Tiết lộ ‘đại bàng’ Samsung, Intel, Lotte, Sojitz… mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết khoản đầu tư vào Việt Nam đã tăng lên 1,5 tỷ USD và doanh nghiệp mong muốn tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam.
Cân nhắc tăng vốn nếu môi trường đầu tư ổn định
Tại hội nghị Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài ngày 22/4, ông Kim Huat Ooi - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam - cho biết, Intel Việt Nam là một trong những địa điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn. Tại Việt Nam, 13 năm qua, Intel đã đóng góp 75 tỷ USD giá trị xuất khẩu, và tạo hơn 7.000 việc làm công nghệ cao.
“Khoản đầu tư của chúng tôi đã tăng lên 1,5 tỷ USD, và mong muốn tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam”, ông Kim Huat Ooi khẳng định. Về đề xuất cải thiện môi trường kinh doanh, đại diện Intel Việt Nam kỳ vọng cơ chế một cửa sớm được khôi phục, giảm thời gian thực hiện các loại giấy phép: phòng cháy, chữa cháy, xây dựng, môi trường…
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Ảnh: VGP/ Đoàn Bắc). |
Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) - cho biết, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn, đầu tư mới nếu môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng.
“Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam như công ty điện tử Samsung. Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek cũng đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ôtô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.
Lotte coi Việt Nam như một cứ điểm toàn cầu. 19 công ty thành viên trong tập đoàn, bao gồm các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, khách sạn, cửa hàng miễn thuế và công ty sản xuất đã đầu tư vào Việt Nam. Các công ty xây dựng Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư tích cực hơn nữa, với kỳ vọng đến năm 2024, thị trường xây dựng tại Việt Nam tăng trưởng trung bình hàng 11,2%/ năm”, ông Hong Sun nói.
Tuy nhiên, tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam quý I năm nay chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ xuống, đưa Hàn Quốc, nhà đầu tư số một tại Việt Nam, xuống vị trí thứ tư, mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Ông Hong Sun cho biết, gần đây tiếp nhận một số kiến nghị của doanh nghiệp Hàn Quốc mới vào đầu tư vào Việt Nam phản ánh, lượng đầu tư FDI giảm sút có phần liên quan đến cơ chế cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài, và phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy.
Xem xét đầu tư lớn vào lĩnh vực mới
Ông Kim Yong Seup - Tổng Giám đốc Công ty Hyosung Đồng Nai - cho biết, từ năm 2007 đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư lũy kế 4 tỷ USD, tuyển dụng khoảng 9.000 lao động địa phương tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu. Doanh thu hàng năm ở mức 4 tỷ USD. Hyosung đang xem xét đầu tư với quy mô lớn vào các lĩnh vực chưa từng thực hiện tại Việt Nam, như: sinh học, công nghệ cao, thông tin và truyền thông.
Ông Kim Yong Seup, Tổng Giám đốc Công ty Hyosung Đồng Nai (Ảnh: VGP/ Đoàn Bắc). |
Trong quá trình xem xét đầu tư, công ty Hyosung nhận thấy, Việt Nam đang đẩy mạnh thân thiện với môi trường, cũng như hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.
Tuy nhiên, liên quan đến các dự án đầu tư đã và đang thực hiện, ông Kim Yong Seup bày tỏ mong muốn nhận được hỗ trợ từ phía Chính phủ, để hoàn thành việc đầu tư theo đúng dự kiến. "Nếu nhận được phê duyệt/cấp phép kịp thời, doanh nghiệp có thể giữ đúng lời hứa với khách hàng. Điều này không chỉ cải thiện uy tín của doanh nghiệp, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam", Tổng Giám đốc Hyosung nói.
Ông Masayoshi Fujimoto - Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sojitz - cho biết đang điều hành 23 công ty liên doanh hoạt động tại Việt Nam. Tập đoàn Sojitz hướng tới đầu tư dài hạn, bền vững, phù hợp với chính sách của Chính phủ Việt Nam.
“Gần đây nhất, chúng tôi đã mua lại Tổng công ty Giấy Sài Gòn và thành lập liên doanh mới với Tập đoàn Vinamilk. Hợp tác với Vinamilk không chỉ giới hạn trong kinh doanh thực phẩm, mà còn mở rộng nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng bền vững”, ông Masayoshi Fujimoto khẳng định.
Chủ tịch Tập đoàn Sojitz đánh giá, cơ quan quản lý Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc lấy ý kiến doanh nghiệp cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các cơ quan này không phản hồi, giải thích về việc xử lý, tiếp thu như thế nào với kiến nghị của doanh nghiệp, dẫn đến việc quy định ban hành nhưng còn nhiều “sạn”, thiếu khả thi, gây khó cho doanh nghiệp. Ông Masayoshi Fujimot đề nghị Chính phủ tăng cường đối thoại thực chất với doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường