Tin vui: Việt Nam cải thiện được 1 tiêu chí nâng hạng của MSCI
Tổ chức xếp hạng thị trường MSCI đánh giá tiêu chí "khả năng chuyển nhượng" (Transferability) của Việt Nam đã được thay đổi từ cần cải thiện "-" sang không có vấn đề lớn "+".
Trong báo cáo khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu mới công bố, Việt Nam đã có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng nhờ sự gia tăng giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vật có thể được thực hiện mà không cần có sự phê duyệt trước của cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nỗ lực phát triển thị trường có kế hoạch giải quyết một số vấn đề về khả năng tiếp cận, chẳng hạn như giới hạn sở hữu nước ngoài, yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và việc thiếu công bố thông tin thị trường bằng tiếng Anh. MSCI sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ của những cải cách này.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn 8 tiêu chí cần cải thiện bao gồm:
Giới hạn sở hữu nước ngoài: Các công ty ở một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài từ 0% cho tới 51%. Những giới hạn này vẫn tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Room ngoại còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài: Thị trường cổ phiếu chịu ảnh hướng lớn từ vấn đề room nước ngoài. Hơn 1% của chỉ số MSCI Vietnam IMI bị tác động bởi room nước ngoài thấp.
Quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài: Một số thông tin doanh nghiệp vẫn không có tiếng Anh. Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.
Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối: Hiện chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài và thị trường giao dịch trong nước còn hạn chế (giao dịch ngoại tệ phải liên quan tới giao dịch chứng khoán).
Đăng ký đầu tư và mở tài khoản: Đăng ký giao dịch là bắt buộc và việc mở tài khoản cần được VSD thông qua.
Các quy định về thị trường: Các quy định về thị trường chưa có đầy đủ bằng tiếng Anh.
Luồng thông tin: Các thông tin về thị trường chứng khoán thường không có bản tiếng Anh hoặc không đủ chi tiết.
Việt Nam cải thiện 1 tiêu chí trong số 9 tiêu chí chưa đáp ứng được yêu cầu nâng hạng thị trường của MSCI
Nguồn: MSCI
Thời gian qua, các cơ quản quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam có những động thái tích cực hợp tác quốc tế, làm việc với các ủy ban chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán, tổ chức xếp hạng thế giới. Đồng thời, nỗ lực đưa hệ thống KRX vào vận hành và tìm phương án giải quyết về prefunding.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng nỗ lực tìm kiếm sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch đầu tư về các vấn đề cần thiết để nâng hạng như prefunding, tiêu chí tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Cụ thể, theo lãnh đạo VSDC việc áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) với sự chấp thuận của NHNN, trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ sẽ là Phương án tối ưu để xử lý vương mắc prefunding.
Về phần tỷ lệ sở hữu nước ngoài, để giải quyết cần thay đổi các quy định đối với từng ngành nghề, danh mục hạn chế với nhà đầu tư nước ngoài tại Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán. Ngoài ra, viẹc nghiên cứu và thí điểm áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyét (NVDR) cũng cần có cơ chế phù hợp tại Luật Doanh nghiệp.
Trong báo cáo về vấn đề nâng hạng thị trường phát hành hồi tháng 3/2024, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo Việt Nam sẽ có khả năng vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI vào tháng 6/2025. Còn với lộ trình nâng hạng của FTSE, BSC dự báo khả năng xem xét nâng hạng chính thức vào tháng 9/2024 hoặc tháng 3/2025 và chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025.
Chí Kiên
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận