24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Gia Bách
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, theo chuyên gia, việc tiếp tục áp dụng giảm thuế VAT là giải pháp cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng…

Theo đó Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội. Chính sách quy định, sẽ tiếp tục giảm 2% thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Cụ thể, việc giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhìn nhận về chính sách đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, việc tiếp tục áp dụng giảm thuế VAT là hết sức cần thiết cho người dân, doanh nghiệp. Việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với nhiều mặt hàng là động thái tích cực giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Bởi giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng, việc được giảm thuế sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Bên cạnh đó, việc được giảm 2% thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… cũng giúp chi phí đầu vào sản xuất giảm, doanh nghiệp có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Thực tế, báo cáo từ Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 cho thấy, chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được quy định cụ thể) đạt được kết quả tích cực.

Số thuế VAT dự kiến giảm khi xây dựng Chương trình là 49.400 tỷ đồng. Số thực hiện đạt 44.458 tỷ đồng, trong đó làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 là 41.498 tỷ đồng, làm giảm thu ngân sách Nhà nước tháng 01/2023 là 2.960 tỷ đồng, bằng 90% số dự kiến. Việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT cho 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến sẽ làm giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng/tháng.

Đánh giá về việc tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc giảm thuế VAT chính là tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể sử dụng, tiêu thụ hàng hóa hóa nhiều hơn. Trên cơ sở đó kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa lớn khi cùng với đầu tư và xuất khẩu, tiêu dùng trong nước là một trong 3 động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Theo vị chuyên gia này, số tiền giảm thể hiện trên từng hóa đơn mua hàng sẽ kích thích người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống. Từ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng mạnh, người dân cũng hưởng lợi khi có thêm công ăn việc làm.

Về phía doanh nghiệp, việc giảm thuế sẽ giúp tiêu thụ của thị trường trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng giảm, từ đó hạ giá thành sản xuất. Từ việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, các doanh nghiệp tăng tính thanh khoản trong kinh doanh, quay vòng vốn để phục vụ hoạt động của mình.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho hay, cầu trong nước đang giảm xuống ở mức rất thấp, trong khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường rất nhiều. Điều này dẫn tới các nguồn lực để thanh toán cho đầu tư, tiêu dùng đều giảm. Do đó, việc giảm thuế VAT tiếp tục được áp dụng đến hết năm 2024 sẽ giúp cho gánh nặng chi phí của doanh nghiệp, người dân giảm xuống. Từ đó kích thích cầu tiêu dùng trong nước tăng lên, kích thích doanh nghiệp tập trung nguồn lực sản xuất, từ đó đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, đưa ra khuyến nghị, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB cũng đánh giá, trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024.

“Thay vì chính sách tiền tệ, cần thêm các chính sách kích thích tăng trưởng, ví dụ như chính sách tài khóa. Do đó, nên tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu”, vị chuyên gia của ADB khuyến nghị.

Được biết, để kịp thời thực hiện Nghị định số 72/2024/NĐ-CP quy định giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội, Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu các Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả