Tín dụng đi vào nền kinh tế đang hiệu quả hơn?
Tín dụng năm 2019 chỉ đạt 13,5% (thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây) nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt 7,02% (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra), nhiều ý kiến cho rằng tín dụng đi vào nền kinh tế đã hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, nhìn sâu vào các con số sẽ thấy thực tế ngược lại.
Năm 2019, tăng trưởng tín dụng đạt mức 13,5% so với cuối năm 2018 - thấp hơn so với dự báo của Ngân hàng Nhà nước và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Nói về con số tăng trưởng tín dụng thấp trong năm 2019, tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng vừa qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, tín dụng ngày càng hiệu quả hơn khi tăng trưởng tín dụng thấp dần nhưng tăng trưởng của nền kinh tế (GDP) vẫn cao.
Cùng chung quan điểm với Thống đốc, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, nền kinh tế trong nước đã tăng trưởng nhờ vào chiều sâu chất lượng, dịch chuyển vào những ngành có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, năm 2019, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao dù tăng trưởng tín dụng không đạt mục tiêu đề ra. Do đó, quan điểm về tăng trưởng kinh tế dựa vào tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam có lẽ đã không còn phù hợp.
Tuy nhiên, trái ngược với các quan điểm nêu trên, đi vào phân tích sâu hơn các con số tương quan giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, các con số đã chỉ ra một thực tế khác.
Theo ông Phạm Thế Anh, để đánh giá được tín dụng tác động thế nào tới nền kinh tế trong một năm không phải dựa vào việc tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP thấp hay cao, mà cần dựa trên phép tính tổng tín dụng cung cấp cho nền kinh tế/ tổng GDP của nền kinh tế.
Theo tính toán của VEPR, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng mạnh trong giai đoạn 2016- 2019 so với 2011-2015, với mức tăng từ 1,01 lên 1,3.
Nếu tính tín dụng tăng thêm mới/GDP năm 2019 cũng cho thấy cao hơn hẳn giai đoạn trước, ở mức tăng từ 0,121 lên 0,171.
Như vậy, ông Phạm Thế Anh cho rằng nền kinh tế thực chất vẫn phụ thuộc rất lớn vào tín dụng và nguy cơ lạm phát tiền tệ ngày càng tăng cao.
Về lãi suất ngân hàng, ngành ngân hàng cho biết đang nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Thực tế trong năm 2019 ngành ngân hàng cũng đã có 2 lần giảm lãi suất gần nhau vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, theo phân tích của VEPR thì việc giảm lãi suất này không những không làm cho việc vay vốn dễ chịu hơn, dòng vốn lưu thông tốt hơn mà sẽ còn gây khó khăn hơn cho hoạt động ngân hàng.
Cụ thể, theo ông Phạm Thế Anh phân tích, cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất ngắn hạn và giữ nguyên lãi suất dài hạn. Như vậy, thực tế là các nhà điều hành đang muốn lái dòng vốn để tăng cho vay ngắn hạn giảm cho vay trung dài hạn, với huy động thì là tăng huy động vốn dài hạn. "Đây thực ra là một động tác kỹ thuật để lái dòng vốn của Ngân hàng Nhà nước hơn là động thái giảm lãi suất đơn thuần", ông Thế Anh nói.
Theo đó, cùng với áp lực về lạm phát của năm 2020 lớn, yêu cầu giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ càng gây khó khăn hơn cho việc mở rộng tín dụng, khó hơn cho hoạt động ngân hàng và dĩ nhiên cũng sẽ khó khăn hơn với cả hoạt động tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận