menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chi An

Tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có Tờ trình về việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trình Chính phủ xem xét, ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Với những giải pháp cấp bách được đề xuất, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nghị quyết là “phao cứu sinh”, là “liều thuốc” kịp thời cứu DN lúc khó khăn.

Theo Bộ KH&ĐT, khu vực DN luôn có vai trò, vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những năm qua, DN đã đầu tư một lượng vốn lớn vào phát triển kinh tế; đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, kim ngạch xuất khẩu… Trong thời gian qua, cộng đồng DN, doanh nhân đã thể hiện nghĩa cử cao đẹp, nêu cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, hỗ trợ người dân.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp; trong nước, các đợt dịch bùng phát khiến DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ của DN đang cạn dần trong khi thị trường trong nước và quốc tế suy giảm mạnh, chưa có dấu hiệu hồi phục hoặc đang hồi phục rất chậm. Sức chống chịu của khu vực DN tiếp tục suy giảm. Báo cáo cập nhật về tình hình đăng ký DN cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021, có hàng nghìn DN đã phá sản, chấm dứt tồn tại, trong số này xuất hiện cả những DN quy mô vừa.

Khẳng định tinh thần đồng hành, sẻ chia, sát cánh cùng cộng đồng DN, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với DN, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho DN bị ảnh hưởng, qua đó, tiếp sức cho DN ổn định, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Tại Dự thảo Nghị quyết, Bộ KH&ĐT đề xuất 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, gồm: thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì sản xuất, kinh doanh; đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục tình trạng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN; tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.

Theo Dự thảo Nghị quyết, Chính phủ phấn đấu hết năm 2021, có khoảng 1 triệu lượt DN, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó với đại dịch; khoảng 16.000 DN được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; khoảng 50.000 DN quay trở lại hoạt động; hàng trăm nghìn DN được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động...

Đánh giá cao sự cần thiết của các nhóm giải pháp cấp bách để “cứu” DN được đề xuất, TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, Nghị quyết được ban hành sẽ là “phao cứu sinh” giúp DN vượt qua cơn bão đại dịch Covid-19, từ đó hỗ trợ DN phục hồi và phát triển bền vững.

Theo ông Bắc, hiện có 2 khó khăn nổi cộm với DN là chi phí phòng, chống dịch và chi phí logistics đang tăng rất cao. DN rất cần được Chính phủ tiếp tục vào cuộc để tháo gỡ ngay theo hướng kéo giảm các chi phí này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xem xét phải hình thành “vùng xanh” trên bản đồ dịch của cực tăng trưởng phía Bắc để bảo vệ sản xuất ở các khu công nghiệp, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” khi cực tăng trưởng phía Nam đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ông Phạm Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại thuộc Bộ Công Thương cho rằng, các giải pháp cấp bách được đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết được ban hành sẽ là “liều thuốc” kịp thời để cứu DN thoát khỏi cơn nguy kịch. Ông Thắng nhấn mạnh, Covid-19 gây ra những khó khăn chưa từng có, khiến nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản. Vì vậy, Chính phủ phải thực hiện mạnh hơn nữa các giải pháp hỗ trợ DN cầm cự trong giai đoạn khó khăn này với việc tiếp tục chính sách hỗ trợ về giãn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN… Khi DN đã cầm cự được, Chính phủ cần thực hiện tiếp các chính sách giúp DN tăng sức đề kháng.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu nhìn nhận, ngoài mục tiêu Dự thảo Nghị quyết đề cập, cần nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng một khu vực DN năng động, hiệu quả và bền vững. Theo đó, trong tất cả các giải pháp cấp bách cũng như dài hạn để hỗ trợ phát triển DN, cần chú trọng cải cách môi trường kinh doanh; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng; thúc đẩy quản trị DN tốt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại