menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Long

Tín dụng thấp kỷ lục, nợ xấu vọt tăng, sẽ vận động ngân hàng giảm thêm lãi suất

Tín dụng tháng 4/2023 chỉ tăng 0,15%, nợ xấu ngân hàng tăng cao, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân chưa đến 1%,... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Nợ xấu bắt đầu ăn mòn lợi nhuận ngân hàng

Quý I/2023, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận thấp, thậm chí tăng trưởng âm, phần lớn do nợ xấu cao, trích lập dự phòng ăn mòn lợi nhuận.

Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh về nợ xấu, có những ngân hàng nợ xấu tăng 50 - 70%. Trong bối cảnh nợ xấu tăng, có ngân hàng chấp nhận mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, chấp nhận lợi nhuận tăng trưởng không như ý, song cũng có ngân hàng lại giảm mạnh dự phòng (bất chấp nợ xấu tăng), nhờ vậy, lợi nhuận vẫn tăng trưởng khá đẹp.

Tại Ngân hàng OCB, nợ xấu tính tới cuối quý I/2023 tăng 51% so với đầu năm, lên hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 54%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 55% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 49%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%. Lợi nhuận quý I/2023 của OCB tăng chủ yếu nhờ ngân hàng này giảm trích lập dự phòng để “làm đẹp” lợi nhuận.

Ngân hàng MB cũng đang đối mặt với nợ xấu tăng mạnh. Tại thời điểm 31/3/2023, tổng nợ xấu của MB là 8.452 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của MB tại thời điểm cuối tháng 3/2023 là 1,75%, tăng khá mạnh so với mức 1,09% cuối năm ngoái. Nợ xấu tại MB có nguy cơ còn gia tăng do tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đang tăng rất nhanh, gấp 2,1 lần cuối năm ngoái, lên mức 16.675 tỷ đồng.

Bất chấp nợ xấu tăng mạnh, MB vẫn giảm 13% trích lập dự phòng rủi ro. Đây là một trong những nguyên nhân chính giúp ngân hàng này duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 10,2% trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh doanh suy giảm.

Tương tự, tổng nợ xấu tại Eximbank tính tới cuối quý I/2023 tăng 30% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,8% cuối năm ngoái lên mức 2,3% cuối tháng 3/2023. Tăng trưởng lợi nhuận tại Eximbank chủ yếu nhờ dự phòng rủi ro giảm tới 42%.

Còn tại ABBank, chất lượng nợ vay đi lùi khi tổng nợ xấu tại thời điểm 31/3/2023 ghi nhận hơn 3.198 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 2,88% đầu năm tăng lên 4,03%.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng VietinBank lại chấp nhận mức tăng trưởng lợi nhuận rất thấp trong quý I/2023 (tăng trưởng 3%), dồn lực để trích lập dự phòng rủi ro. Trong quý I/2023, dự phòng rủi ro của VietinBank tăng tới 52%, dù nợ xấu chỉ tăng chưa tới 8%.

Chất lượng tín dụng là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nhìn vào nhóm “big 4” có thể thấy, dù Vietcombank, VietinBank, BIDV không khác nhau quá nhiều về tổng thu nhập hoạt động, song trích lập dự phòng rủi ro chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các ngân hàng này.

Nợ xấu thấp, trích lập dự phòng rủi ro thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao khiến quỹ lợi nhuận của Vietcombank gần như được bảo toàn. BIDV nhờ mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro các năm trước giúp dự phòng rủi ro năm nay giảm tới 25,2%, là động lực khiến lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng tới 58%. VietinBank năm nay tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhóm big 4 vì những năm trước trích lập dự phòng chưa nhiều bằng hai ngân hàng còn lại.

Nợ xấu đang tăng mạnh trên toàn hệ thống. Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%). Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng được kiểm soát dưới 3%, nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, một số khoản nợ chưa phải là nợ xấu nhưng có nguy cơ chuyển nhóm nợ, như các khoản được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ hay các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái.

Tính tới cuối quý I/2023, nợ xấu của VPBank đã tăng lên 2,6% từ mức 2,19% cuối năm ngoái và dự kiến còn tiếp tục tăng trong quý II/2023. Nợ xấu tăng, trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của VPBank giảm tới 77% trong quý I/2023. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank kỳ vọng, với các giải pháp hỗ trợ khách hàng mà ngân hàng đang thực hiện, nợ xấu sẽ giảm đáng kể vào nửa cuối năm. Mục tiêu của VPBank là nợ xấu cả năm nay ở mức 2,2%.

Nhiều chuyên gia phân tích cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ giúp giảm áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong nửa cuối năm nay.

Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, với quyền gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ nợ xấu năm 2023 trong ngành ngân hàng có thể không tăng cao như dự báo ban đầu. Điều này đặc biệt có lợi cho các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gần 3%, vì các tổ chức này sẽ có nhiều nguồn lực hơn để giữ nợ xấu dưới mức 3%.

Hiện tại, áp lực nợ xấu gia tăng với nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có chi phí vốn cao, tỷ trọng cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MB đánh giá, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ giúp các ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện tài chính của ngân hàng và hồ sơ khách hàng. Tuy vậy, các ngân hàng vẫn phải phải chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Dù được phép cơ cấu nợ, song do yêu cầu phải trích lập dự phòng rủi ro 100% cho các khoản nợ cơ cấu trong khi nguồn lực tài chính của mỗi ngân hàng có hạn, nên nhìn chung, triển vọng lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng năm nay vẫn không lạc quan bằng các năm trước.

VNDirect nhận định, năm nay, lợi nhuận ngành ngân hàng chỉ tăng 11%. Trong khi đó, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lợi nhuận các ngân hàng được VDSC theo dõi có thể đạt 13,7% theo kịch bản cơ sở, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017 - 2021 (28%) và cao hơn giai đoạn 2014 - 2015 (11,3%). Trong kịch bản tiêu cực, lợi nhuận các ngân hàng này có thể chỉ tăng khoảng 10% trong năm nay.

Ngân hàng Nhà nước sẽ vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất

NHNN sẽ vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm.

Trả lời câu hỏi của báo giới về kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/5, Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, do đó, chính sách giảm lãi suất được thực hiện rất thiết thực và quyết liệt.

f
Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú

Trong 4 tháng đầu năm nay, NHNN đã triển khai 8 chính sách lớn. Một là, điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền cũng như bảo đảm ổn định tỷ giá. Hai là, tạo dư địa để tăng trưởng tín dụng đạt 14,5%, phục vụ khôi phục nền kinh tế cũng như tăng trưởng. Ba là bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế cũng như tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Bốn là, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu. Tốc độ tăng của kinh doanh bất động sản hiện nay rất cao (9,78%) trong khi tín dụng chung của nền kinh tế tăng 3,24% tính đến thời điểm hiện nay.

Năm là, gói 120.000 tỷ đồng phát triển bất động sản cho 3 đối tượng ưu tiên và rất nhiều gói khác của các ngân hàng thương mại triển khai, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại nhà nước.

Sáu là, giãn hoãn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp có khó khăn đến kỳ hạn chưa trả nợ được, kể cả lãi và gốc 1 năm.

Bảy là, chỉ đạo tất cả các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí chính, thủ tục giảm chi phí… hỗ trợ cho doanh nghiệp Cuối cùng là chính sách giảm lãi suất.

Phó thống đốc cho biết, từ các đánh giá tính hình kinh tế trong nước và quốc tế, NHNN đã quyết định giảm lãi suất điều hành liên tiếp trong tháng 3 và tháng 4, tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay.

Theo thống kê của NHNN, những khoản tiền gửi mới và những khoản tiền cho vay mới, những khoản tín dụng mới vừa được thực hiện thì tiền gửi bình quân là 6 - 6,1% (cộng tất cả kỳ hạn lại chia bình quân); cho vay khoảng từ 9 - 9,2%. "Đây là những con số cho thấy tốc độ giảm lãi suất của chúng ta khá tích cực trong thời gian qua", ông Tú khẳng định.

Phó thống đốc cũng tái khẳng định quan điểm của NHNN là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý và bảo đảm được mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và bảo đảm sự hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất.

Chính vì thế, NHNN điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm những chi phí để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn. "Tại hội nghị ngày 25/4 để triển khai Thông tư 02 về giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ, một vài ngân hàng cho vay cao đã được nhắc nhở, chỉ đạo, xem xét để sao có mặt bằng thống nhất", ông Tú cho hay.

Phó thống đốc khẳng định, NHNN sẽ chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm.

Gói hỗ trợ lãi suất chưa đạt 1% chủ yếu là do… khách hàng

Các khó khăn, vướng mắc khiến cho chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt 0,82% tổng nguồn lực, theo Thống đốc đều có lý do từ khách hàng.

Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Tại Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu hạ lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, yêu cầu này, thời gian qua, Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương.

Kết quả, đến cuối tháng 3/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 91.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 51.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt 327 tỷ đồng cho gần 1.900 khách hàng.

Kết quả này, theo báo cáo của Chính phủ, tương đương 0,82% tổng nguồn lực (40.000 tỷ đồng) đã được Quốc hội quyết định.

Số dự kiến không sử dụng hết của Chương trình là 37.430 tỷ đồng (năm 2022 là 15.900 tỷ đồng, năm 2023 là 21.530 tỷ đồng), theo báo cáo của Thống đốc.

Kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp được Thống đốc báo cáo Quốc hội là do 5 khó khăn, vướng mắc.

Một, khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, chủ yếu là do tâm lý e ngại thanh kiểm tra của khách hàng (nhất là các doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Ngoài ra, khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý vì lúc đó số tiền này đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông. Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song hiện đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ lãi suất.

Hai, về cơ chế chính sách, ngân hàng thương mại và khách hàng khó khăn trong đánh giá liên quan đến quy định “có khả năng phục hồi” tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Cụ thể, qua báo cáo và khảo sát thực tế từ ngân hàng thương mại và các khách hàng, bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi” (thường được thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như: doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như đánh giá diễn biến, chiều hướng kinh doanh của khách hàng) vì các đánh giá này là rất khó trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế.

Trường hợp khẳng định hoặc đánh giá các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì các ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách. Ngoài ra, một số khách hàng có doanh thu/lợi nhuận trong giai đoạn dịch cao hơn hiện tại nên rất khó để đánh giá đáp ứng tiêu chí “phục hồi”.

Ba, nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Bốn, khách hàng có năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi nên từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tự đánh giá đã được vay với lãi suất phù hợp theo các chương trình ưu đãi của ngân hàng thương mại.

Năm, một số khó khăn khác như khách hàng xuất khẩu lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Một số khách hàng đã được hỗ trợ theo các chương trình tín dụng của ngân sách địa phương; Khó khăn trong bóc tách chi phí vay vốn đa ngành nghề. Một số khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định…

Trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn về vốn thì gói hỗ trợ lãi suất 2% được doanh nghiệp rất mong đợi. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hồi cuối tháng 4/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 cho thấy có tới 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay.

Trong đó, VCCI nêu rõ, khó đáp ứng điều kiện cho vay là rào cản chính.

Sụp đổ ngân hàng lớn tại Mỹ: Thống đốc lo tăng trưởng dựa quá nhiều vào tín dụng

Tín dụng hầu như không tăng trưởng trong tháng 4/2023, nhưng Ngân hàng Nhà nước đang rất thận trọng với thúc đẩy tín dụng do lo ngại an toàn hệ thống sau sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng lớn tại Mỹ.

Ngày 5/5, Chính phủ họp phiên thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế, xã hội trong tháng 4/2023, 4 tháng đầu năm và những giải pháp trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, tính đến ngày 25/4, tín dụng tăng 2,75% so với cuối năm 2022. Báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng đến cuối tháng 3/2023 tăng 2,6%. Như vậy, tín dụng trong tháng 4/2023 chỉ tăng 0,15%.

Tín dụng tăng chậm trong bối cảnh room tín dụng dư thừa, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, theo Thống đốc là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là: Các doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng giảm nên nhu cầu và vốn giảm, có những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng do suy yếu trong thời gian chịu tác động bởi Covid-19 nên không đủ điều hiện vay vốn; Tín dụng bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do yếu tố pháp lý nên tăng không cao như thời gian trước đây (tín dụng bất động sản tăng 3,51%);

Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn các ngân hàng, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã chuẩn bị vốn để sẵn sàng cho vay khi các địa phương công bố các Dự án (Bộ xây dựng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về tiêu chí, điều kiện để xác định dự án).

Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành trên cơ sở kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ với điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm. Kết quả cho thấy về cơ bản, tỷ giá được ổn định, Ngân hàng Nhà nước mua khoảng 6 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đưa tiền ra nền kinh tế cùng với các kênh khác của chính sách tiền tệ.

Tại cuộc họp, Thống đốc cũng đưa ra 2 kiến nghị.

Trước hết, theo Thống đốc, cần có giải pháp để khai thác cầu nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục thuộc rất lớn vào xuất khẩu (cầu nước ngoài, tỷ lệ Xuất khẩu/GDP gần 100%), nên trong điều kiện các nước vẫn còn thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt thì khả năng cải thiện cầu nước ngoài không thể nhanh được.

Số liệu cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, loại trừ giá tăng 8,3% trong khi 4 tháng năm 2022 chỉ tăng 3,9% (khách quốc tế đến Việt Nam tăng 19,2 lần cùng kỳ năm ngoái). Đây là yếu tố giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian qua và cần được quan tâm khai thác cầu nội địa.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng cho rằng, việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần hài hòa với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, tín dụng tăng chậm không chỉ ở Việt Nam; khi các ngân hàng Mỹ sụp đổ, lan sang châu Âu, các ngân hàng tại nhiều quốc gia cũng thận trọng hơn khi cho vay, để đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.

Theo đánh giá của một số nhà phân tích, sự sụp đổ của SVB và First Republic Bank - hai ngân hàng Mỹ có quy mô tổng tài sản trên 200 tỷ USD - không phải do thua lỗ. Hai ngân hàng này đã có lãi ít nhất trong 53 quý liên tục kể từ năm 2010 đến nay, với nợ xấu thấp dưới 0,2%, giá trị trích lập dự phòng rủi ro gấp 4,6 lần quy mô nợ xấu).

Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ chính là các ngân hàng này đầu tư vào các tài sản kỳ hạn dài, dễ mất giá trong môi trường lãi suất tăng. Bởi vậy, đối với trường hợp của Việt Nam, không nên dựa quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tín dụng dài hạn, mà thay vào đó, để thúc đẩy tăng trưởng cần thúc đẩy đầu tư công và các nguồn vốn khác để đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, tiền tệ.

Tín dụng kinh doanh bất động sản và đầu tư chứng khoán bất ngờ tăng mạnh

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến 31/3/2023, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 2,6%. Tính tới cuối tháng 2/2023, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, cho vay đầu tư chứng khoán tăng gần 13,4%.

NHNN cho hay, đến ngày 31/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2022, tăng 10,49% so với cùng kỳ năm trước.

Theo NHNN, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, góp phần đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước.

Mặc dù vậy, theo số liệu mà NHNN công bố, tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực rủi ro lại tăng mạnh hơn các lĩnh vực ưu tiên, nguyên nhân là do doanh nghiệp sản xuất 2 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, nhu cầu vốn sút giảm..

Cụ thể, tính tới cuối tháng 2/2023, tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy tăng 0,74%, tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng tăng 1,79%, tín dụng đối với ngành thương mại dịch vụ tăng 0,5%.

Đối với các lĩnh vực ưu tiên: Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giảm 0,09%; Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 0,73%; Dư nợ tín dụng xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 3,15%; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 6,08%; Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 3,31%.

Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 2,19% (riêng tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%). Đặc biệt, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 13,39%, tuy nhiên, dư nợ cho vay chứng khoán chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ tại các ngân hàng thương mại.

Do nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm sút nên thanh khoản hệ thống trong quý I/2023 dư thừa. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong quý I/2023 là 12,34 triệu tỷ đồng, bằng 101% tín dụng.

NHNN cho hay, có 3 nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng quý I/2023 chưa cao.

Thứ nhất, cầu tín dụng của nền kinh tế giảm. Kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát cao, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.

Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, như nhóm SMEs (quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thông tin còn thiếu minh bạch…), nhóm bất động sản (thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh)...

Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay dẫn tới việc các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống…

Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các hội nghị tín dụng chuyên đề.

Ngoài ra, trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, NHNN cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

NHNN cũng sẽ giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán... để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các TCTD.

Sẽ chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng kiểm soát đặc biệt

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Thông tin trên được Ngân hàng nhà nước nêu tại báo cáo gửi Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, phục vụ thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc ngày 22/5 tới).

Trong số 4 ngân hàng nói trên có 3 ngân hàng mua bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank). Tình hình hoạt động của các ngân hàng này từng được đề cập trong báo cáo Kiểm toán nhà nước gửi Quốc hội ở nhiệm kỳ trước với số lỗ khủng, gần đây báo cáo tương tự không đề cập.

Ở báo cáo này, Ngân hàng nhà nước cho biết, hiện các nội dung tiếp theo đang được các bên liên quan thực hiện để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng nói trên theo trình tự, thủ tục quy định.

Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trường hợp được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang thực hiện các thủ tục đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Ngân hàng nhà nước đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền; thường xuyên rà soát, theo dõi để kịp thời xử lý các thông tin chưa đúng sự thật, gây hoang mang dư luận. Đến nay, hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định; không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB”, báo cáo có đoạn viết.

Đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, theo báo cáo, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai các giải pháp nhằm tăng cường củng cố hệ thống này. Trong đó, chỉ đạo ngân hàng nhà nước chi nhánh theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống; triển khai quyết liệt phương án xử lý các quỹ yếu kém, quỹ được kiểm soát đặc biệt.

Hướng xử lý còn là xem xét cho phép thí điểm việc xử lý pháp nhân các quỹ yếu kém, quỹ được kiểm soát đặc biệt có quy mô nhỏ (lượng tiền gửi và người gửi tiền ít) quỹ không còn tiền gửi hoặc có tiền gửi trong hạn mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi thông qua phương án phá sản sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh chính trị và an toàn hệ thống.

Về xử lý nợ xấu, theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2022 ở mức 2%. Song cuối tháng 2/2023 đã tăng lên 2,91%, tăng 0,91% so với cuối 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%).

Mặc dù theo báo cáo của các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 3%, nhưng Ngân hàng Nhà nước qua rà soát cho rằng, một số khoản nợ chưa phải là nợ xấu nhưng có nguy cơ chuyển nhóm nợ, như các khoản được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ hay các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái.

Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai. Trên nguyên tắc đó, Ngân hàng nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Bình luận 3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại