Tín dụng - nút thắt của dự án PPP giao thông
Hiện 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vẫn chưa ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, khả năng rủi ro thực hiện các dự án PPP là hiện hữu. Theo một số ý kiến, nếu chỉ áp dụng cơ chế vay thương mại sẽ khó huy động được nguồn tín dụng để triển khai các dự án PPP cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.
Một số chuyên gia cho biết, phương thức đầu tư PPP có nhiều lợi thế so với đầu tư công, nhưng nhìn vào thực tế triển khai các dự án PPP thời gian qua sẽ thấy việc thu hút đầu tư, triển khai thành công không phải dễ. Theo kế hoạch ban đầu, 8/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ thực hiện theo phương thức PPP. Sau đó, 5 dự án thành phần phải chuyển sang đầu tư công và bổ sung thêm vốn nhà nước để thực hiện. 3 dự án PPP (đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đến nay chưa ký được hợp đồng tín dụng. Nếu hết thời hạn quy định trong hợp đồng (6 tháng) mà nhà đầu tư không huy động được các nguồn tín dụng hợp pháp để thực hiện thì hợp đồng BOT đã ký với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ tự động bị hủy. Bộ GTVT sẽ thu hồi lại dự án và tiền bảo lãnh.
Theo Hội đồng Thẩm định nhà nước, để đảm bảo tính khả thi cho các dự án PPP cao tốc giai đoạn 2021 - 2025, trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu hơn các thông tin, số liệu liên quan đến tính khả thi trong triển khai dự án. Cần phải căn cứ vào quy định tại Nghị định số 28/2021/NĐ-CP để xác định cụ thể các thông số của phương án tài chính (mức vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu, mức vốn vay và mức lãi suất vốn vay...).
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện một số nhà đầu tư BOT cho biết, hiện nay, lãi suất vốn vay tín dụng mà ngân hàng áp với các dự án PPP (hợp đồng BOT) giao thông tương tự như lãi suất vay vốn thương mại (khoảng 11%/năm). Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng các dự án PPP giao thông là hình thành tài sản chung của Nhà nước, của nhân dân; nhà đầu tư sau khi bỏ vốn đầu tư dự án thì thu phí hoàn vốn trong một thời gian nhất định rồi lại bàn giao tài sản cho Nhà nước quản lý, vận hành. Thời gian qua, nhiều dự án BOT giao thông khó khăn chồng chất vì “vỡ trận” phương án tài chính, vốn vay tín dụng lãi suất cao, nhiều rủi ro về chính sách, thiên tai khiến doanh thu sụt giảm. Nếu không tháo gỡ kịp thời, các nhà đầu tư BOT giao thông sẽ bị phá sản, không còn “mặn mà” với phương thức đầu tư này.
Một cán bộ thuộc Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, sau khi ký hợp đồng BOT, trách nhiệm huy động nguồn lực để thực hiện dự án thuộc về nhà đầu tư. Việc ký hợp đồng tín dụng, thỏa thuận về mức lãi suất, số tiền mà nhà đầu tư huy động được từ phía ngân hàng phụ thuộc rất nhiều yếu tố như tiềm lực, uy tín của nhà đầu tư, khả năng cung cấp nguồn tín dụng, giới hạn tín dụng mà ngân hàng cho vay... Bộ GTVT không thể can thiệp, chỉ có thể hỗ trợ thủ tục hành chính để nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay nhanh hơn và không trái với các điều khoản đã ký trong hợp đồng.
Một chuyên gia về PPP cho biết, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn về huy động vốn tín dụng cho các dự án BOT giao thông song đến nay vẫn chưa có giải pháp khả thi. Các dự án đường bộ cao tốc về bản chất là đầu tư hình thành tài sản nhà nước, nhà đầu tư chỉ được vận hành trong thời hạn hợp đồng để hoàn vốn đầu tư. Do vậy, ngoài phần vốn tham gia vào dự án, Nhà nước nên có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư huy động vốn đầu tư với mức lãi suất hợp lý (hiện nay mức lãi suất khoảng 10,5 - 11%/năm là quá cao).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận