24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Diệu Thu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tin thế giới 6/9: Nội các Anh, Philippines nói về biên giới trên biển; đụng độ biên giới Ấn Độ - Pakistan

Bà Liz Truss trở thành Thủ tướng Anh, Philippines nói về biên giới trên biển, đụng độ biên giới Ấn Độ-Pakistan là những tin thế giới đáng chú ý.

Anh

* Bà Liz Truss chính thức là tân Thủ tướng Anh: Chiều ngày 6/9, bà Liz Truss đã chính thức trở thành tân Thủ tướng Anh sau cuộc gặp với Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại lâu đài ở điền trang Balmoral, Scotland.

Theo thông lệ, các thông tin cụ thể về cuộc gặp giữa Nữ hoàng Elizabeth II và tân Thủ tướng không được tiết lộ. Bà Liz Truss là Thủ tướng thứ 15 trong giai đoạn trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II.

Tin thế giới 6/9: Nội các Anh, Philippines nói về biên giới trên biển; đụng độ biên giới Ấn Độ - Pakistan
Bà Liz Truss diện kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại Balmoral, Scotland để tiếp nhận cương vị Thủ tướng Anh ngày 6/9. (Nguồn: AFP)

Trang Twitter của bà Liz Truss cũng đã thay đổi chú thích thành “Thủ tướng Vương quốc Anh và Cộng hòa Bắc Ireland. Lãnh đạo đảng Bảo thủ”.

Như vậy, bà Liz Truss sẽ thay ông Boris Johnson đảm nhiệm cương vị lãnh đạo xứ sở sương mù. Bà là nữ Thủ tướng thứ 3 trong lịch sử nước Anh, sau bà Margaret Thatcher và bà Theresa May. (The Guardian)

* Ông Rishi Sunak có thể không nằm trong nội các: Theo The Guardian ngày 6/9, tân Thủ tướng Anh Liz Truss sẽ không bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak - đối thủ của bà Truss trong cuộc đua bầu cử - vào một vị trí trong nội các mới.

Tờ này cho biết Bộ trưởng Bộ Giáo dục James Cleverly có thể được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, còn Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Kwasi Kwborisarteng có thể là ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Tài chính. Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace nhiều khả năng giữ nguyên chức vụ này. Tổng chưởng lý Anh và xứ Wales Suella Braverman dự đoán sẽ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ. (The Guardian)

Nga-Ukraine

* Nga-Ukraine cáo buộc lẫn nhau ở Kharkov và Enerhodar: Ngày 6/9, Thống đốc Kharkov, ông Oleh Synehubov cho biết, 3 dân thường đã thiệt mạng do các vụ tấn công bằng tên lửa của Nga ở Kharkov. Trong đó, 2 người đàn ông thiệt mạng do bị pháo kích ở làng Zolochiv và 1 phụ nữ 73 tuổi thiệt mạng tại thành phố Kharkov.

Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nằm gần biên giới Nga và thường xuyên phải hứng chịu thiệt hại từ các đợt giao tranh giữa hai bên kể từ khi xung đột nổ ra.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine đã bắn 20 quả đạn pháo vào thị trấn Enerhodar và khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong 24 giờ qua.

Tại họp báo quân sự thường ngày, bộ trên nêu rõ 3 quả đạn pháo đã rơi xuống khu vực nhà máy, trong đó 1 quả phát nổ gần tổ máy điện số 2. Hiện mức độ phóng xạ tại cơ sở điện hạt nhân lớn nhất châu Âu vẫn bình thường. (Reuters)

Châu Âu

* Nga cáo buộc phương Tây không tôn trọng cam kết về xuất khẩu lương thực: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 6/9 cho rằng, phương Tây không tôn trọng cam kết nhằm giúp mặt hàng xuất khẩu lương thực của Nga vươn ra toàn cầu.

Theo ông, phương Tây đã không nới lỏng biện pháp trừng phạt nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hoạt động vận chuyển sản phẩm nông nghiệp Nga ra thế giới.

Moscow lâu nay coi cam kết trên là một phần quan trọng trong thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Thỏa thuận này giúp chấm dứt phong tỏa hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng miền Nam, đồng thời góp phần hạ nhiệt căng thẳng lương thực toàn cầu.

Cùng ngày, trả lời họp báo ở thủ đô Moscow, ông Lavrov chỉ trích tân Thủ tướng Anh không sẵn sàng thỏa hiệp. Theo ông Lavrov, cách tiếp cận bài Nga của bà Truss sẽ không giúp nước Anh trên trường quốc tế. (RIA)

Đông Bắc Á

* Phái đoàn nghị sĩ Pháp thăm Đài Bắc: Ngày 6/9, cơ quan đối ngoại Đài Loan thông báo, phái đoàn gồm 5 nghị sĩ Pháp, do Thượng nghị sĩ Cyril Pellevat dẫn đầu, sẽ thăm Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 7-12/9. Tại đây, phái đoàn sẽ hội kiến người thứ hai Đài Loan Lại Thanh Đức.

Đây là phái đoàn cấp cao đầu tiên từ châu Âu tới hòn đảo này sau chuyến thăm của một loạt quan chức, nghị sĩ Mỹ tháng qua.

Trong năm nay, Đài Loan dự kiến sẽ đón các đoàn nghị sĩ âtừ Đức, Anh và Canada. (Reuters)

* Thủ tướng Hàn Quốc gặp tân Đại sứ Mỹ: Ngày 6/9, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo đã có cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Philip Goldberg nhằm thảo luận quan hệ song phương và các vấn đề tồn đọng.

Quan chức Seoul đề nghị phía Washington quan tâm và xem xét đặc biệt đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở thị trường Mỹ sau khi Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được thông qua tại Mỹ.

Theo IRA, được Tổng thống Joe Biden ký ban hành ngày 16/8, chỉ có xe ô tô điện được lắp ráp cuối cùng tại Bắc Mỹ mới được hưởng trợ cấp từ Chính phủ nước này.

Điều này khiến các nhà sản xuất xe của Hàn Quốc lo rằng sẽ mất chỗ đứng trên thị trường Mỹ, bởi họ sản xuất xe điện tại các nhà máy trong nước để xuất khẩu.

Ngoài ra, Thủ tướng Han Duck Soo cũng hy vọng Đại sứ Goldberg sẽ đóng vai trò cầu nối, giúp tăng cường hợp tác và trao đổi song phương.

Về phần mình, Đại sứ Goldberg khẳng định ông sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc tăng cường quan hệ song phương, không chỉ trong quân sự và an ninh, mà trong các lĩnh vực khác như an ninh kinh tế và hợp tác toàn cầu. (Yonhap)

Đông Nam Á

* Philippines sẵn sàng đàm phán về biên giới trên biển với Trung Quốc: Ngày 6/9, phát biểu trong chuyến thăm Indonesia, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố sẵn sàng “thăm dò” các cuộc đàm phán về biên giới trên biển với Trung Quốc cũng như các nước khác, bằng áp dụng chiến lược tương tự, vốn giúp Manila ký được thỏa thuận với Jakarta liên quan tới phân định thềm lục địa.

Tổng thống Marcos nhấn mạnh: “Đó có thể là khuôn mẫu, bởi phân định thềm lục địa không chỉ là vấn đề giữa Indonesia và Philippines mà còn là với các quốc gia khác. Đàm phán nên kết thúc bằng việc ký kết thỏa thuận song phương”.

Trước đó một ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố nước này và Philippines cam kết đẩy nhanh đàm phán về vấn đề phân định ranh giới thềm lục địa dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. (GMA Network)

* Cựu Thủ tướng Malaysia xin ân xá: Ngày 6/9, Chủ tịch Hạ viện Malaysia Azhar Azizan Harun xác nhận cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đệ đơn xin ân xá lên Nhà vua Al-Sultan Abdullah.

Ông Azhar cho hay: “Do đang chờ giải quyết đơn xin ân xá, ghế hội đồng lập pháp Pekan (khu vực bầu cử của ông Najib) sẽ không bị bỏ trống cho đến khi có quyết định của Nhà Vua”.

Cựu Thủ tướng Najib phải ngồi tù tại Kajang kể từ ngày 23/8, sau khi Tòa án Liên bang Malaysia giữ nguyên bản án 12 năm tù vì tội biển thủ Quỹ SRC International.

Ngoài ra, ông Najib vẫn đang phải đối mặt với nhiều vụ án khác liên quan đến Quỹ Nhà nước (1MDB) đang chờ xét xử.

Theo Chủ tịch Hạ viện Azhar, ông Najib đã nộp đơn xin ân xá lên Hoàng gia ngày 2/9 và sẽ chờ kết quả trong vòng 14 ngày theo luật định sau phán quyết của Tòa án Liên bang.

Có thông tin nói rằng bản kiến nghị xin ân xá đã được phân phát tại khu vực bầu cử Pekan với hy vọng sẽ có ít nhất 100.000 cư dân ký tên ủng hộ. Ngoài ra, một số nguồn tin cho biết ông Najib đã phải nhập viện để kiểm tra bệnh dạ dày.

Trước đó, ngày 5/9, cựu Thủ tướng Malaysia tiếp tục có mặt tại Tòa án Tối cao Kuala Lumpur để xét xử vụ án khác liên quan Quỹ Nhà nước 1MDB. (Reuters)

Nam Á

* Quân đội Ấn Độ và Pakistan đấu súng dọc biên giới Jammu: Sáng 6/9, quân đội Ấn Độ và Pakistan đã xảy ra đấu súng ở khu vực biên giới quốc tế (IB) thuộc khu vực Arnia, huyện Jammu.

Một người phát ngôn của Lực lượng an ninh biên giới (BSF) Ấn Độ cho biết, các nhân viên kiểm lâm Pakistan đã "vô cớ" nổ súng vào đội tuần tra của BSF ở khu vực Arnia, buộc phía Ấn Độ phải “đáp trả phù hợp”.

Đây là vụ xung đột đầu tiên kể từ tháng 2/2021 khi hai nước tái cam kết tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 2003.

Diễn biến mới nhất trên đe dọa nỗ lực của hai nước về tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, sau khi Chính phủ Ấn Độ sửa đổi Điều 370 trong hiến pháp về đảm bảo các quyền đặc biệt cho bang Jammu & Kashmir, và sáp nhập vùng có đa số người Hồi giáo duy nhất ở Ấn Độ với phần còn lại của nước này năm 2019.

* Ấn Độ khởi động đàm phán hiệp định đối tác kinh tế với Bangladesh: Ngày 6/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố nước này sẽ khởi động đàm phán liên quan đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với Bangladesh.

Trả lời báo giới sau khi hội đàm với người đồng cấp Bangladesh Sheikh Masina, người đang thăm Ấn Độ, Thủ tướng Modi nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng quyết định tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, không gian và năng lượng hạt nhân”.

Theo ông, Bangladesh là đối tác phát triển và đối tác thương mại khu vực lớn nhất của Ấn Độ. (Reuters)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả