Tin nóng thế giới tuần qua: Fed, ECB tăng lãi suất; Chính phủ Slovakia sụp đổ; Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO
Trong tuần qua, ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) đã ra quyết định tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp trong năm 2022. Trong khi đó bất ổn chính trị đã xảy ra ở Slovakia và Peru gây ảnh hưởng kinh tế.
Fed, ECB tăng lãi suất
Ngày 14/12 (giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, đưa nó lên phạm vi mục tiêu từ 4,25 - 4,5%. Đây hiện là mức lãi suất liên bang cao nhất của Mỹ kể từ năm 2007.
Mức tăng mới nhất này cũng đã phá vỡ chuỗi 4 lần tăng liên tiếp 0,75% của Fed, đồng thời là lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp chỉ trong năm nay.
Trong buổi công bố mức tăng lãi suất mới, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết các quan chức dự kiến sẽ giữ lãi suất cao hơn trong năm tới, không giảm cho đến năm 2024. Theo đó, tỷ lệ cuối cùng dự kiến, hay điểm mà các quan chức dự kiến sẽ kết thúc việc tăng lãi suất, được đặt ở mức 5,1%.
Dự báo của ngân hàng trung ương về tỷ lệ quỹ liên bang mục tiêu tăng lên 5,1% vào năm 2023 cao hơn một chút so với dự kiến của các nhà đầu tư trước cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed.
Sau đó, Fed sẽ bắt đầu giảm dần lãi suất từ năm 2024, đưa tỷ lệ quỹ xuống 4,1% vào cuối năm này, trước khi thực hiện thêm các đợt cắt giảm khác trong năm 2025 để lãi suất liên bang xuống còn 3,1%. Mức lãi suất được cho là đạt "mức trung lập dài hạn" được đặt ở ngưỡng 2,5%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng những dấu hiệu tích cực gần đây về lạm phát là không đủ để ngân hàng trung ương giảm bớt việc tăng lãi suất. Ông Powell cho biết "cần nhiều bằng chứng hơn để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững”.
Trong một diễn biến liên quan, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng ngày 14/12 đã tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp với mức tăng 0,5%, đưa lãi suất lên ngưỡng 2,5%.
Mức tăng này đánh dấu sự giảm đà đáng kể so với 0,75% trong hai lần tăng trước. Sự giảm đà tăng lãi suất là do lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh và nguy cơ suy thoái đang xuất hiện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật ngăn chặn chính phủ đóng cửa
Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành đạo luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn nguy cơ chính phủ đóng cửa.
Đạo luật này phân bổ khoản ngân sách để đảm bảo chính phủ liên bang có thể duy trì hoạt động thêm một tuần, đến ngày 23/12 tới. Văn kiện cũng giúp các nghị sĩ có thêm thời gian để thông qua một dự luật ngân sách tổng thể trị giá khoảng 1.700 tỷ USD trong cả tài khóa 2023 (kết thúc ngày 30/9/2023) trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
Hiện Nghị viện Mỹ có hạn chót đến ngày 23/12 tới phải thông qua dự thảo ngân sách tổng thể, nếu không sẽ tiếp tục phải cần đến các dự thảo ngân sách tạm thời, trong bối cảnh đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang tranh cãi về các chi tiết của dự luật này.
Lần gần đây nhất Quốc hội Mỹ không thể nhất trí về kế hoạch ngân sách cho chính phủ là vào cuối năm 2018, khiến chính phủ phải đóng cửa một phần trong thời gian dài kỷ lục 35 ngày.
Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO
Ngày 12/12, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ các lệnh hạn chế của Mỹ "đe dọa ổn định chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu" và “lý do an ninh từ phía Mỹ đưa ra là không công bằng và mơ hồ”
Đơn kiện của Trung Quốc đã kích hoạt quá trình giải quyết tranh chấp của WTO. Theo quy định, Trung Quốc đầu tiên sẽ "đề nghị tham vấn", yêu cầu Mỹ cung cấp thông tin để giải quyết vấn đề một cách thân thiện và Mỹ có 60 ngày để tham gia tham vấn giữa các bên. Nếu hoà giải không thành công, phía Trung Quốc có thể yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm WTO và tiếp tục các bước tiếp theo.
Phản ứng trước động thái này của Trung Quốc, ông Adam Hodge, người phát ngôn của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết họ đã nhận được đề nghị tham vấn từ phía Trung Quốc.
“Chúng tôi cũng đã thông báo với Trung Quốc, rằng những động thái đó liên quan đến an ninh quốc gia, và WTO không phải nơi phù hợp để thảo luận các vấn đề như thế này", ông Hodge cho hay.
Có thể mất vài năm để vụ việc được giải quyết thông qua quy trình giải quyết tranh chấp của WTO. Và ngay cả khi Trung Quốc thắng kiện, Mỹ vẫn có khả năng phủ quyết bằng cách kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm WTO.
Trước đó, hồi tháng 10, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn nhằm hạn chế khả năng mua và sản xuất chip cao cấp của Trung Quốc.
EU điều tra vụ tham nhũng “chấn động”
Bắt đầu từ cuối tuần trước, Liên minh châu Âu đã kích hoạt một cuộc điều tra sâu rộng về bê bối tham nhũng gây chấn động khu vực trong nhiều năm.
Sự việc bắt đầu khi cảnh sát liên bang Bỉ hôm 9/12 tiến hành khám xét 16 ngôi nhà, thu giữ 600.000 EUR và bắt được 6 người có tầm ảnh hưởng tại châu Âu nghi ngờ liên quan tới các khoản thanh toán "đáng kể" của một quốc gia vùng Vịnh nhằm gây ảnh hưởng tới quyết định của các thành viên Nghị viện EU.
"Trong vài tháng, các nhà điều tra của Cảnh sát Tư pháp Liên bang đã nghi ngờ một quốc gia vùng Vịnh gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và chính trị của Nghị viện châu Âu, điều này được thực hiện bằng cách trả những khoản tiền lớn hoặc tặng quà lớn cho các bên thứ ba có quan hệ chính trị hoặc vị trí chiến lược trong Nghị viện châu Âu", văn phòng công tố liên bang Bỉ cho biết.
Văn phòng công tố liên bang Bỉ không nêu tên quốc gia, nhưng nhiều nguồn tin đã đưa tin quốc gia vùng Vịnh cố gây ảnh hưởng tới Nghị viện châu Âu chính là Qatar, "chủ nhà" của giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh World Cup 2022.
Sau khi bị bắt, 4 người bị buộc tội vào ngày 11/12, còn 2 người đã được thả. Trong số đó, Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu Eva Kaili, một thành viên Nghị viện và là một trong 14 phó chủ tịch tại cơ quan lập pháp châu Âu, bị buộc tội "tham nhũng" và bị bắt giam.
Cựu Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu Eva Kaili.
Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Roberta Metsola “đã quyết định đình chỉ ngay lập tức mọi quyền hạn, nghĩa vụ và nhiệm vụ được giao cho Eva Kaili với tư cách là Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu”, một phát ngôn viên cho biết.
Đảng xã hội chủ nghĩa Hy Lạp PASOK cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã khai trừ bà Kaili khỏi hàng ngũ.
Tin tức về các vụ bắt giữ đã gây ra sự phẫn nộ và kêu gọi hành động để giải quyết nạn tham nhũng trong Nghị viện châu Âu.
Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế Michiel van Hulten cho biết: “Trong nhiều thập kỷ, Nghị viện đã cho phép phát triển văn hóa không bị trừng phạt, với sự kết hợp của các quy tắc và kiểm soát tài chính lỏng lẻo và và hoàn toàn không có sự kiểm soát đạo đức độc lập".
Chính phủ Slovakia sụp đổ
Chính phủ liên minh trung hữu của Slovakia dưới thời Thủ tướng Eduard Heger đã sụp đổ vào tối 15/12, chưa đầy ba năm sau nhiệm kỳ bốn năm, khi Quốc hội nước này bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ với đa số 78 nghị sĩ trong tổng số 150 ghế.
Đảng Tự do và Đoàn kết (SaS) từng nằm trong chính phủ liên minh trước đây đã khởi xướng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trên. Đảng này đã rời khỏi liên minh vào cuối mùa hè sau khi yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Igor Matovič từ chức không thành công.
Các nhà bình luận và phân tích coi Bộ trưởng Matovič là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong nội các của Thủ tướng Eduard Heger, cũng thuộc đảng OĽaNO do ông Matovič thành lập và làm Chủ tịch.
Ông Matovič trước đó đã đề nghị từ chức để đổi lấy việc SaS rút lại kiến nghị, thậm chí còn đến văn phòng Tổng thống để nộp đơn từ chức, nhưng lại đổi ý vào phút cuối.
Slovakia hiện phải đối mặt với ba kịch bản chính trị có thể xảy ra - bầu cử sớm, nội các tạm quyền do Tổng thống Zuzana Čaputová bổ nhiệm, hoặc một liên minh cầm quyền mới được tập hợp từ các đảng trong Quốc hội hiện tại.
Peru ban bố tình trạng khẩn cấp
Ngày 14/12, Chính phủ Peru đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 30 ngày, đồng nghĩa với việc đình chỉ các quyền hội họp, quyền bất khả xâm phạm về nhà ở và quyền tự do đi lại, cùng nhiều quyền khác.
Tình trạng khẩn cấp được ban bố trong bối cảnh Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội nghiêm trọng. Tuần trước, cựu Tổng thống Pedro Castillo bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới.
Tuy nhiên, hành động này đã bị Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và các nghị sĩ quốc hội phản đối mạnh mẽ, coi đây là động thái “đảo chính”. Quốc hội Peru ngay lập tức đã bỏ phiếu phế truất nhà lãnh đạo này. Phó Tổng thống Peru Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời sau khi ông Castillo bị cảnh sát bắt giữ.
Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của tân Tổng thống Dina Boluarte leo thang cuối tuần qua khi đám đông đụng độ cảnh sát, kêu gọi đình công toàn quốc, triệu tập hội đồng lập hiến, đóng cửa Quốc hội, yêu cầu Tổng thống Dina Boluarte từ chức, trả tự do cho cựu Tổng thống Castillo, tiến hành bầu cử sớm và ban hành Hiến pháp mới.
Do đó, tình trạng khẩn cấp được ban hành nhằm đảm bảo an ninh và kiểm soát trật tự nội bộ, từ đó đảm bảo tự do đi lại và hòa bình cho người dân. Được biết, Peru cũng đang xem xét để ban bố lệnh giới nghiêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận