Tin thế giới 5/7: Nga nhắn nhủ NATO "đừng áp tối hậu thư"; lộ điểm yếu chí mạng của Ukraine; Đức-Pháp va vào bức tường mù mịt ở EU
Quan hệ Nga với Mỹ, NATO, EU, Ukraine; điểm yếu ngăn cản Ukraine gia nhập NATO; căng thẳng Ấn Độ-Pakistan... là một số tin thế giới nổi bật.
Nga-NATO: Đối thoại dưới áp lực tối hậu thư là không thể
Ngày 4/7, trả lời phỏng vấn chương trình Moscow. Điện Kremlin. Putin trên kênh truyền hình Rossiya-1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, ngay cả với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga cũng "có thể và nên đối thoại", bởi chỉ như vậy, hai bên mới có thể nói lên chính xác những lo ngại của mình.
Tuy nhiên, ông Peskov cho rằng, bất chấp những nỗ lực nối lại đối thoại, "Moscow đang phải đối mặt với nỗ lực áp đặt một số chương trình nghị sự từ NATO, hơn nữa, dưới hình thức tối hậu thư", và điều này khiến đối thoại không thể xảy ra.
Quan chức Nga cũng nhận định, "NATO chỉ theo đuổi mục tiêu đối đầu, không mang lại bất kỳ sự ổn định nào ở khu vực trong khi Nga luôn quan tâm đến việc xây dựng các mối quan hệ mang tính xây dựng với NATO". (TASS)
Nga-Mỹ tiến hành đối thoại kín liên quan tấn công mạng
Cuối tuần qua, trên kênh YouTube Solovyev Live, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho hay, Moscow và Washington đang tiến hành "đối thoại kín, nghiêm túc và bí mật" giữa các bộ phận liên quan về vấn đề tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của cả hai nước.
Đại sứ Antonov lưu ý, trong các cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden, "không hề có lời cáo buộc nào cho thấy chính phủ Nga đứng sau các cuộc tấn công của tin tặc".
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Nga cũng cho biết thêm, ông đã thông báo cho các đồng nghiệp Mỹ về các cuộc tấn công mạng vào máy chủ của Nga trong chương trình "Hỏi đáp trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin" hồi tuần trước.
Liên quan quan hệ Nga-Mỹ, ngày 4/7, trong chương trình Moscow. Điện Kremlin. Putin trên kênh truyền hình Rossiya-1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định, Tổng thống Mỹ sẽ không thể nói rằng "chúng tôi cần phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Nga... bởi vì ở Mỹ, người ta không thể nói về mối quan hệ tốt đẹp với Nga”.
Bên cạnh đó, Nga cũng tố Mỹ đứng sau vụ tàu Anh HMS Defender được cho là xâm phạm lãnh hải Nga trên Biển Đen vào tháng trước.(TASS)
Nga-EU: Đức và Pháp đang va vào bức tường mù mịt ở EU
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Đức và Pháp đang cố gắng thiết lập một "giai điệu mới" trong đối thoại với Nga, tuy nhiên, họ "đang va vào một bức tường mù mịt", đó là sự không sẵn lòng bình thường hóa quan hệ với Moscow của các thành viên mới gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Ông Peskov đánh giá, một cuộc đối thoại, chứ chưa nói đến việc bình thường hóa quan hệ, là điều mà cả EU và Nga đều đang cần, tuy nhiên, rất khó để thiết lập đối thoại với châu Âu trong tình hình hiện nay.
Theo người phát ngôn Nga, các thành viên EU mới được kết nạp gần đây đang gây căng thẳng với Moscow theo đúng nghĩa đen.
Nêu ví dụ việc "các nước Baltic nhận máy bay chiến đấu của Mỹ và không tiếc sức lực mời quân đội nước ngoài, đưa họ đến gần biên giới với Nga", quan chức Nga cho rằng, các nước này chỉ làm quan hệ với Moscow căng thẳng thêm. (TASS)
Ấn Độ-Pakistan: Pakistan cáo buộc Ấn Độ đứng sau vụ đánh bom ở thành phố Lahore
Ngày 4/7, Cố vấn An ninh quốc gia Pakistan Moeed Yousuf cho hay, kết quả điều tra vụ đánh bom xe hơi đẫm máu ở thành phố miền Đông Lahore xác nhận, đối tượng chủ mưu là một công dân Ấn Độ làm việc cho cơ quan tình báo RAW (Research and Analysis Wing) của nước này.
Theo ông Yousuf, Islamabad sẽ tiếp tục nỗ lực vạch trần trách nhiệm bảo trợ của New Delhi đối với những vụ tấn công như vậy trên trường quốc tế.
Vụ nổ xảy ra bên ngoài nơi ở của thủ lĩnh phiến quân chống Ấn Độ Hafiz Saeed, vốn bị Bộ Tư pháp Mỹ liệt vào danh sách các phần tử khủng bố và treo thưởng 10 triệu USD để “lấy đầu” đối tượng này.
New Delhi đã cáo buộc Saeed giúp lên kế hoạch và chỉ huy những vụ tấn công đẫm máu ở thành phố Mumbai năm 2008 khiến gần 170 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, Saeed vẫn an toàn sau vụ nổ lớn ở thị trấn Johar, địa phương lân cận thành phố Lahore, Pakistan, trong khi 3 người thiệt mạng và 24 người bị thương. (AP)
Ukraine: Mỹ tiết lộ điểm yếu chí mạng của quân đội Ukraine
Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CSR) cho biết đã tìm ra nguyên nhân chính xác ngăn cản Ukraine tiến hành cải cách quân đội để đáp ứng được tiêu chuẩn của NATO.
Theo đó, lực lượng vũ trang Ukraine đã không sẵn sàng cho cuộc xung đột bùng nổ ở Donbass hồi năm 2014 do nhiều năm bị bỏ bê tắc trách và thiếu thốn kinh phí: “Bất chấp ngành công nghiệp quốc phòng và kho vũ khí quy mô lớn, nhiều mẫu thiết bị hiện có của Ukraine đã lỗi thời và cần được sửa chữa khẩn cấp”.
Các chuyên gia Mỹ cũng cho rằng, quân đội Ukraine hiện vẫn chưa xây dựng được đội ngũ chỉ huy cấp dưới chuyên nghiệp do vấn đề luân chuyển nhân sự. Cùng với đó là tình trạng mức lương thấp, thiếu nhà ở dành cho gia đình quân nhân và khả năng đào tạo yếu kém.
Ngoài ra, lực lượng vũ trang Ukraine cũng bị tổn thất nghiêm trọng vì các sự kiện ở Donbass, nhất là đối với không quân. Theo đánh giá của CRS, phần lớn các máy bay và hệ thống phòng không của Ukraine đều thuộc loại đã vận hành hơn 30 năm.
Tuy nhiên, theo CRS, tình hình hiện tại đã được cải thiện phần nào nhờ sự giúp đỡ của Mỹ và NATO. (Sputnik)
Nga-Ukraine: Tổng thống Nga sắp có bài báo 'dựa trên dữ liệu lịch sử' về Kiev
Ngày 4/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tiết lộ, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sớm công bố bài viết về chủ đề liên quan đến Ukraine
Theo ông Peskov: “Tổng thống viết về những gì mà ông cho là có tầm quan trọng mang tính sống còn đối với đất nước, đối với cách thức ứng xử của đất nước chúng ta, đối với tương lai, bài báo về Ukraine".
Người phát ngôn Điện Kremlin cho hay, Nhà lãnh đạo Nga sẽ sử dụng dữ liệu lịch sử cho bài báo của ông. (TASS)
Nga-Israel: Lãnh đạo Israel, Nga điện đàm về nhiều vấn đề quan trọng
Ngày 5/7, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó, ông Bennett đã cảm ơn ông Putin về vai trò của Moscow trong việc tăng cường sự ổn định trong khu vực cũng như sự hỗ trợ của ông (trong các cuộc đàm phán) về vấn đề tù nhân và người mất tích".
Hai bên cũng đã thảo luận về các vấn đề an ninh và nhất trí sẽ tổ chức một cuộc gặp trong tương lai gần.
Còn theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã chúc Thủ tướng Bennett thành công trên cương vị mới. Hai nhà lãnh đạo đã bàn về kinh nghiệm của cả hai nước trong việc ứng phó đại dịch Covid-19, hợp tác song phương và các vấn đề khu vực. (Sputnik)
Vụ máy bay rơi ở Philippines: 50 người tử vong, Bộ Quốc phòng chỉ thị mở cuộc điều tra
Ngày 5/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã chỉ thị mở cuộc điều tra vụ máy bay C-130 rơi tại tỉnh Sulu, miền Nam nước này khiến 50 người, bao gồm 47 binh sĩ trên máy bay và 3 dân thường dưới mặt đất thiệt mạng trong khi 53 người bị thương.
Bộ trưởng Delfin Lorenzana đã chỉ thị mở cuộc điều tra về thảm kịch hàng không quân đội nghiêm trọng nhất tại nước này trong gần 30 năm qua.
Người phát ngôn quân đội Philippines, Thiếu tướng Edgard Arevalo cho biết, trước khi gặp nạn, chiếc máy bay C-130 “ở trong tình trạng rất tốt và tuân thủ những quy định về hoạt động”. Thiếu tướng Edgard Arevalo cũng nói rằng chiếc máy bay trên còn 11.000 giờ bay nữa mới đến lượt bảo dưỡng tiếp theo. (Reuters)
Afghanistan:
Nga: Tình hình ở Afghanistan ngày càng xấu đi, sẵn sàng đăng cai đối thoại Taliban-Kabul
Ngày 5/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định, tình hình ở Afghanistan đang trở nên ngày càng tồi tệ và sự bất ổn hiện hữu.
Phát biểu với các phóng viên, ông Peskov nói: "Sau khi Mỹ và đồng minh rút khỏi Afghanistan, diễn biến tình hình ở quốc gia Tây Nam Á này là vấn đề khiến chúng tôi ngày càng lo ngại. Chúng tôi quan sát rất kỹ và thấy rằng, thật không may, tình trạng bất ổn đang diễn ra".
Ngoài ra, ông Peskov cũng nêu rõ, vấn đề triển khai quân đội Nga ở Afghanistan không nằm trong chương trình nghị sự tại Điện Kremlin.
Cùng ngày, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan Zamir Kabulov tuyên bố, Moscow sẵn sàng cung cấp địa điểm cho các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban nếu các bên thể hiện sẵn sàng thương lượng. (Sputnik)
Báo Ấn Độ: Hơn 1.000 quân Afghanistan chạy trốn khỏi Taliban vào Tajikistan
Tờ The Economic Times của Ấn Độ dẫn nguồn tin Ủy ban an ninh quốc gia Tajikistan cho biết, sáng sớm 5/7, hơn 1.000 binh sĩ Afghanistan đã chạy sang nước láng giềng Tajikistan sau khi đụng độ với Taliban.
Các tay súng Taliban đã tiến hành một số cuộc tấn công lớn ở miền Bắc Afghanistan trong những tuần gần đây khi quân đội Mỹ và các lực lượng quốc tế rút khỏi nước này.
Phía Tajikistan thông báo, "tính đến nguyên tắc láng giềng tốt và tôn trọng lập trường không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan, quân nhân của lực lượng chính phủ Afghanistan được phép vào lãnh thổ Tajikistan".
Bên cạnh đó, phía Tajikistan cũng cho biết Taliban đã nắm "toàn quyền kiểm soát" 6 huyện của tỉnh Badakhshan giáp với Tajikistan ở phía Đông Bắc của Afghanistan.
Thủ tướng Áo bị triệu tập điều tra liên quan đến cáo buộc tham nhũng
Trang mạng Euractiv.de (Đức) đưa tin, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz mới đây đã bị Ủy ban điều tra của quốc hội nước này triệu tập liên quan đến cáo buộc tham nhũng trong chính phủ liên minh 2 đảng Nhân dân và Tự do Áo (ÖVP-FPÖ) trước đây.
Liên minh 2 đảng này đã sụp đổ sau bê bối tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Áo - còn được gọi là vụ “Ibizagate”.
Thủ tướng Kurz đã chỉ trích lệnh triệu tập của ủy ban trên là thiên vị.
Mặc dù về nguyên tắc, Ủy ban điều tra của Quốc hội Áo là một công cụ kiểm soát hữu ích, tuy nhiên, ông Kruz cho rằng, hoạt động hiện tại của cơ quan này dựa trên “sự lạm dụng có động cơ chính trị”, nguy cơ “làm tổn hại đến nền dân chủ”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận