Thương vụ 'sang tay' siêu dự án Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí
Sau khi "bẻ lái" thành công kết luận thanh tra, đại gia Nguyễn Cao Trí có được siêu dự án Đại Ninh nên bán sang tay cho Novaland với giá 27.600 tỷ đồng, hưởng lợi 2.700 tỷ, theo cơ quan điều tra.
Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, là người duy nhất trong 10 bị can tại vụ án siêu dự án Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ.
Theo kết luận điều tra ký ngày 1/11, bà Phan Thị Hoa thành lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh từ năm 2010. Đến năm 2017, doanh nghiệp đăng ký thay đổi lần 7, tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Bà Hoa còn thành lập, đại diện theo pháp luật Công ty TNHH MTV Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh Lavender, vốn điều lệ 800 tỷ đồng.
Sài Gòn Đại Ninh của bà Hoa được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư siêu dự án Đại Ninh, quy mô 3.595 ha tại huyện Đức Trọng, tổng vốn đầu tư hơn 25.200 tỷ đồng. 8 năm sau, doanh nghiệp này không có năng lực tài chính để triển khai dự án, có nhiều sai phạm nên bị Thanh tra Chính phủ kết luận thu hồi đất, chấm dứt hoạt động.
Cùng lúc này, bà Hoa biết ông Trí có quan hệ thân thiết với Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh và một số lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nên kỳ vọng có khả năng xin gia hạn, khôi phục dự án. Đầu tháng 10/2020, ông Trí và bà Hoa ký thỏa thuận đặt cọc chuyển nhượng dự án với giá 3.000 tỷ đồng. Một tháng sau, hai bên ký hợp đồng mua bán và ông Trí vay ngân hàng trả cho bà Hoa 1.000 tỷ đồng để sở hữu 51% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Hai tháng sau, hai bên tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần để chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh với giá 5.000 tỷ đồng. Trong đó có điều khoản ông Trí phải thanh toán trước 1.000 tỷ đồng để được sở hữu 51% cổ phần công ty.
Đại gia Nguyễn Cao Trí trong phiên tòa ở TP HCM hồi tháng 4. Ảnh: Quỳnh Trần
Cơ quan điều tra cáo buộc, để thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trên, ông Trí và bà Hoa thống nhất tăng vốn điều lệ "ảo" cho Công ty Lavender từ 800 tỷ lên 1.530 tỷ đồng. Hình thức tăng vốn bằng cách dùng 360 tỷ đồng huy động được của Tập đoàn Bến Thành, rồi quay vòng 5 lần rút, nộp liên tục qua các tài khoản ngân hàng. Từ đó tạo doanh số chuyển tiền 1.530 tỷ đồng, để hợp thức việc bà Hoa góp 100% vốn.
Công ty Lavender sau đó thay đổi đăng ký kinh doanh tăng vốn điều lệ lên 1.530 tỷ đồng và thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Hoa sang cho ông Nguyễn Cao Đức (em ruột của ông Trí). Cuối cùng, ông Trí chuyển 51% cổ phần sang Công ty TNHH Capella Hospitality của mình.
Xong các bước chuyển nhượng lòng vòng, ông Trí hoàn tất thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật Sài Gòn Đại Ninh từ bà Hoa sang mình để "chính danh" lo các thủ tục cho dự án được giãn tiến độ, không bị thu hồi.
Theo C03, từ 2/10/2020 đến 5/2/2021, bà Hoa được ông Trí thanh toán 985 tỷ đồng mua 100% vốn điều lệ Công ty Lavender để sở hữu 51% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Trong đó 120 tỷ đồng tiền mặt và 865 tỷ đồng tiền vay của Sacombank.
Mặc dù mới thanh toán 985 tỷ đồng nhưng bà Hoa và Trí thống nhất đã thanh toán đủ 1.000 tỷ đồng. Số tiền 15 tỷ đồng chênh lệch, bà Hoa ủng hộ ông Trí làm từ thiện, đối ngoại tỉnh Lâm Đồng. Bà còn đưa thêm 20 tỷ đồng để ông Trí ủng hộ phòng chống Covid-19.
Tổng cộng, ông Trí và bà Hoa đã ghi nhận với nhau việc ông thanh toán 1.700 tỷ đồng để được sở hữu 58% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Về phía Novaland, từ 2019-2020, ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó chủ tịch HĐQT và ông Lê Thành Phương, Giám đốc Ban Đầu tư Tập đoàn Novaland, đã bắt đầu đàm phán với bà Hoa về nhận chuyển nhượng dự án Đại Ninh. Do phương án tài chính không đảm bảo nên việc này tạm dừng, chờ thời điểm đầu tư phù hợp sau.
Đến tháng 7/2020, ông Quân được bà Hoa giới thiệu với ông Trí và cho biết dự án đang được xin phục hồi, gia hạn. Nếu Novaland muốn mua lại thì làm việc với ông Trí. Do lúc này dự án vẫn đang bị kiến nghị thu hồi, ông Quân bảo ông Trí là chờ dự án được gia hạn, phục hồi mới đàm phán chuyển nhượng tiếp.
Siêu dự án Đại Ninh hiện hoang vắng, các hạng mục xây dựng đã xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Trường Hà
Mua siêu dự án trên giấy
Sau khi dự án Đại Ninh được ông Trí "bẻ lái" thành công để đưa về tay, Công ty Lavender của ông Trí và Tập đoàn Novaland ký thỏa thuận bảo mật thông tin với phí bảo mật là 300 tỷ đồng. Ngay sau đó Công ty Lavender và Công ty Thiên Vương của Tập đoàn Novaland ký hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng 100% cổ phần tại Sài Gòn Đại Ninh. Tổng giá trị giao dịch 27.600 tỷ đồng, 5 đợt thanh toán.
Công ty Thiên Vương phải thanh toán đợt một cho Công ty Lavender 5.000 tỷ đồng trước ngày 30/9/2022. Tuy nhiên, đến ngày 7/10/2022, Thiên Vương mới thanh toán 2.700 tỷ đồng, vi phạm quy định về điều khoản thanh toán theo thỏa thuận.
Bởi thế, Novaland chưa được ông Trí chuyển giao sở hữu cổ phần hoặc có quyền lợi gì tại dự án Đại Ninh. 2.700 tỷ đồng thu được, Công ty Lavender đã sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như thanh toán cho bà Hoa 700 tỷ đồng và thanh toán 1.000 tỷ đã vay để trả trước cho bà Hoa.
Bà Hoa khai đã hỗ trợ ông Trí 35 tỷ đồng để làm từ thiện, ủng hộ chống dịch cho tỉnh Lâm Đồng. Bà không bàn bạc hoặc được tham gia với Trí để đưa tiền cho các lãnh đạo, cá nhân khác tại tỉnh Lâm Đồng để xin gia hạn dự án.
C03 kết luận, bà Hoa không biết ông Trí đưa tiền cho những ai, bao nhiêu tiền, từ nguồn nào. Số tiền 35 tỷ đồng nhận từ bà Hoa, bị can Trí tự sử dụng mà không bàn bạc, thỏa thuận gì với bà là chi tiền cho ai, vào mục đích gì.
Với 1.700 tỷ đồng nhận thông qua việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần dự án Đại Ninh trái pháp luật, bà Hoa đã tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Theo bà Hoa trình bày 9 thửa đất trên có trị giá khoảng 1.700 tỷ đồng.
Do vậy, C03 cho rằng không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự với bà Hoa về vai trò đồng phạm, giúp sức cho bị can Trí.
Do vậy, C03 cho rằng không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự với bà Hoa về vai trò đồng phạm, giúp sức cho bị can Trí.
Theo C03, Tập đoàn Novaland biết rõ việc bà Hoa và ông Trí ký hợp đồng chuyển nhượng dự án là trái quy định do thời điểm này dự án đang bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi. Hơn nữa, Tập đoàn Novaland cũng biết Trí sẽ phải thực hiện các hành vi "chạy thủ tục" để được điều chỉnh kết luận thanh tra. Tuy nhiên, Novaland vẫn ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần là không đảm bảo cơ sở pháp lý.
Với số tiền 2.700 tỷ đồng ông Trí nhận của Novaland xuất phát từ chuỗi hành vi vi phạm pháp luật của bị can và những người khác trong vụ án. Trong đó có một phần lỗi, trách nhiệm của Novaland trong việc giao dịch, ký kết hợp đồng như vi phạm thời hạn thanh toán lần 2, biết dự án vướng mắc pháp lý nhưng vẫn đặt cọc, kết luận điều tra nêu.
2.700 tỷ đồng được xác định thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm pháp luật giữa ông Trí với các bên liên quan. Vì thế, C03 đề nghị sung công quỹ nhà nước.
Theo kết luận, các bị can, cá nhân liên quan đã nộp khắc phục tổng số 109 tỷ đồng. Trong đó 9 tỷ đồng do các bị can, người liên quan nộp khắc phục và 100 tỷ đồng thu hồi từ nguồn tiền 2.700 tỷ đồng mà ông Trí hưởng lợi, sử dụng để mua cổ phần hệ thống nhà hàng tiệc cưới Adora.
Ngoài ông Trí, vụ án còn có 9 bị can là lãnh đạo, cán bộ của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng bị truy tố về các tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đây là vụ án thứ hai ông Trí bị xác định có liên quan. Tháng 4 vừa qua, trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, ông Trí với tư cách Chủ tịch tập đoàn Capella bị tuyên 8 năm tù do chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường