Tiền không chảy về quê
Năm ngoái, bạn tôi về Việt Nam sau nhiều năm sinh sống ở nước ngoài. Anh muốn trải nghiệm cuộc sống làng quê bằng một chuyến du lịch nông thôn.
Chúng tôi đặt tour tới Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ. Trong ký ức cả chục năm trước của tôi, nơi đây trên bến dưới thuyền, ghe xuồng tấp nập, rộn rã âm thanh thân thuộc của cuộc sống thương hồ miền Tây.
Nhưng bây giờ, cả một đoạn sông mênh mông lèo tèo dăm bảy chiếc ghe. Cây bẹo "treo gì bán nấy" không còn lúc lỉu như xưa mà lơ thơ mấy trái thơm, vài quả xoài. Sát ngay cạnh, cây bẹo "treo mà không bán" nặng trĩu áo quần, nồi niêu của thương hồ. Hướng dẫn viên không buồn giới thiệu về cây bẹo - một công cụ treo hàng để quảng cáo sản phẩm rất đặc trưng của người buôn bán trên chợ. Anh chỉ nhắc đi nhắc lại rằng Cái Răng xưa "tấp nập 10 phần nay chỉ còn 2 tới 3 thôi", dù nhu cầu tham quan Chợ nổi vẫn rất lớn. Mỗi ngày có khoảng tầm 200 lượt tàu du lịch chở khách đến, cứ 10 khách tới Cần Thơ thì có 7 người về Chợ nổi Cái Răng.
Cuộc tham quan của chúng tôi - bắt đầu từ 4h sáng, với đầy sự háo hức về nơi từng được trang Rough Guide của Anh bình chọn là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới bởi sự "rực rỡ sắc màu nhiệt đới" - kết thúc lúc chưa tới 8h. Đặt chân lên bờ, bạn tôi vẫn ngơ ngác: "Có thế thôi à?".
Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy câu cảm thán của bạn mình "Có thế thôi à?" có thể dùng cho nhiều tour du lịch trải nghiệm nông thôn ở Việt Nam. Đầy sơ sài và gây hụt hẫng.
Du lịch nông nghiệp ở Việt Nam manh nha từ hàng chục năm trước và phát triển rầm rộ gần chục năm trở lại đây với nhiều hình thức. Thống kê năm 2022 của Tổng cục Du lịch cho biết, cả nước có 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng. Với ưu thế khai thác thế mạnh nông thôn như một nguồn tài nguyên, tạo công ăn việc làm tại chỗ, đem đến nguồn thu mới, phát triển kinh tế địa phương... du lịch nông nghiệp được đánh giá là hướng đi đầy tiềm năng của Việt Nam.
Nhưng sau khi trải nghiệm nhiều loại hình du lịch nông nghiệp, từ trang trại nhỏ ở miền Bắc, homestay ở miền Trung, cho tới không gian miệt vườn ở miền Tây, và chuyến đi về Chợ nổi Cái Răng, tôi thấy phần lớn mô hình này được tổ chức khá manh mún, nhỏ lẻ, mạnh nhà nào nhà nấy làm, thiếu sự kết nối chặt chẽ.
Sản phẩm du lịch nông thôn của Việt Nam cũng đơn điệu, thiếu sáng tạo và trau chuốt. Khách du lịch chủ yếu "cưỡi ngựa xem hoa", không thực sự được hòa mình, trải nghiệm sâu vào không gian văn hóa bản địa - thứ họ thực sự mong muốn sau khi đã "no nê" với biển, vịnh và đô thị lấp lánh.
Mấy năm trước, các nhà vườn ở Cồn Sơn, Cần Thơ từng gây ấn tượng thú vị với khách du lịch bằng "cá lóc bay" - đàn cá được huấn luyện để nhảy múa trên mặt nước đớp thức ăn. Và rất nhanh sau đó, cá lóc ở bất cứ đâu, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang... cũng đều biết bay nhảy. Cách làm thiếu sáng tạo này không chỉ gây nhàm chán mà còn tạo ra phỏng đoán với du khách nước ngoài rằng, nông thôn nào ở Việt Nam cũng vậy. Trong khi những tài nguyên nông nghiệp bản địa và các sản phẩm đặc sắc của mỗi tỉnh bị bỏ phí.
Du lịch nông thôn cần tôn trọng và phát triển tính địa phương. Hàn Quốc là một trong những nước sớm hiểu rõ điều này. Thay vì bắt chước nhau, các địa phương của Hàn Quốc thành công do biết chọn những tài nguyên bản địa và nét sinh hoạt truyền thống của cư dân để khoe ra. Đảo Daeya ở Chungcheongnam là một ví dụ. D taeyaừng là hòn đảo giàu có nhờ xuất khẩu rong biển sang Nhật Bản vào những năm 1970, nhưng dự án cải tạo vịnh biển Cheonsu đã làm biến đổi môi trường hoàn toàn, rong biển không sinh sôi phát triển như xưa, kinh tế nông nghiệp của người dân gặp khó. Nhằm thúc đẩy và tái tạo hình ảnh địa phương trong hoạt động du lịch nông nghiệp, đảo Daeya sáng tạo hình thức bắt cá "doksal" (lợi dụng dòng chảy của sông và biển gặp nhau để làm đáy đóng cá) biến nó thành một sản phẩm trải nghiệm. Từ đó, doanh số bán hải sản và thu nhập từ hoạt động này giúp làng chài giàu lên rất nhiều, cư dân từ nơi khác đến lập nghiệp ngày một đông.
Du lịch trải nghiệm là hành trình đi từ một không gian này qua không gian khác. Nói theo cách khác, người ta rời không gian quen thuộc để tìm một không gian khác. Ở đó họ được khám phá, cảm nhận và hưởng thụ không chỉ cảnh quan, mà còn ẩm thực, con người, nhịp sống thường nhật. Trong bối cảnh đô thị hóa, không gian đô thị hiện đại không còn hấp dẫn cho dân thị thành, nhu cầu trải nghiệm một không gian khác là rất lớn. Và những quốc gia thành công, họ hiểu được điều ấy và bán không gian đó cho người có nhu cầu.
Nhưng do thiếu sự kết nối và tổ chức đồng bộ, những điểm du lịch nông nghiệp ở Việt Nam vẫn chỉ được dựng lên một cách sơ sài, như một minh họa chứ không phải là không gian để trải nghiệm văn hóa thực sự. Cách tổ chức này không những gây hụt hẫng cho du khách, mà không tận dụng được thế mạnh của du lịch nông thôn, không sử dụng được nguồn nhân lực tại chỗ, không đem đến cho người dân nông thôn cơ hội được đóng vai chính trong không gian văn hóa của chính họ.
Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá, khách du lịch tìm đến hình thức du lịch nông thôn và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách với doanh thu 30 tỷ USD/năm. Việt Nam, nhờ điều kiện
về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng; tài nguyên thiên nhiên phong phú với rừng, núi, sông, hồ, làng quê với đền chùa, cây trái... có đủ tiềm lực để phát triển du lịch nông nghiệp.
Nhưng, tiền sẽ không chảy về các miền quê, nếu du lịch nông thôn vẫn chỉ trưng ra những bức vẽ minh họa sơ sài, thay vì tạo ra một không gian đặc sắc của cảnh trí, văn hóa và sinh hoạt con người.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường