Toàn cảnh lợi nhuận quý 1/2024: Giai đoạn khó khăn nhất đã qua
Kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong Q1/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại, thống kê từ SSI Research.
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG CHẬM LẠI
Tổng lợi nhuận sau thuế toàn sàn 1.059 doanh nghiệp tính đến ngày 6/5 tăng 6,6% so với cùng kỳ và tăng 3,4% so với quý gần nhất, ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 7 quý chỉ thấp hơn hai quý đầu năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng của Q1/2024 đã chậm lại đáng kể so với mức tăng 35,3% trong Q4/2023 do nền so sánh cao dần. Sau giai đoạn biến động mạnh kể từ dịch Covid-19, lợi nhuận đang đi vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng ổn định hơn.
Chu kỳ lợi nhuận của các nhóm ngành có sự phân hóa rõ nét: Nhóm cổ phiếu bắt đầu phục hồi từ đáy: Bán lẻ (+367%) và Du lịch & giải trí (+1.031%). Nhóm cổ phiếu duy trì quán tính phục hồi tích cực: Dịch vụ tài chính (+103%), Tài nguyên (+208%), Viễn thông (+95%), Xây dựng (+125%).
Nhóm cổ phiếu chưa quay lại quỹ đạo tăng trưởng: Bất động sản (-61,6%) và Điện, nước, xăng dầu & khí đốt (-49,6%) Nhóm cổ phiếu tăng trưởng ổn định: Ngân hàng (+9,6%), Công nghệ thông tin (+22,1%).
Ngành Ngân hàng duy trì tăng trưởng nhưng tốc độ tăng chậm hơn: Lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 của các ngân hàng niêm yết tăng nhẹ 9,6% so với cùng kỳ, chiếm 49,2% tổng lợi nhuận toàn sàn. NIM tiếp tục gặp áp lực (-8bps so với quý trước) do tín dụng tăng trưởng yếu (+2% so với đầu năm, hoặc 15% so với cùng kỳ) trong khi đó chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm sau khi cải thiện trong quý 4/2023 do yếu tố mùa vụ.
Cụ thể, tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu trên tổng dư nợ lần lượt là 2,23% (+24bps so với quý trước) và 1,94% (+23bps so với quý trước, gần với mức đỉnh tại quý 3/2023 là 1,98%). Thu nhập từ kinh doanh ngoại hối phần nào san sẻ bớt sự sụt giảm mạnh từ hoạt động phân phối bảo hiểm và thu hồi nợ xấu. Ngoài ra, việc kiểm soát tốt chi phí hoạt động trong quý 1/2024 với mức CIR (tỷ lệ chi phí/thu nhập) là 30,7% (so với mức 31% trong quý 1/2023 và 36% trong quý 4/2023) là một yếu tố khác hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các ngân hàng.
Ngành Bất động sản giảm mạnh do VHM giảm ghi nhận doanh thu: Lợi nhuận sau thuế ngành Bất động sản giảm mạnh -61,6%, ghi nhận mức lợi nhuận theo quý thấp nhất trong 5 năm. Nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh do ghi nhận doanh thu giảm -44,9%, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 21,9% xuống 16,2% bên cạnh chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều tăng.
VHM giảm ghi nhận doanh thu trong quý này (doanh thu -72%, lợi nhuận sau thuế -92,4%) là nguyên nhân chính tác động tới lợi nhuận toàn ngành. Nếu không tính VHM, tổng lợi nhuận sau thuế của ngành tăng 9,5% so với cùng kỳ, tuy nhiên doanh thu vẫn giảm -21,6%.
NHIỀU NHÓM TẠO ĐÁY QUAY LẠI TĂNG TRƯỞNG
Các nhóm ngành xác nhận tạo đáy và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng: Ngành Bán lẻ tăng mạnh +367% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng ấn tượng của hai doanh nghiệp đầu ngành: MWG tăng mạnh 41 lần so với cùng kỳ và lấy lại mức lợi nhuận cao nhất trong 6 quý, FRT (+28x) có lãi trở lại sau 3 quý lỗ liên tiếp. Biên lợi nhuận gộp của ngành cải thiện đáng kể từ 15,4% lên 17,5%. Chi phí lãi vay cũng giảm từ mức 6,6% dư nợ xuống 3,9% dư nợ.
Ngành Du lịch & giải trí phục hồi mạnh và có lãi trở lại sau chuỗi thời gian dài ghi nhận lỗ. HVN ghi nhận doanh thu thuần theo quý cao kỷ lục (+19%) nhờ sự phục hồi cả về thị phần và giá vé, bên cạnh khoản thu nhập đột biến từ việc xóa nợ của công ty con Pacific Airlines. VJC (+212%), ACV (78%), SCS (+30%), AST (+46%) đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực.
Nhiều nhóm ngành duy trì tăng trưởng lợi nhuận tích cực: Ngành Dịch vụ tài chính tiếp tục tăng trưởng mạnh +103%, đưa lợi nhuận sau thuế lên mức cao nhất kể từ Q2/2022. Hiệu quả hoạt động cải thiện đáng kể trong bối cảnh doanh thu ổn định so với quý trước nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 36,1% nhờ biên lợi nhuận gộp tăng từ 52,6% lên 60,9%.
Ngành Tài nguyên cơ bản ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 208% mặc dù doanh thu chỉ tăng 5,8%. Dẫn dắt tăng trưởng là nhóm Thép (HPG +648%, NKG +405%, SMC +759%) và nhóm Gỗ (ACG +124%, PTB +44%), ngược lại MSR tiếp tục lỗ 702 tỷ đồng trong quý.
Ngành Viễn thông tăng trưởng 95%, chủ yếu đóng góp bởi mức tăng mạnh 175% của VGI nhờ các thị trường nước ngoài tăng trưởng khả quan.
Ngành Xây dựng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 125% svck, nhờ sự cải thiện của nhiều doanh 4% nghiệp như HBC, VCG, CII, LCG, VGC, CTD. Doanh thu tăng 26% trong khi chi phí quản lý và chi phí lãi vay cùng giảm giúp cải thiện lợi nhuận ngành.
TÌNH HÌNH VAY NỢ CÓ XU HƯỚNG TÍCH CỰC HƠN
Biên lợi nhuận gộp nhóm ngành Phi tài chính cải thiện tích cực lên 14,9% từ mức 13,8% trong Q4/2023 và 14,4% trong Q1/2023. Biên lợi nhuận ròng trung bình cũng tăng mạnh lên 5,9% là mức cao nhất trong 7 quý. Trong đó các ngành ghi nhận mức cải thiện tốt nhất là Du lịch và Giải trí, Viễn thông, Thực phẩm đồ uống, Bản lẻ, Ô tô và Phụ tùng.
Tỷ lệ chi phí lãi vay/ tổng vay nợ (nhóm Phi tài chính) giảm mạnh về 5,8% từ mức đỉnh là 7,8% trong Q2/2023. Tổng chi phí lãi vay theo đó giảm từ 19,7 nghìn tỷ trong Q2/2023 xuống 15,2 nghìn tỷ đồng trong Q1/2024 mặc dù tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ. Mặt bằng lãi suất giảm đang dần thể hiện tác động tích cực giúp giảm bớt áp lực lãi vay lên doanh nghiệp.
Hệ số thanh toán lãi vay tăng tích cực, trung bình ở mức 4,74 lần trong Q1/2024, so với mức 3,21 lần trong Q4/2022. Tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu ổn định so với quý trước ở mức 0,62 lần, trong khi lợi nhuận tăng dần giúp cải thiện sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. ROE nhóm Phi tài chính theo đó cải thiện từ mức 8,2% trong Q1/2023 lên 10,6% trong Q1/2024.
Nhìn chung, mặc dù một số ngành như Bất động sản và Điện, nước, xăng dầu & khí đốt vẫn đang trong chu kỳ giảm, phần lớn các ngành khác đang từng bước phục hồi với sức khỏe tài chính dần cải thiện. Kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận