24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bích Lê
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại

Dù có nhiều ước tính khác nhau, VNDirect cho rằng sẽ có khoảng 500 triệu đến dưới 1 tỷ USD có thể chảy vào thị trường Việt Nam.

Khối ngoại bán ròng hơn 70.000 tỷ đồng trên HoSE từ đầu năm tới nay, theo giới phân tích, do vấn đề tỷ giá và áp lực KPI từ đà tăng của những thị trường khác.

Khối ngoại liên tục bán ròng

Liên tiếp từ đầu tháng 11 đến nay, cụm từ “khối ngoại bán ròng” liên tục xuất hiện khi đóng cửa các phiên giao dịch. Trong gần hai tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 4.500 tỷ đồng trên HoSE.

Nếu tính từ đầu năm 2024, chỉ duy nhất tháng 1 ghi nhận lực mua ròng của khối ngoại, liên tục từ tháng 2 tới nay nhóm này bán ròng. Quy mô bán ròng từ đầu năm nay trên HoSE đạt hơn 70.000 tỷ đồng, mức kỷ lục từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.

Theo Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), tháng vừa qua cũng là tháng rút ròng thứ 10 liên tiếp của các quỹ ETF, nâng giá trị rút ròng từ đầu năm lên hơn 21.000 tỷ đồng, tương đương giảm 28% tổng tài sản so với cuối năm 2023.

Cùng chiều với các quỹ ETF, các quỹ chủ động cũng bị rút ròng tới 2.700 tỷ đồng trong tháng 10, đến từ cả quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam hay nhóm quỹ đa quốc gia. Xu hướng này cũng tương đồng với trạng thái bán ròng của khối ngoại trên thị trường.

Động thái rút vốn của khối ngoại, theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, đến từ áp lực tỷ giá và chênh lệch hiệu suất giữa các thị trường.

Nhà đầu tư trong nước thường đánh giá tác động của tỷ giá lên hoạt động của một số doanh nghiệp xuất khẩu hoặc nhóm doanh nghiệp có dư nợ vay bằng ngoại tệ. Nhưng với khối ngoại thì khác. Họ đầu tư vào Việt Nam bằng USD, dùng tiền đồng để giao dịch và hiện thực hóa lợi nhuận trở lại bằng đồng bạc xanh.

Từ đầu năm 2024, tỷ giá USD được ví như đi “tàu lượn” bởi mức độ biến động lớn. Giá đồng bạc xanh khi quy đổi ra VND tăng mạnh trong quý II và lập đỉnh vào cuối tháng 6, tăng hơn 4% so với đầu năm. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, sức ép của tỷ giá bất ngờ hạ nhiệt nhanh chóng, có thời điểm chỉ tăng chưa tới 2% so với đầu năm. Dù vậy, mức này cũng không duy trì được lâu. Đến đầu tháng 11, tỷ giá tiếp tục là mối lo ngại của thị trường khi tăng vọt trở lại, trước lo ngại về chính sách của Tổng thống Donald Trump có thể khiến đồng bạc xanh đi lên.

Ngoài câu chuyện tỷ giá, dòng vốn ngoại dịch chuyển còn do chênh lệch hiệu suất hoạt động giữa các thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi. Nếu xét về mức tăng của chỉ số chứng khoán, những thị trường cận biên và mới nổi có hiệu suất thấp hơn hẳn nếu so với khu vực phát triển.

Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, trong bối cảnh các thị trường như Phố Wall hay Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng vượt bậc, áp lực dịch chuyển dòng vốn là điều khó tránh. "Áp lực phải đạt tăng trưởng của các quỹ là không hề nhỏ, bắt buộc họ phải tìm tới những thị trường hấp dẫn để giữ danh mục đầu tư của mình vượt qua mức tăng của chỉ số (index) hoặc không thua các đối thủ khác" - ông Minh nói.

Tìm lời giải

Một trong những chính sách được chú ý gần đây là việc triển khai Thông tư 68/2024/TT-BTC liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền.

Hai tác động của chính sách mới, theo chuyên gia từ VNDirect, là giúp các quỹ đầu tư trở nên hiệu quả hơn về chi phí và nâng cao khả năng FTSE nâng hạng thị trường Việt Nam vào tháng 3 năm sau. Trong đó, ông Barry cho rằng yếu tố thứ hai có ảnh hưởng tích cực hơn cả.

“Đây có thể là một sự kiện quan trọng và giúp tăng giá cổ phiếu trong quý I/2025. Khi Việt Nam chính thức được FTSE nâng hạng vào tháng 9 và các công ty Việt Nam được đưa vào các chỉ số thị trường mới nổi, chúng ta có thể kỳ vọng dòng vốn lớn từ các ETF thị trường mới nổi” - ông Barry Weisblatt David nhận xét.

Dù có nhiều ước tính khác nhau, VNDirect cho rằng sẽ có khoảng 500 triệu đến dưới 1 tỷ USD có thể chảy vào thị trường Việt Nam.

Bình luận về động thái bán ròng của khối ngoại tại một sự kiện đầu tháng 7, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Bùi Hoàng Hải cũng đánh giá, việc bán ròng, rút vốn chưa phải hiện tượng tiêu cực. Nhà đầu tư ngoài trên thị trường Việt Nam hiện sở hữu danh mục đầu tư khoảng 46 - 49 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng, khối ngoại điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là "việc bình thường". "Đâu đó có chuyện quỹ này quỹ kia của nước ngoài thay đổi khẩu vị rủi ro do cách quản trị của họ" - Thứ trưởng nhận xét và cho rằng bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng việc rút ròng có thể do thời điểm này chưa phải lúc thích hợp để “xuống tiền”, nhưng cơ bản “khối ngoại vẫn thích thị trường Việt Nam”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
13.85 +0.15 (+1.09%)
1,217.12 -1.45 (-0.12%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả