TNG Land không còn là công ty con của Dệt may TNG
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG) vừa cho biết đã thoái vốn xuống dưới tỷ lệ 50% tại TNG Land – công ty chuyên phụ trách mảng bất động sản.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX) vừa cho biết, đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần TNG Land từ 51,7% xuống còn 48,81%, tương ứng phần vốn góp 140 tỷ đồng. Qua đó, TNG Land sẽ không còn là công ty con của Dệt may TNG.
TNG Land được thành lập từ tháng 6/2022 với các hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây dựng và phát triển bất động sản. Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT Dệt may TNG cũng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT TNG Land.Tính đến ngày 16/5, vốn điều lệ của TNG Land đạt 287 tỷ đồng.
Đầu tháng 4 vừa qua, TNG Land đã chính thức khởi công Dự án Khu dân cư Đại Thắng (Khu đô thị Peace Village) tại TP.Phổ Yên. Dự án này có tổng diện tích 11,08 ha, với tệp sản phẩm gồm: shophouse, đất nền, nhà ở xã hội (nhà ở liền kề và căn hộ chung cư). Dự án dự kiến sẽ đi vào khai thác trong quý 4/2025.
Về phía Dệt may TNG, trong quý 1/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.354 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng nên lợi nhuận sau thuế giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023, còn 42 tỷ đồng.
Theo Dệt may TNG, kết quả kinh doanh quý 1/2024 giảm là vì đơn hàng trong quý đã được ký từ năm 2023, có giá thấp hơn so với các đơn hàng được ký trong năm nay.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TNG của Dệt may TNG trong vòng 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá, tình hình đơn hàng đối với Dệt may TNG có nhiều tín hiệu tích cực khi các đối tác dần đẩy mạnh đặt hàng trở lại khi hàng tồn kho đã được hấp thụ đáng kể. Chỉ số Hàng tồn kho/Doanh thu của một số khách hàng lớn của công ty như Nike, Adidas, TCP… hiện đã tiệm cận mức trung bình trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt là Dệt may TNG sẽ có thể hưởng lợi từ việc dịch chuyển đơn hàng khỏi Bangladesh khi công nhân ngành dệt may tại nước này tổ chức đình công kéo dài.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Dệt may TNG, hai khách hàng lớn nhất của công ty là Decathlon và Abercrombie & Fitch đều có kế hoạch gia tăng đơn hàng ở mức “khả quan”.
Riêng đơn hàng phục vụ cho Thế vận hội Olympic Mùa Hè 2024 của Decathlon đã đóng góp hơn 100.000 sản phẩm vào kế hoạch sản lượng nửa đầu năm nay của Dệt may TNG. Bên cạnh tăng trưởng về sản lượng, đơn giá trong năm 2024 cũng tăng 5% so với năm 2023.
Thậm chí, trong một số trường hợp, Dệt may TNG đã phải từ chối một số đơn hàng mới để đảm bảo tiến độ sản xuất cho khách hàng lớn hiện tại. Trong năm 2023, nguồn thu từ Decathlon và Abercrombie & Fitch lần lượt chiếm 20% và 15% tổng doanh thu mảng may của công ty.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận