Tính hai mặt của lãi suất trái phiếu chính phủ siêu thấp
Lần đầu tiên trong lịch sử, lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam kỳ hạn 5 năm đã thấp hơn so với trái phiếu chính phủ Mỹ cùng kỳ hạn.
Những ngày đầu gia nhập thị trường tài chính, chúng tôi được làm quen với khái niệm phần bù rủi ro trong các giáo trình định giá kinh điển. Ở đó, lãi suất trái phiếu có rủi ro cao hơn được tham chiếu với trái phiếu chính phủ Mỹ (được coi là không có rủi ro) cộng thêm phần bù rủi ro.
Phần bù rủi ro với trái phiếu chính phủ Việt Nam những ngày đầu hội nhập với tài chính thế giới luôn được mặc định là trên 5%. Thậm chí, trong những ngày Việt Nam rơi vào siêu lạm phát, nhà đầu tư ngoại bán trái phiếu chính phủ trong hoảng loạn với phần bù rủi ro có lúc lên tới 20% cho trái phiếu kỳ hạn 5 - 10 năm. Khi ấy, có nằm mơ cũng không ai trong chúng tôi tin một ngày trong đời được thấy lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam thấp hơn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.
Nhưng mười năm qua là một quá trình tuyệt vời. Trong đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có công rất lớn trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát lạm phát và thâm hụt ngân sách, giảm nợ công (trên GDP), chuyển nhập siêu thành xuất siêu và thặng dư cán cân thanh toán. Kết quả là VNĐ ngày càng ổn định, đồng thời niềm tin của thị trường vào mức độ an toàn và sự hấp dẫn của trái phiếu chính phủ tăng lên sau mỗi năm.
Nhưng việc trái phiếu chính phủ Việt Nam 5 năm lần đầu tiên thấp hơn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cùng kỳ hạn có thể hiện rủi ro phá sản của Việt Nam thấp hơn Mỹ hay không?
Chắc chắn là không!
Ngược lại, sự thật kỳ lạ này phản ánh một thực tế đáng ngạc nhiên của nền kinh tế hiện tại: Việt Nam đang là nước duy nhất trên thế giới có ngân sách thặng dư và nợ công/GDP giảm, ngay giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử kinh tế hiện đại.
Trong khủng hoảng, kinh tế tư nhân luôn là bộ phận chịu tổn thất rất nặng nề. Nhu cầu tín dụng suy giảm mạnh trong khi ngân hàng siết chặt tiêu chuẩn cho vay.
Tiền nhanh chóng dư thừa và ách tắc trong hệ thống ngân hàng, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước ồ ạt bơm thanh khoản, hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế và chống đổ vỡ.
Điểm đến ít rủi ro nhất lúc này chỉ còn trái phiếu chính phủ, bất chấp lãi suất thấp cỡ nào.
Và khi mọi thành phần kinh tế đều thu hẹp hoạt động, lời giải cho phục hồi kinh tế và khơi thông các nguồn vốn ách tắc sẽ nằm ở đẩy mạnh đầu tư công và các gói kích thích từ nguồn vốn ngân sách, tài trợ bởi trái phiếu chính phủ.
Chính phủ hầu hết các quốc gia trên thế giới đang đua nhau tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khổng lồ, tài trợ từ nguồn vốn vay, đồng thời chấp nhận một mức thâm hụt ngân sách kỷ lục.
Những cường quốc lớn có vị thế tín nhiệm cao sẵn sàng tung ra các gói kích thích khổng lồ quy mô 20 - 70% GDP. Các nước đang phát triển với cân bằng vĩ mô và dư địa chính sách kém hơn cũng tung ra các gói kích thích tài khóa quy mô 5 - 15% GDP.
Khi xảy ra khủng hoảng, các chỉ tiêu nợ công/GDP và mức thậm hụt ngân sách cho 2021 - 2022 đều được chính phủ các nước nới lỏng. Quy mô, tốc độ giải ngân các gói cứu trợ tới tay người dân và doanh nghiệp khó khăn, cũng như tốc độ triển khai đầu tư công là KPI được ưu tiên trên toàn cầu.
Trong khi đó, Việt Nam hầu như chưa giải ngân được gói kích thích nào đáng kể. Ngân sách 8 tháng đầu năm 2021 đang thặng dư.
Việc kéo được lợi suất trái phiếu chính phủ 5 năm giảm từ 12%/năm về 2%/năm trong giai đoạn 2011 - 2019 là một thành công rất đáng tự hào của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhưng dưới góc nhìn chính sách, khi GDP sụt giảm nghiêm trọng và hàng loạt doanh nghiệp, người dân đang cực kỳ khó khăn như hiện nay, duy trì thặng dư ngân sách và tỷ lệ nợ công/GDP giảm là không logic.
Việt Nam đã xuất phát chậm trong cuộc đua vắc-xin Covid-19, nếu tiếp tục chậm trễ trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sẽ khiến giai đoạn khó khăn kéo dài thêm, làm quá trình phục hồi các hoạt động kinh tế hậu Covid khó khăn hơn.
Nhưng Việt Nam luôn có một lợi thế là bài học từ các nước đi trước trong cả phòng chống dịch và phục hồi kinh tế đã có rất nhiều. Việc của chúng ta là nhanh chóng học và áp dụng những gì phù hợp nhất để Việt Nam sớm vượt qua khủng hoảng, tận dụng những cơ hội đang rất rộng mở sau đại dịch.
Điều gì cũng có tính hai mặt, lợi suất trái phiếu chính phủ thấp kỷ lục vừa thể hiện sự chậm trễ và ách tắc của đầu tư công, nhưng cũng là cơ hội hiếm có để Chính phủ vay nợ với giá rẻ kỷ lục cho các chính sách tài khóa cấp thiết trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận