24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tín hiệu tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bùng phát.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I năm 2022 có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%, theo Tổng cục Thống kê.

Cả nước có 34,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 471,2 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 18% và số vốn tăng 5%.

Tổng số lao động đăng ký trong các doanh nghiệp này là 243,5 nghìn lao động, giảm 1%.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I đạt 13,6 tỷ đồng, giảm 11%.

Nếu tính cả 706,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 11,8 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế Việt Nam trong quý I năm nay là 1.177,9 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó còn có 25,6 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động (tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý đầu năm nay lên 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước.

Vậy trung bình mỗi tháng có 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, quý I có 519 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản thành lập mới, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; 9 nghìn doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng, tăng 10,7%; 25,1 nghìn doanh nghiệp dịch vụ, tăng 21%.

Theo lĩnh vực hoạt động, hầu như các ngành đều có số doanh nghiệp thành lập mới tăng trong quý I, điển hình là kinh doanh bất động sản (tăng 47,2%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 39,3%); vận tải kho bãi (32.5%).

Ba ngành đều trở nên kém hấp dẫn hơn so với cùng kỳ năm trước khi có số doanh nghiệp thành lập mới giảm gồm sản xuất phân phối, điện, nước, gas giảm mạnh nhất 31,7%; giáo dục và đào tạo giảm 24,8%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 6,2%.

Mặt khác, trong quý I năm 2022, cả nước có 35,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước; 11,3 nghìn doanh nghiệp chờ giải thể, tăng nhẹ 0,1%.

Còn số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 4,3 nghìn, giảm 16,7%, trong đó có gần 3,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 20%; còn 63 doanh nghiệp có quy mô trên 100 tỷ đồng, tăng 29%.

Theo đó, trung bình mỗi tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 1592 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 453 doanh nghiệp; xây dựng có 375 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 298 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 262; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 226.

Về tốc độ giải thể, ngành kinh doanh bất động sản có số doanh nghiệp giải thể tăng mạnh nhất với 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ngành khai khoáng; nghệ thuật, vui chơi và giải trí lại có số doanh nghiệp giải thể giảm sâu lần lượt 22% và 19%.

Chia sẻ trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Bùi Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng các con số trên phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch Covid-19 bùng phát.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tại một số địa phương lớn có sự khởi sắc rõ nét. Điển hình như TP.HCM ghi nhận lượng doanh nghiệp mới ra đời tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, còn Hà Nội – địa phương đang có số ca nhiễm cao nhất cả nước – cũng có lượng doanh nghiệp mới tăng 6,6%.

Ở chiều ngược lại, tất cả các ngành kinh doanh chính đều có số lượng doanh nghiệp giải thể giảm.

"Điều này cho thấy sức chống đỡ của doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều, hoặc doanh nghiệp đã tìm thấy các cơ hội kinh doanh tốt hơn để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình", ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II tới với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I năm 2022.

Tín hiệu tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp

Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 84,7% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm 2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I năm 2022.

Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lần lượt là 83,6% và 81,2%.

Hơn 83% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng và đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trong quý II năm 2022 so với quý trước đó.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả