Tin thế giới 24/6: Nga-Anh căng thẳng sau vụ va chạm tàu; Nga tuyên bố ‘sẽ có phản ứng mạnh’; Mỹ-Hàn ‘bật đèn xanh’ cho Triều Tiên
Nga-Anh đụng độ trên Biển Đen và những tranh cãi xung quanh, quan hệ Nga-Mỹ, tình hình EU... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.
Đụng độ Nga-Anh trên Biển Đen
Nga bắn cảnh cáo tàu khu trục Anh ở Biển Đen
Ngày 23/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Hạm đội Biển Đen phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) đã ngăn chặn hành vi xâm phạm biên giới Nga của tàu chiến Anh HMS Defender, ngoài khơi Mũi Fiolent, Crimea.
Thông báo nói, lúc 11h52’ ngày 23/6, giờ địa phương (15h52’ giờ Việt Nam) tàu khu trục HMS Defender đã vượt qua biên giới Nga, đi vào lãnh hải khoảng 3km gần Mũi Fiolent, Crimea và phớt lờ cảnh báo về việc Moscow sẽ sử dụng vũ khí trong trường hợp vi phạm biên giới. Lúc 12h06’ và 12h08’, tàu tuần tra biên giới Nga đã nổ súng cảnh cáo. Chín phút sau đó, Su-24M của lực lượng Nga thực hiện ném bom cảnh báo bằng cách thả 4 quả OFAB-250 về hướng khu trục hạm Anh.
Lúc 12h23’, tàu Anh rời biên giới lãnh hải Nga.
Một video được truyền thông Nga đăng tải, cho thấy, máy bay Nga từ trên không đã khóa mục tiêu tàu khu trục Anh.
Theo Daily Mail, đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Moscow thừa nhận việc sử dụng đạn thật để ngăn chặn một tàu chiến của NATO. (Interfax)
Nga-Anh tranh cãi
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Moscow coi vụ việc là một "hành động khiêu khích rõ ràng" từ phía Anh.
Người đứng đầu nhóm công tác các vấn đề luật pháp quốc tế của phái đoàn thường trực Crimea thuộc Phủ Tổng thống Nga, ông Alexander Molokhov cho rằng việc Nga sử dụng vũ khí trong vụ việc xảy ra với tàu khu trục Anh HMS Defender là hành động hoàn toàn hợp lý theo góc nhìn của luật pháp quốc tế.
Ông Molokhov nói: "Rõ ràng đó là một hành động thù địch nhằm vào Nga và là hành vi xâm phạm lãnh thổ và hải phận của chúng ta. Đó là một hành vi gây hấn và do thám. Tôi mừng vì các lực lượng bảo vệ biên giới của chúng ta đã thể hiện sự kiềm chế và không có hành động nào gây leo thang xung đột. Đúng là họ đã bắn cảnh cáo và điều đó là đủ".
Ông Molokhov khẳng định phản ứng của Nga tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, phía Anh đã lập tức bác bỏ tuyên bố của Moscow về việc tàu tuần tra Nga bắn cảnh cáo tàu khu trục HMS Defender.
Bộ Quốc phòng Anh trên nêu rõ: "Không có phát bắn cảnh cáo nào nhằm vào tàu HMS Defender. Tàu của Hải quân Hoàng gia đang thực hiện việc đi lại vô hại qua lãnh hải của Ukraine theo luật pháp quốc tế".
Bộ này cho rằng, Nga đang tiến hành một cuộc tập trận bắn đại bác tại Biển Đen và đã cảnh báo về hoạt động này cho các bên liên quan trong khu vực.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Bộ Quốc phòng Anh và Đại sứ quán Anh ở Moscow đang lan truyền thông tin sai sự thật.
Ngoài ra, bà Zakharova cũng thông báo rằng, Đại sứ Anh sẽ được triệu đến Bộ này trong ngày 24/6. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã triệu Tùy viên Quốc phòng Anh tại Moscow tới để phản đối. (Reuters/TASS)
Nga cảnh báo phương Tây
Ngày 24/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov kêu gọi phương Tây tôn trọng biên giới Nga và cảnh báo Nga sẽ phản ứng mạnh nếu tàu chiến nước ngoài xâm phạm vùng biển Nga, chứ không chỉ thả bom cảnh báo như trong vụ việc với tàu HMS Defender trên Biển Đen hôm 23/6.
"Chúng ta có thể sẽ ném bom không chỉ theo hướng tàu di chuyển, mà nhắm thẳng vào mục tiêu, nếu các đồng nghiệp (phương Tây) cố tình không chịu hiểu... An ninh của đất nước chúng ta là trên hết", ông Ryabkov nhấn mạnh. (Sputnik)
Moscow khẳng định thiện chí hợp tác với Washington
Ngày 24/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow hy vọng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng theo định dạng song phương và mong muốn đối thoại hiệu quả với Washington theo phương hướng này.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: "Tất nhiên, chúng tôi hy vọng rằng sự hợp tác của chúng tôi trong lĩnh vực an ninh mạng sẽ tiếp tục thông qua các kênh song phương và chúng tôi cũng mong muốn được chứng kiến hợp tác hiệu quả trong những vấn đề an ninh mạng với phía Mỹ, như đã được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Geneva".
Theo ông Lavrov, Moscow lên tiếng bày tỏ quan ngại về "các kế hoạch của một số quốc gia nhằm quân sự hóa mạng Internet và gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trên không gian mạng".
Ngoại trưởng Nga nêu rõ: "Chúng tôi đang tích cực vận động thông qua một bộ quy tắc ứng xử có trách nhiệm của các quốc gia trong không gian thông tin toàn cầu, vì lợi ích của mỗi nước trong lĩnh vực quân sự và an ninh chính trị. Đồng thời, chúng tôi đang thúc đẩy kế hoạch tổ chức một hội nghị toàn cầu về đấu tranh với các hình thức tội phạm mạng".
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga và Mỹ về kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược sẽ diễn ra vào tháng 7 tới. (TASS)
EU sẽ họp thượng đỉnh với Nga?
Đức và Pháp đang hối thúc Liên minh châu Âu (EU) cần tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Nga để thiết lập lại quan hệ, trong bối cảnh EU thừa nhận rằng mối quan hệ với Moscow 'đang ở mức thấp nhất' trong lịch sử.
Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi EU mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối này dự kiến diễn ra vào ngày 24-25/6 tại Brussels (Bỉ). Đề xuất của Đức được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ.
Berlin và Paris hy vọng rằng EU sẽ sẵn sàng hợp tác với Moscow trong các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm như bảo vệ môi trường, cuộc chiến chống khủng bố, y tế và các chương trình vũ trụ.
Trong khi đó, Điện Kremlin tuyên bố, Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ ý tưởng khôi phục đối thoại và tiếp xúc giữa Moscow và EU.
Phát biểu với phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Một cuộc đối thoại như vậy thực sự cần thiết cho cả Brussels và Moscow. Chúng tôi tích cực cân nhắc một đề xuất như vậy".
Tuy nhiên, hiện chưa có sự chuẩn bị nào cho hội nghị thượng đỉnh này. (Reuters/TASS)
Trung Quốc kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt Syria
Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Trương Quân ngày 23/6 đã kêu gọi tăng cường viện trợ nhân đạo ở Syria và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào quốc gia này.
Tình hình nhân đạo ở Syria đang đối mặt nhiều thách thức, bao gồm kinh tế suy thoái, đồng nội tệ mất giá mạnh, mất an ninh lương thực, dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng và thiếu nguồn cung dầu.
Ông Trương Quân nhấn mạnh cần nỗ lực chung của toàn thế giới và một cách tiếp cận tổng thể để cải thiện tình hình nhân đạo ở Syria.
Đại sứ Trung Quốc hối thúc việc dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh trừng phạt đơn phương và cấm vận kinh tế nhằm giúp Syria khôi phục đất nước. (THX)
Bắc Macedonia thất vọng vì trở ngại trong đàm phán gia nhập EU
Thủ tướng Bắc Macedonia Zoran Zaev ngày 23/6 bày tỏ thất vọng sau khi nước láng giềng Bulgaria từ chối rút lại phiếu phủ quyết đối với nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Skopje liên quan đến một tranh cãi về ngôn ngữ.
Bulgaria muốn Bắc Macedonia chính thức công nhận rằng ngôn ngữ của nước này có gốc tiếng Bulgaria, đồng thời chấm dứt các luận điệu thù địch với Sofia.
Trong khi đó, Bắc Macedonia tuyên bố bản sắc và ngôn ngữ của nước này không phải là chủ đề đem ra thảo luận. (AP)
Nhật Bản phản đối Nga tập trận ở các hòn đảo tranh chấp
Phát biểu tại họp báo, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết, Tokyo đang theo dõi chặt chẽ các hành động của quân đội Nga ở các hòn đảo tranh chấp, kịch liệt phản đối Nga tăng cường hiện diện quân sự tại đây, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự.
Trước đó, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, từ ngày 23/6, quân đội Nga đã bắt đầu tập trận trên các đảo Sakhalin, Iturup và Kunashir (thuộc quần đảo Nam Kuril, mà Nhật Bản gọi là “Vùng lãnh thổ phương Bắc”), cũng như trên vùng biển của Biển Nhật Bản với sự tham gia của hơn 10.000 quân nhân, 500 đơn vị thiết bị quân sự, 32 máy bay, 12 tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.
Các cuộc tập trận dự kiến diễn ra trong 5 ngày, chia thành 2 giai đoạn trên các đảo Sakhalin, Iturup và Kunashir, cùng một số khu vực khác thuộc biển Nhật Bản. (TASS/Kyodo)
Hàn Quốc, Mỹ "bật đèn xanh" cho Triều Tiên
Một nguồn tin ngày 24/6 tiết lộ Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được nhận thức chung rằng hai bên sẽ triển khai những biện pháp “cụ thể” nếu Triều Tiên chấp nhận đề nghị đối thoại của Washington.
Nguồn tin cho biết Seoul và Washington đã chia sẻ quan điểm trên trong hàng loạt cuộc gặp giữa đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Sung Kim và phó đặc phái viên Jung Pak với giới chức Hàn Quốc hồi đầu tuần này. (Yonhap)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận