Tiền đâu làm đường trên cao tỉ USD tại TP.HCM?
Chiều nay (30.12), doanh nghiệp (CII) báo cáo đầu kì nghiên cứu tiền khả thi dự án đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh
Trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận giao Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) nghiên cứu lập "Đề xuất dự án Đường trên cao Bắc - Nam theo hình thức đối tác công tư - PPP (Hợp đồng BOT)" lấy từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày được giao.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Công ty tư vấn BR cho biết theo quy hoạch, TP.HCM có hệ thống đường vành đai kết nối giao thông với các tỉnh lân cận. Hiện nay, tuyến Vành đai 2 còn đang dang dở, 14 km chưa được khép kín. Tương tự, Vành đai 3 cũng mới chỉ hoàn thành 16 km. Do đó, việc phát huy giao thông khu vực nội thị kết nối với các tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn. Cần thiết xây dựng hệ thống đường trên cao phục vụ kết nối nội thi với khu vực lân cận.
Trên cơ sở các tuyến đường trên cao đã được quy hoạch, CII đã nghiên cứu đầu tư đường trên cao Bắc - Nam bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh đến đường Nguyễn Văn Linh. Tuyến này kết hợp một phần tuyến đường trên cao số 1, 2 và 3 (theo quy hoạch), khi hoàn thành sẽ tạo thành hệ thống trục giao thông đô thị Bắc - Nam kết nối với đường vành đai 2, kết nối giữa khu vực nội thành và ngoại thành. Đồng thời, kết nối khu vực phía bắc TP (quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp và Q.12), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với khu vực trung tâm (quận 1, 3, 4), khu đô thị Nam Sài Gòn và ngược lại.
Tuyến đường đi của tuyến này: Dọc theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - Hẻm 656 (Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh. Toàn tuyến có chiều dài 14,1 km, chiều rộng 30 m, phần đường trên cao 4 làn xe 16 m gồm 5 nút giao chính, trong đó có 3 nút giao quy mô lớn là nút giao Lăng Cha Cả, Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Văn Linh.
Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc CII cho biết đây là dự án lớn, có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 30.000 tỉ đồng (Chi phí xây dựng khoảng 12.000 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 13.000 tỉ đồng).
CII xây dựng 3 phương án đầu tư:
Phương án 1: Đầu tư công hoặc kêu gọi ODA
Phương án 2: Thực hiện theo phương thức đối tác công tư PPP. Theo bà Trâm, đơn vị tư vấn dự báo với mức giá thu phí khoảng 35.000 đồng (theo Thông tư quy định của Sở Tài chính), nhân với số lượng phương tiện thì trong 26 năm, nhà đầu tư sẽ chỉ cân đối được khoảng 5.500 tỉ đồng, chưa tới 20% tổng mức đầu tư của dự án. Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ phải bù 80%. Đây là phương án không khả thi bởi theo Luật PPP hiện nay, tỷ lệ vốn góp của nhà nước không quá 50%.
Vì thế, CII đang tiếp tục nghiên cứu phương án 3 - Nâng tỷ trọng vốn góp của doanh nghiệp lên 50% hoặc toàn bộ chi phí xây lắp bằng nhiều cách thức như xem xét thu phí, tìm nguồn vốn lãi suất thấp, khai thác quỹ đất trên tuyến....
"Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu khai thác quỹ đất bằng cách xây dựng cao ốc xuyên suốt tuyến đường (đường đi xuyên qua các cao ốc). Trước mắt có thể giới hạn số lượng hạn chế tại các nút giao. Đây là mô hình đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới nhằm tiết kiệm quỹ đất, tăng khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư. Đồng thời, tạo điểm nhấn đô thị. Vấn đề là hiện Luật Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho mô hình này" - bà Trâm nêu
Theo quy hoạch phát triển GTVT được Thủ tướng phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, TP.HCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km. Tuy nhiên từ khi lên kế hoạch vào năm 2005 đến nay đã gần 17 năm, thành phố vẫn chưa có tuyến nào được đầu tư xây dựng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận