chậm lại

Báo cáo tài chính chín tháng của nhiều ngân hàng cho thấy nợ xấu tính theo số tuyệt đối tiếp tục tăng so với đầu năm, dù tỷ lệ nợ xấu có giảm nhờ dư nợ cho vay tăng nhanh hơn. Điều này hàm ý hai khả năng là nợ xấu mới vẫn đang phát sinh nhanh hơn hoặc tốc độ xử lý nợ xấu đã chậm lại, hoặc do cả hai lý do trên, nên mới đẩy nợ xấu tính theo số tuyệt đối tăng như vậy.

Tốc độ xử lý chậm lại khiến nợ xấu tăng?

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hai năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, báo cáo cho biết từ ngày 15-8-2017, thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, đến ngày 31-8-2019, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý 236.800 tỉ đồng nợ xấu, trung bình mỗi tháng xử lý được 9.600 tỉ đồng, cao hơn 4.700 tỉ đồng/tháng của giai đoạn 2012-2017.

Cần nhắc lại, tại hội nghị sơ kết một năm diễn ra vào tháng 8 năm trước, con số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ ngày 15-8-2017 đến 30-6-2018 là gần 138.300 tỉ đồng, tức bình quân 13.800 tỉ đồng/tháng. Như vậy, con số nợ xấu xử lý thêm được trong 14 tháng qua cho thấy tốc độ xử lý nợ xấu dường như đang chậm lại.

Xu hướng chậm lại này còn thể hiện qua số liệu nợ xấu của các ngân hàng, khi báo cáo tài chính chín tháng của nhiều ngân hàng cho thấy nợ xấu tính theo số tuyệt đối tiếp tục tăng so với đầu năm, dù tỷ lệ nợ xấu có giảm nhờ dư nợ cho vay tăng nhanh hơn.

Có thể điểm qua nợ xấu nội bảng của một số ngân hàng như VietA Bank, tính đến ngày 30-9 là 481 tỉ đồng, tăng 38 tỉ đồng so với cuối năm 2018. VIB có tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,52% xuống 2,04% nhưng nếu tính theo số tuyệt đối thì nợ xấu nội bảng tăng 4% lên 2.517 tỉ đồng. Nợ xấu của BacA Bank đến 30-9 là 504 tỉ đồng, tăng khoảng 15 tỉ đồng so với đầu năm.

Những khoản nợ xấu nào có tài sản đảm bảo tốt, dễ xử lý đều đã được thực hiện rốt ráo, khách hàng tích cực hợp tác trả nợ, phần còn lại là những món “xương xẩu”, khó nhằn nhất.

Đáng lưu ý là nợ xấu nội bảng của ABBank bất ngờ tăng vọt 79%, lên mức 1.766 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,89% đầu kỳ lên tới 3,39%. Trong đó, chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 1.000 tỉ đồng, tăng đến 56% so với đầu năm, cộng thêm dư nợ tăng trưởng âm 0,05% nên càng đẩy tỷ lệ nợ xấu vượt mức an toàn 3%.

NCB dù không công bố số nợ xấu cụ thể, nhưng trong chín tháng đầu năm NCB đã trích 33 tỉ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro và 70 tỉ đồng cho các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc ngân hàng, cao hơn cùng kỳ 9 tỉ đồng. Saigon Bank dù nợ xấu nội bảng là 294 tỉ đồng, giảm 7 tỉ so với hồi đầu năm, nhưng nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn lên tới 211 tỉ đồng, chiếm 72% trong tổng nợ xấu.

Một ngân hàng khác ghi nhận nợ nhóm 5 tăng là MBBank, khi tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,35%, tăng so với mức 1,22% cuối năm trước; còn tính theo số tuyệt đối thì tăng 577 tỉ, tương ứng 23%, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng hơn 386 tỉ đồng, tương đương tăng 40,3%, lên 1.345 tỉ đồng.

Như vậy, không chỉ chứng kiến nợ xấu tăng, một số ngân hàng còn đối mặt với cơ cấu nợ xấu biến động theo chiều hướng tiêu cực hơn, với nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh.

Thực tế, không phải chỉ đến chín tháng đầu năm nay, mà con số nợ xấu tuyệt đối của nhiều ngân hàng đã tăng trong năm 2018 và sáu tháng đầu năm nay. Vietcombank sau khi gây bất ngờ với tổng nợ xấu tăng 911 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm nay, thì số liệu quí 3 mới công bố cho thấy nợ xấu tiếp tục tăng 491 tỉ đồng, đưa tổng nợ xấu tăng thêm trong chín tháng lên mức 1.402 tỉ đồng, trong đó riêng nợ nhóm 3 tăng thêm 498 tỉ đồng, tương đương 3,2 lần.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản theo Nghị quyết 42 gặp vướng mắc, do ngoài việc tuân thủ theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm, TCTD và bên nhận chuyển nhượng còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư. Khi xử lý tranh chấp đến giai đoạn cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản thì vướng phải Luật Thi hành án dân sự.

Trong bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản đã giảm mức độ nóng sốt so với giai đoạn trước, tiến độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng phần nào chậm lại là điều có thể hiểu được, đặc biệt khi quy mô dư nợ tăng mạnh trong những năm qua đã góp phần kéo tỷ lệ nợ xấu của hệ thống nói chung và các ngân hàng nói riêng về dưới mức yêu cầu.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD, theo báo cáo mới nhất, tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%. Nếu tính cả khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu, thì nợ xấu tới hết tháng 8-2019 là 4,84%, giảm so với mức 7,36% của năm 2017 và 5,85% của năm 2018.

Tuy nhiên, điều này có thể là do quy mô dư nợ cho vay tăng trong gần ba năm qua. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng năm 2017 hơn 18%, năm 2018 là 14% và chín tháng đầu năm nay là 9,4%, theo đó sau gần ba năm quy mô tín dụng đã tăng thêm xấp xỉ hơn 2,38 triệu tỉ đồng.

Vì vậy, ngoại trừ những ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu vẫn phải đặt mục tiêu trọng tâm là thu hồi nợ xấu để đẩy nhanh lộ trình phục hồi, thì các ngân hàng còn lại dường như đang lơ là, không còn quá tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu xử lý, thu hồi nợ xấu như giai đoạn trước. Theo đó, những ngân hàng đã đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức an toàn là 3% đang tập trung nguồn lực trên những mặt trận kinh doanh khác mà được cho là sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn hoặc cấp thiết hơn trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt hiện nay.

Ngoài ra, thực tế những khoản nợ xấu nào có tài sản bảo đảm tốt, dễ xử lý đều đã được thu hồi rốt ráo, khách hàng tích cực hợp tác trả nợ, phần còn lại là những món “xương xẩu”, khó nhằn nhất và cần phải mất rất nhiều thời gian. Nhiều khối tài sản quá lớn không có người mua do tiềm lực tài chính hạn chế, nhất là khi thị trường mua bán nợ tại Việt Nam chưa thành hình hoàn chỉnh và chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Nghị quyết 42 dù được cho là đưa ra những giải pháp đột phá, nhưng khi triển khai vào thực tiễn thì mới bộc lộ một số vấn đề, như quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, thi hành án, cơ chế thuế áp dụng thiếu đồng nhất tại các địa phương dẫn đến tài sản bảo đảm sau khi thu hồi và đấu giá thành công nhưng lại tiếp tục bị kéo dài thời gian. Việc áp dụng thủ tục rút gọn còn nhiều vướng mắc chứ chưa trơn tru như kỳ vọng, với số lượng vụ được triển khai thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay khi vẫn còn có tâm lý sợ sai sót.

Lấy một ví dụ như quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD đi kèm với điều kiện hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ, nhưng thực tế là tính đến thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, nhiều hợp đồng thế chấp chưa có điều khoản này. Vì vậy, các TCTD cần phải đàm phán lại với bên vay để điều chỉnh hợp đồng hoăc ký thêm phụ lục hợp đồng vay. Trong khi đó, việc thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD vẫn cần đến sự hỗ trợ của cơ quan công an các cấp, khi có nhiều trường hợp bên bảo đảm chống đối, không hợp tác thì các TCTD cũng không biết cách cưỡng chế ra sao.

Một hạn chế khác là những quy định chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, như việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản theo Nghị quyết 42 gặp vướng mắc, do ngoài việc tuân thủ theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm, TCTD và bên nhận chuyển nhượng còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư. Khi xử lý tranh chấp đến giai đoạn cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản thì vướng phải Luật Thi hành án dân sự.

Ngoài ra, còn có những vướng mắc giữa Luật Đấu giá và Luật Kinh doanh bất động sản, sự thiếu nhất quán về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý nợ xấu. Nếu những khó khăn này chưa sớm được tháo gỡ, e là công cuộc xử lý nợ xấu vẫn còn lắm nhiêu khê.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
18.20 -0.10 (-0.55%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả