24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngọc Diệp
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tình hình tài chính China Evergrande quá tệ, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình chấp nhận kịch bản xấu nhất?

Không cứu được nữa thì đành chấp nhận để Evergrande tuyên bố phá sản đi thôi!

Không quá khi coi China Evergrande là “giao điểm” của hàng loạt sự mất cân bằng trong nền kinh tế Trung Quốc. Và chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực tái cân bằng lại nền kinh tế, ngay cả khi cái giá là 'chọc thủng' bong bóng.

Tờ Bloomberg cho hay trong cuộc họp do Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) chủ trì gần đây, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đã kêu gọi các tổ chức tài chính kết hợp với chính quyền địa phương nhằm duy trì sự ổn định cho thị trường bất động sản quốc gia.

PBOC đồng thời kêu gọi các tổ chức tài chính, nhà băng tập trung vào mục tiêu “bình ổn giá bất động sản”, đặc biệt là thị trường nhà ở trong bối cảnh không chắc chắn hiện tại. Lời kêu gọi này tương tự như thông điệp được đưa ra trước đó về việc điều tiết thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, đặc biệt là những người mua cá nhân.

Song song với thông điệp của PBOC, các nhà chức trách Trung Quốc đang thúc giục nhiều doanh nghiệp quốc doanh, đặc biệt là các nhà phát triển bất động sản được chính phủ hậu thuẫn, tiến hành mua lại tài sản của China Evergrande để giảm bớt áp lực dòng tiền cho tập đoàn này. Chẳng hạn, tập đoàn đầu tư xây dựng thành phố Quảng Châu được cho là đang xem xét, thẩm định để mua lại sân vận động bóng đá Quảng Châu do China Evergrande thực hiện với trị giá ước tính 12 tỷ NDT (1,9 tỷ USD) và sức chứa khoảng 100.000 người.

Hàng loạt động thái kể trên được xem là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang lo ngại và tìm cách giảm bớt hậu quả của cuộc khủng hoảng thanh khoản tại China Evergrande.

Tình hình tài chính China Evergrande quá tệ, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình chấp nhận kịch bản xấu nhất?
Một dự án bất động sản còn dang dở của China Evergrande (Ảnh: Getty Images)

Tình hình tài chính của China Evergrande hiện tại tệ ra sao?

Hồi giữa tháng 9, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc đã 2 lần liên tiếp đưa ra cảnh báo nguy cơ vỡ nợ do doanh số bán bất động sản dự kiến tiếp tục giảm đáng kể trong tháng 9, kéo dài chuỗi giảm nhiều tháng liên tiếp, làm tồi tệ hơn tình hình dòng tiền của doanh nghiệp. Trong khi đó, tập đoàn này vẫn đang cố gắng trả tiền cho các nhà cung cấp và đối tác khi các khoản nợ hàng tỷ USD đến hạn. Tính đến hết tháng 6/2021, China Evergrande hiện đang cõng trên lưng tổng nợ phải trả lên tới 304 tỷ USD, chủ yếu là các khoản nợ ngắn hạn sẽ đến hạn trong 12 tháng tiếp theo.

Tình hình tài chính China Evergrande quá tệ, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình chấp nhận kịch bản xấu nhất?
Nợ của China Evergrande tính đến hết tháng 6/2021 đã lên tới 304,1 tỷ USD, chiếm 82,7% tổng tài sản doanh nghiệp (Nguồn số liêu: BCTC China Evergrande)
Tình hình tài chính China Evergrande quá tệ, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình chấp nhận kịch bản xấu nhất?
Nợ ngắn hạn (sắp đến hạn trong 12 tháng) chiếm đa số trong cơ cấu nợ của China Evergrande và đang ngày một tăng lên (Nguồn số liêu: BCTC China Evergrande)

China Evergrande cũng vừa bỏ lỡ hai đợt thanh toán lãi trái phiếu trị giá 83,5 triệu USD đến hạn hôm 23/9 và 47,5 triệu USD đến hạn hôm 29/9 cho các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù việc lỡ hạn thanh toán như vậy chưa thể bị coi là vỡ nợ trái phiếu do còn thời gian ân hạn 30 ngày kể từ ngày đến hạn, nhưng nó góp phần làm trầm trọng thêm mối quan ngại của thị trường về nguy cơ vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc.

Một ước tính cho thấy sự sụp đổ của China Evergrande có thể gây rủi ro cho khoảng 1,5 triệu người mua nhà Trung Quốc, những người đã đổ tiền vào các dự án dang dở và đình trệ do thiếu vốn của tập đoàn này.

Không chỉ trông chờ vào các động thái “giải cứu” từ Bắc Kinh, thực tế bản thân China Evergrande đã đưa ra nhiều giải pháp tình thế nhằm huy động dòng tiền, trang trải bớt gánh nặng nợ nần. Chẳng hạn, trong một thông điệp gửi lên sàn giao dịch Hồng Kông vào sáng 29/9, China Evergrande cho biết đã ký thỏa thuận bán 1,75 tỷ cổ phiếu đang sở hữu tại Ngân hàng Shengjing cho Tập đoàn đầu tư tài chính Shenyang Shengjing với giá 5,7 NDT/ cổ phiếu. Số cổ phiếu này chiếm 19,93% cổ phần đã phát hành của ngân hàng Shengjing. Thỏa thuận thanh lý cổ phần giúp China Evergrande thu về 1,5 tỷ USD (9,99 tỷ NDT).

Tuy nhiên, những nỗ lực đó là chưa đủ, do gánh nặng các khoản thanh toán sắp đến hạn của China Evergrande là quá lớn so với tiền và các khoản tương đương tiền mà tập đoàn này có trong tay, theo báo cáo tài chính mới nhất tính đến hết tháng 6/2021.

Tình hình tài chính China Evergrande quá tệ, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình chấp nhận kịch bản xấu nhất?
Vay nợ phải trả trong vòng 12 tháng tới của China Evergrande gấp gần 3 lần số tiền và tương đương tiền mà tập đoàn này nắm giữ tính đến hết tháng 6/2021 (Nguồn số liêu: BCTC China Evergrande)

Tờ Thời báo phố Wall (WSJ) tuần trước cảnh báo chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị cho kịch bản China Evergrande vỡ nợ. Trong khi đó, một số trái phiếu của China Evergrande đang giao dịch ở mức 25% mệnh giá, còn cổ phiếu China Evergrande thì bốc hơi khoảng 80% từ đầu năm đến nay. Điều này phản ánh tâm lý của nhà đầu tư coi việc tập đoàn này vỡ nợ hoặc tái cơ cấu là điều gần như chắc chắn.

Chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình chấp nhận kịch bản xấu nhất để đổi lại tăng trưởng lành mạnh?

14 năm trước, Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nhận định nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển “không ổn định, không cân bằng, không phối hợp và không bền vững”. Cho đến nay, nhận định này đang được chứng minh một phần qua cuộc khủng hoảng thanh khoản của China Evergrande: một tập đoàn phát triển bất động sản nợ nần chồng chất, hiện tượng bong bóng trên thị trường bất động sản ngày một phình to, hệ thống tín dụng và tài chính đứng trước nguy cơ chưa từng có.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tăng trưởng của Trung Quốc được thúc đẩy nhờ xuất khẩu tăng mạnh và đầu tư sản xuất. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự sụp đổ của Lehman Brothers đã khiến chính phủ Trung Quốc tung ra một kế hoạch kích cầu khổng lồ, động lực tăng trưởng từ đó được tạo dựng trên các khoản vay nợ. Thị trường bất động sản là trung tâm của bom nợ, khi đầu tư và tín dụng vào lĩnh vực này ngày càng lớn. Có những thời điểm, thị trường bất động sản nóng hơn bao giờ hết và các nhà đầu tư dường như tin rằng “bong bóng không bao giờ nổ”.

Nhưng ông Tập Cận Bình không quá đặt niềm tin ở thị trường bất động sản tăng vọt, ông chỉ ra rằng tăng trưởng dựa trên đầu tư cơ sở hạ tầng là tăng trưởng “ảo”. Ông Tập cũng tin rằng sự bùng nổ của thị trường bất động sản là một phần nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Trong khi hàng triệu người không thể mua được nhà, hàng triệu người khác đổ tiền vào đầu cơ nhà ở, khiến giá nhà tiếp tục tăng nóng.

Khi đại dịch Covid-19 khiến thị trường nhà ở Trung Quốc chao đảo, chính phủ Bắc Kinh cuối cùng đã mạnh tay bằng cách hạn chế các nhà phát triển bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính. Những quy định mới cùng với tình hình khó khăn do đại dịch nhanh chóng dồn China Evergrande - nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới - đến bờ vực.

Tình hình tài chính China Evergrande quá tệ, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình chấp nhận kịch bản xấu nhất?
Việc chính phủ Bắc Kinh hạn chế các nhà phát triển bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính hồi năm ngoái là đòn giáng trực tiếp góp phần đưa China Evergrande tiến đến bờ vực (Ảnh: Getty Images)

Tờ Reuters cho rằng không quá khi coi China Evergrande là “giao điểm” của hàng loạt sự mất cân bằng trong nền kinh tế Trung Quốc. Và chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực tái cân bằng lại nền kinh tế, ngay cả khi cái giá là "chọc thủng" bong bóng, chấp nhận để Evergrande sụp đổ, chấp nhận tăng trưởng chậm lại.

Không có quốc gia nào từng “chọc thủng” bong bóng bất động sản mà không trải qua một đợt suy thoái nghiêm trọng. Bài học nhãn tiền cho Trung Quốc là khi nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản vỡ vào 3 thập kỷ trước, khiến quốc gia này rơi vào “một thập kỷ mất mát”.

Kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm lại khi bong bóng bất động sản “xì hơi”, bởi thị trường bất động sản và các lĩnh vực liên quan đóng góp tới khoảng 25% trong GDP nước này. Nợ được đảm bảo bằng bất động sản chiếm đa số trong cơ cấu nợ của Trung Quốc. Gần một phần ba hoạt động kinh tế tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với khu vực bất động sản., theo nhà kinh tế Stewart Paterson của Capital Dialectics.

Một ước tính của Citigroup thì chỉ ra rằng tính đến hết năm 2020, khoảng 41% tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực bất động sản. Do đó, kịch bản vỡ bong bóng bất động sản có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tài sản của các ngân hàng. Ước tính các khoản nợ xấu từ các nhà phát triển bất động sản và người mua nhà đang tồn đọng ở các ngân hàng Trung Quốc có thể lên tới 50,8 nghìn tỷ NDT (7,9 nghìn tỷ USD).

Nhưng chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đã chuẩn bị cho kịch bản kinh tế giảm tốc. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chỉ đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 6% cho năm 2021, thấp hơn rất nhiều con số dự báo khoảng 8% của các tổ chức kinh tế quốc tế.

Mức tăng trưởng mục tiêu thấp như vậy có nghĩa là chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình có nhiều dư địa để hãm nợ cũng như chuẩn bị cho sự sụp đổ tiềm năng của China Evergrande; qua đó thanh lọc hệ thống tài chính, kiểm soát hoạt động đầu tư và thúc đẩy yếu tố tăng trưởng kinh tế lành mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả