Tín hiệu hồi phục kinh tế đang dần rõ hơn
Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt, song theo nhiều chuyên gia, đà hồi phục của nền kinh tế Việt Nam cuối năm 2021 và sang năm 2022 hiện đã khá rõ nét.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
Theo nhiều chuyên gia, mức tăng trưởng âm là điều có thể dự đoán trước, nhưng mức giảm tới hơn 6% lại nằm ngoài dự đoán. Song, cũng không quá khó hiểu khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, "đánh" thẳng vào các khu công nghiệp và các đầu tàu kinh tế như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thương mại và dịch vụ.
Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, cả hai khu vực quan trọng nhất của nền kinh tế là công nghiệp xây dựng và khu vực dịch vụ đều có mức giảm rất sâu, lần lượt là 5,02% và 9,28% so với quý trước.
Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3% trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47%. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57% trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Với mức giảm sâu của quý III/2021, GDP 9 tháng qua của năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đang đặt áp lực rất lớn lên tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm và trong cả năm 2021.
Khả năng GDP Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,0% theo yêu cầu của Quốc hội và 6,5% theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra từ đầu năm là rất khó khả thi. Thay vào đó, dựa vào tăng trưởng 9 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê vừa đưa ra hai dự báo về tăng trưởng cả năm 2021. Ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,5% và ở kịch bản 2, tăng trưởng GDP là 3%.
Mặc dù nền kinh tế đang ở trong giai đoạn đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, theo TS. Trần Đình Thiên,nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, triển vọng về việc Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn để hồi phục là rất rõ ràng.
Ông Thiên chỉ ra rằng, những biện pháp giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, tiền tệ trên thị trường đã được nhận diện và chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn bình thường mới.
Tâm thế chuẩn bị cho sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam đang hiện hữu. Hiện nay, còn nhiều khó khăn như sức khoẻ doanh nghiệp còn yếu, sức mua, tiêu dùng chưa mạnh nhưng toàn nền kinh tế và các doanh nghiệp đều đã xác định được mục tiêu phải đứng dậy, quyết tâm hồi phục.
Đây chính là thay đổi rất lớn trong tư duy của các doanh nghiệp và cả bộ máy quản lý nhà nước, Chính phủ nhằm chuẩn bị cho sự phát triển kinh tế trong bối cảnh mới, ông Thiên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Chí Thành cũng cho rằng, mặc dù những khó khăn hiện nay là vô cùng lớn nhưng nền kinh tế vẫn có những điểm sáng. Trong đó, một trong những điểm sáng quan trọng nhất đó chính là chiến lược chống dịch đã thay đổi một cách căn bản để sống chung với đại dịch và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.
Theo ông Thành, nếu như trước đây, Việt Nam chống dịch bằng phương pháp truyền thống, áp dụng giãn cách xã hội, phong tỏa trên diện rộng thì hiện nay chiến lược phòng chống và kiểm soát dịch đã thay đổi căn bản. Tốc độ tiêm vaccine giai đoạn đầu rất chậm nhưng hiện đã rất nhanh, nhiều thành phố lớn đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Đây là điều kiện quan trọng để mở cửa nền kinh tế.
Thứ hai, tiêu dùng đang trên đà phục hồi. Xu hướng tiêu dùng "trả thù" nhiều khả năng sẽ bùng nổ sau thời gian dài người dân phải ở trong nhà, cách ly xã hội. Tăng trưởng tiêu dùng được dự báo sẽ tăng mạnh hơn cả trong thời điểm trước dịch.
Thứ ba, thực tế cho thấy, ngay trong dịch bệnh, nhiều địa phương vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất tốt, đơn cử như Quảng Ninh, Hải Phòng. Thậm chí, TP. Hải Phòng còn ghi nhận mức tăng trưởng dương lên tới 14%. Điều này cho thấy sức bật của nền kinh tế là rất lớn đối với các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh.
Thứ tư, nếu như giai đoạn trước, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, thì thời gian gần đây đã được Chính phủ đẩy lên rất mạnh. Thời gian tới, hàng loạt các cơ sở hạ tầng, sân bay, đường cao tốc sẽ được thúc đẩy tiến độ để hoàn thiện. Từ đó, các tác động tích cực và lợi ích mang lại cho nền kinh tế sẽ là rất lớn.
Theo ông Thành, đà hồi phục kinh tế hiện đã rất rõ nét. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nếu quý IV/2021 quay trở lại trạng thái “bình thường mới” và doanh nghiệp có thể phát triển kinh tế trong điều kiện có kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 7%.
Với mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 1,4% cùng với tính toán như vậy, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể sẽ đạt khoảng 3 - 4%. Trong năm 2022, dự báo kinh tế tăng trưởng từ 6,5% trở lên. Tương lai ngắn hạn của nền kinh tế là tương đối tốt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận