24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Như
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thương vụ bạc tỷ của Shark Thủy

Nổi tiếng với đại chúng sau một chương trình truyền hình thực tế, vị doanh nhân 38 tuổi giờ lại đang đơn độc với đế chế của chính mình.

Thương vụ bạc tỷ của Shark Thủy
Chủ tịch HĐQT Apax Holding - ông Nguyễn Ngọc Thủy nổi tiếng với tên gọi Shark Thủy sau khi tham gia chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp Shark Tank.

Thời gian gần đây, Chủ tịch Đầu tư Apax Holdings (HOSE: IBC) Nguyễn Ngọc Thủy liên tiếp công bố thông tin mua lại trăm tỷ đồng trái phiếu và hàng triệu cổ phần Apax Holdings từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, những dòng tiền có phần chồng chéo xoay quanh giao dịch cổ phần của CTCP Anh ngữ Apax cũng khiến giới đầu tư chú ý.

Tuy vậy, điều ít ai để tâm là những giao dịch đó lại khắc họa chặng đường huy động vốn trắc trở cho tham vọng về một tập đoàn đầu tư giáo dục hàng đầu của người được mệnh danh Shark Thủy.

Apax Holdings

Tiền thân của Apax Holding là CTCP Đầu tư VN Benchmark (IBCI), một công ty đầu tư tài chính thành lập vào tháng 3/2012 với vốn điều lệ 3 tỷ đồng và liên tục được bơm thêm tiền bởi các cá nhân trong những năm tiếp theo.

Lên sàn UPCoM từ tháng 5/2016, thời gian này VN Benchmark đã phát triển một số mảng kinh doanh tấm bông và thương mại hạt nhựa. Tuy nhiên, bước ngoặt chỉ thật sự đến khi hãng đầu tư nhỏ đón nhà đầu tư chiến lược Egroup sau vòng chào bán riêng lẻ giá 10,000 đồng/cp tăng vốn từ 63 tỷ đồng lên 313 tỷ đồng, và đổi tên thành Apax Holdings.

Nhà sáng lập Egroup - ông Nguyễn Ngọc Thủy cũng nhanh chóng ngồi vào ghế Chủ tịch Apax Holdings sau khi doanh nghiệp này mua 34% cổ phần Anh ngữ Apax vào cuối năm 2016.

Từ đó, Apax Holdings trở thành một mắc xích quan trọng trong hệ sinh thái của Egroup, với vai trò là kênh huy động vốn cho các công ty con, công ty thành viên và các dự án trong lĩnh vực giáo dục.

Shark Tank

Năm thứ hai trong nhiệm kỳ HĐQT 2017-2020 tại Apax Holdings, ông Thủy tham gia Shark Tank, chương trình truyền hình thực tế về kinh doanh khởi nghiệp (start-up) tạo nên cơn sốt lúc bấy giờ.

Nội dung Shark Tank xoay quanh quá trình các doanh nhân khởi nghiệp thu hút nhà đầu tư bằng những ý tưởng kinh doanh có thể hái ra tiền. Các thương vụ sẽ được chốt ngay trong thời lượng phát sóng chương trình.

Thương vụ bạc tỷ của Shark Thủy
Nhà đầu tư Shark Tank Nguyễn Ngọc Thủy đã cam kết đầu tư hàng chục tỷ đồng vào 9 start-up trong khuôn khổ chương trình.

Shark Tank đã đưa ông Thủy từ một doanh nhân kín tiếng trở thành một hình mẫu lý tưởng. Con đường vươn lên của vị Chủ tịch Egroup, sinh năm 1982, một doanh nhân tay trắng làm nên, là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ nung nấu giấc mơ làm giàu.

Trên truyền hình, nhà đầu tư Shark Tank Nguyễn Ngọc Thủy cam kết rót hàng chục tỷ đồng vào những doanh nhân khởi nghiệp thừa ý tưởng nhưng thiếu vốn và cần người đồng hành chỉ dẫn. Trong đó, một thương vụ nổi bật của ông là chuỗi đồ uống đậu nành Soya Garden.

Ngược lại, chính Shark Tank cũng chắp cánh cho sự vươn lên của Apax Leaders, chuỗi trung tâm Anh ngữ thành lập cách đó 3 năm của Shark Thủy. Apax dần trở thành cái tên nổi bật trên thị trường giáo dục với việc phát các đoạn quảng cáo dạo đầu mỗi tập phát sóng Shark Tank và sau này là cả một chương trình Shark Tank nhí riêng với tên gọi Kiddie Shark.

Tại một quốc gia đang phát triển, ngoại ngữ ngày càng được các bậc phụ huynh chú trọng, và Apax Leaders cho thấy họ hiểu cả hai điều mà các ông bố bà mẹ nhắm đến cho con cái: Ngoại ngữ và một sự nghiệp thành công.

Việc kinh doanh tốt cần được chắp cánh bởi nguồn vốn dồi dào. Shark Thủy thời điểm đó tỏ ra mát tay trong việc huy động tiền của cho sự nghiệp của chính ông.

Trong năm 2017, Apax Holdings huy động được trên 466 tỷ đồng từ việc chào bán hơn 30 triệu cp cho cổ đông hiện hữu giá 10,000 đồng/cp và đấu giá công khai 7.5 triệu cp với giá 22,019 đồng/cp. Cổ phiếu IBC cũng chào sàn niêm yết HOSE vào cuối năm này.

Sang 2018, doanh nghiệp này tiếp tục phát hành thành công 207 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho nhóm quỹ đầu tư Valuesystem đến từ Hàn Quốc. Hơn 90% số tiền thu về được dùng để mua cổ phần tại Anh ngữ Apax, đơn vị chủ quản hệ thống trung tâm Anh ngữ Apax Leaders.

Thực tế, tổng lượng trái phiếu mà Shark Thủy lên kế hoạch huy động lên đến 455 tỷ đồng. Tuy nhiên, thương vụ với nhà đầu tư còn lại (Peregrine Partners) bất thành. Sau đó, Apax Holdings cũng tiếp tục lên kế hoạch huy động thêm 248 tỷ đồng cho đợt 2.

Từ 2017-2019, việc làm ăn của các trung tâm tiếng Anh bùng nổ và Apax Holdings báo cáo doanh thu thuần tăng từ xấp xỉ 550 tỷ đồng lên mức 1.67 ngàn tỷ đồng. Tháng 10/2019, nhóm quỹ Valuesystem chấp nhận mất dòng thu nhập lãi suất khi chuyển đổi 103 tỷ đồng trái phiếu thành 5.1 triệu cp (với bên nhận ủy thác thực hiện là Shinhan Bank) như lời khẳng định về sự hấp dẫn của việc nắm cổ phần tại Apax Holdings.

Thương vụ bạc tỷ của Shark Thủy
Hệ thống công ty con của Apax Holdings. Nguồn: Báo cáo thường niên của Apax Holdings, Vietstock cập nhật

Xoay vòng vốn

Tuy nhiên, tất cả mọi thứ bỗng thay đổi khi Covid-19 bùng phát. Apax Holdings báo lỗ 170 tỷ đồng ngay trong quý khởi đầu năm 2020 và quan điểm của nhà đầu tư Hàn Quốc về doanh nghiệp này dường như đã lung lay.

Cuối tháng 5/2020, nhóm quỹ Valuesystem thoái 5.1 triệu cp IBC cho bên mua là Shark Thủy. 3 tháng sau, Ban lãnh đạo Apax Holdings cũng công bố một Nghị quyết về việc Chủ tịch Thủy sẽ mua lại 104 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành cho nhóm quỹ kể trên.

Đây là dấu hiệu không mấy sáng sủa. Bởi để đảm bảo mọi sự đúng hướng, Shark Thủy rất cần trợ lực từ nguồn vốn bên ngoài. Tuy nhiên, sau 3 năm rưỡi “chào sàn”, nguồn vốn trọng yếu mà Apax Holdings huy động được cuối cùng vẫn chỉ xoay quanh “bầu sữa” trong cùng hệ sinh thái.

Không như những chuỗi dịch vụ đã trải qua nhiều năm tích lũy lợi nhuận, Apax Leaders không có tấm đệm an toàn như vậy bởi vẫn đang trong quá trình đầu tư mở rộng và chịu áp lực bởi nhiều loại chi phí. Tuy nhiên, đặc thù có thể thu học phí trước khi cung cấp dịch vụ đào tạo giúp đơn vị này có được dòng tiền vào dồi dào. Bởi lẽ đó, Anh ngữ Apax vừa là khoản đầu tư lớn nhất cũng vừa đóng vai trò chủ nợ lớn nhất cung cấp nguồn vốn ngắn hạn cho Apax Holdings.

Trong khoảng thời gian từ quý 4/2019 đến quý 1/2020, Apax Holdings đã vay ròng hơn 688.4 tỷ đồng từ Anh ngữ Apax. Hầu hết lượng tiền này (gần 600 tỷ) được Apax Holdings dùng để mua chính cổ phần Anh ngữ Apax từ tay Shark Thủy, phần còn lại mua cổ phần tại Igarten - hệ thống trường mầm non và góp vốn vào English Now Global - dự án chuỗi trung tâm tiếng Anh mới.

Sau khi thực hiện các giao dịch, cánh tay dẫn vốn này tiếp tục lên kế hoạch huy động 380 tỷ đồng từ công ty mẹ Egroup thông qua vòng chào bán riêng lẻ 20 triệu cp. Gần như toàn bộ số tiền thu về sẽ dùng để trả gốc vay cho Anh ngữ Apax.

Tất bật

Dòng vốn chảy qua Apax Holdings từ quý 4/2019-2/2020

Đvt: Tỷ đồng

Thương vụ bạc tỷ của Shark Thủy
Nguồn: Các BCTC của Apax Holdings, Vietstock tổng hợp. Đồ họa: Tuấn Trần

Apax Holdings vẫn còn phải xoay sở thỏa mãn cơn khát vốn của một hệ sinh thái giáo dục đồ sộ. Trước mắt là 153 tỷ đồng vốn góp thành lập Trường liên cấp Firbank Australia và thêm 41.5 tỷ đồng góp vào chuỗi trường mầm non của Igarten, rồi sau đó là những nhu cầu mới khi các hệ thống trung tâm đào tạo tiếp tục được mở rộng.

Cửa sau vắng vẻ

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu IBC không để lại nhiều ấn tượng, mãi cho đến những giao dịch có phần lòng vòng quanh việc mua cổ phần Anh ngữ Apax gần đây.

Điều để nhớ về cổ phiếu này là sự ổn định, thậm chí là ổn định đáng kinh ngạc với lượng thanh khoản đều tăm tắp thể hiện trên biểu đồ kỹ thuật, bất kể doanh nghiệp thua lỗ trên trăm tỷ đồng trong mùa dịch. Ngoài ra, việc từng lọt vào tầm ngắm của đối tượng thao túng giá cũng để lại ấn tượng không tốt dành cho IBC.

Thực tế, ngay chính Apax Holdings cũng không nhận được nhiều cảm tình từ giới đầu tư chứng khoán, bởi sự tương đồng với hình thức “niêm yết cửa sau”, nhất là khi IBC cũng tăng sốc giảm sâu trong giai đoạn mà cánh tay dẫn vốn của Shark Thủy ra mắt trong nửa đầu 2017.

Một vấn đề nữa là sự xung đột lợi ích tiềm tàng trong các giao dịch liên quan. Khi Shark Thủy chuyển nhượng cổ phần tại Anh ngữ Apax cho Apax Holdings thì ông sẽ đưa ra quyết định với lợi ích tốt nhất dành cho bên nào của thương vụ? Việc thuê bên thứ ba là PwC làm đơn vị định giá thậm chí cũng không khỏa lấp hết các mối nghi ngại.

Đến nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ sở hữu một phần rất nhỏ cổ phần của Apax Holdings, sau những đợt thoái vốn của Valuesystem. Trong khi đó, Egroup và ông Nguyễn Ngọc Thủy hiện nắm tổng cộng gần 73% cổ phần tại đây, và con số này sẽ còn sớm nâng lên sau đợt chào bán riêng lẻ sắp tới. Thương vụ này cho thấy sự cấp bách về nguồn vốn phát triển hệ sinh thái xoay quanh “ống bơm” Apax Holdings và cả sự đơn độc của ông Thủy trong hành trình mở rộng đế chế giáo dục của mình.

Sau cùng, mục tiêu của nhà đầu tư Shark Tank này khi tạo nên Apax Holdings chắc chắn cũng không chỉ để huy động nguồn lực từ chính ông.

Thương vụ bạc tỷ của Shark Thủy
Nguồn: Vietstock Finance. Đồ họa: Tuấn Trần
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1.70 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả