24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Huyền Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thưởng Tết Nhâm Dần: Doanh nghiệp cuống cuồng lo, công nhân thấp thỏm chờ

Công nhân thấp thỏm, doanh nghiệp cuống cuồng cũng chỉ vì hai chữ "thưởng tết"

Hậu COVID-19, doanh nghiệp cạn tiền, không dám nghĩ đến thưởng Tết, trong khi người lao động hoang mang chờ, mong cái Tết đầy đủ sau một năm khốn khó vì dịch bệnh.

Chưa đầy 2 tháng nữa là tới Tết nguyên đán Nhâm Dần, bức tranh về thưởng Tết năm nay được dự đoán nhiều gam màu tối, khi mà ảnh hưởng nặng nề trong suốt một năm qua của đại dịch COVID-19 đã khiến phần lớn doanh nghiệp khốn đốn. Ngoài hàng chục nghìn doanh nghiệp không thể tồn tại, những cái tên còn trụ lại được đến giờ phần lớn đã cạn kiệt tài chính, đang tính đủ cách mong hồi phục. Tiền thưởng Tết của doanh nghiệp khu vực TP.HCM có thể giảm 30-50% so với năm trước, trong khi tại khu vực phía Bắc, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa dám nghĩ tới thưởng Tết.

"Cầm cự được đã mừng, lấy đâu ra thưởng Tết"

Chia sẻ với VTC News, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tâm sự về mối lo thưởng Tết cho công nhân, khi vẫn đang phải chật vật để hoạt động giữa lằn ranh phá sản, nợ nần.

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc nhà xe Sao Việt (Hà Nội) cho biết, trong năm 2021, thời gian các doanh nghiệp vận tải phải "treo xe" để chống dịch bệnh còn nhiều hơn thời gian hoạt động. Đến bây giờ, dù hoạt động lại nhưng cũng chỉ được 10-20% và luôn trong tình trạng vắng vẻ do khách e ngại COVID-19. "Biết lỗ nhưng vẫn phải hoạt động để giữ thị phần. Bây giờ chỉ cố gắng làm sao lo được công việc cho cán bộ công nhân viên đã là tốt lắm rồi. Thưởng Tết thì tôi khẳng định năm nay không có doanh nghiệp vận tải và du lịch nào dám kỳ vọng nhiều. Thực sự quá khó khăn, cầm cự được đã là mừng”, ông Bằng nói.

Trong khi đó, do doanh thu và lợi nhuận đều giảm, lãnh đạo một nhà thầu có tiếng ở Hà Nội cũng cho biết hiện tại doanh nghiệp của ông chưa thể hứa hẹn gì về chuyện thưởng Tết: “Điều này phụ thuộc rất lớn vào nguồn tiền. Hiện ngành xây dựng mới bắt đầu được hoạt động trở lại thì lấy đâu ra sản lượng công việc để thưởng Tết. Chắc chắn thưởng Tết năm nay sẽ không thể nhiều và chậm hơn các năm trước”.

Đại diện một doanh nghiệp dệt may ở Bắc Ninh than vãn, hiện nay chỉ tập trung lo chế độ tiền lương hằng tháng đầy đủ cho người lao động đã là quá sức. Thời gian qua, dù bị phong tỏa nhiều ngày, doanh nghiệp này vẫn phải trả lương tồn đọng cho khoảng 1.000 nhân sự để giữ chân lao động, bởi vậy gánh nặng tài chính là rất lớn.

"Thắt lưng buộc bụng" lo thưởng Tết

Tuy lo lắng về gánh nặng thưởng Tết song nhiều doanh nghiệp chia sẻ vẫn sẽ cố để dành nguồn tiền thưởng cuối năm cho nhân viên, vì người lao động cũng phải đối diện với một năm khốn đốn do đại dịch. Đây cũng được coi là bài toán giữ chân nhân sự để hồi phục sản xuất của nhiều doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Huyndai chi nhánh Nam Định cho biết, mọi năm doanh nghiệp sẽ thưởng Tết tháng lương thứ 13 và có phần quà nhỏ cho mỗi cán bộ nhân viên. Do mức thưởng không quá lớn và nguồn tài chính vẫn còn nên năm nay mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch nhưng mức thưởng Tết cho cán bộ nhân viên sẽ không thay đổi.

Tại TP.HCM, nơi chịu ảnh hưởng của COVID-19 nặng nề nhất, phần lớn các doanh nghiệp đều đã có dự toán thưởng Tết cho công nhân, với mức giảm 30 - 50%. Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, một số doanh nghiệp đã báo cáo về mức thưởng Tết 1 tháng lương nhưng phần lớn chỉ ở mức 50-70% so với mọi năm. Nguyên nhân là vì dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, một số thực hiện "3 tại chỗ", chi phí tăng cao nên gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập và điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho hay, năm nay công ty sẽ cố gắng thưởng lương tháng thứ 13 cho công nhân (khoảng 8 triệu đồng/tháng). Đồng thời, mỗi công nhân dự kiến được thưởng 1 phần quà là gói thực phẩm do công ty sản xuất.

Ông Luận cho biết thêm, thời điểm này công ty đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn hay giá cước vận chuyển tăng. Dù vậy, ban lãnh đạo vẫn cố gắng vun vén, tiết kiệm nhiều khoản chi không cần thiết để người lao động có khoản thưởng cuối năm. Thời gian giãn cách xã hội vừa qua, công ty hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ, nên nhân viên nào ở lại làm việc sẽ được thưởng thêm. “Đảm bảo mức thưởng tháng thứ 13 là sự cố gắng rất nhiều của doanh nghiệp”, ông Luận khẳng định.

Tương tự, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Min Decor, quận 4, TP.HCM, dự kiến lợi nhuận năm nay của công ty không như mong muốn, nhưng xét về tổng thể cả năm không bị thua lỗ. Đặc thù ngành nội thất khách hàng thường chi tiền vào dịp cuối năm nên công ty đã phần nào bù được thời gian giãn cách kéo dài vừa qua.

"Thưởng Tết đã được công ty đưa vào quy chế hoạt động và là chính sách động viên công nhân cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc. Mặc dù rất khó khăn nhưng công ty vẫn thưởng Tết cho nhân viên như năm ngoái", ông Tuấn Anh nói.

Chia sẻ về chăm lo cho người lao động dịp Tết, ông Chung Wai Fu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (Hậu Giang) cho hay, từ tháng 7/2021 đến nay, công ty vẫn duy trì khoản tiền thưởng đặc biệt tương đương 30% lương cơ bản cho toàn thể cán bộ, công nhân viên tham gia thực hiện phương án phòng, chống dịch "3 tại chỗ".

Hiện tại, công ty đang lên kế hoạch xét tăng lương, tặng tiền thưởng Tết cuối năm 2021 cho toàn thể nhân viên (hơn 1.100 lao động), như lời cám ơn chân thành đến người lao động trong suốt một năm đầy khó khăn vừa qua. Dự kiến, mức tiền thưởng sẽ tương đương mức thưởng năm 2020”, ông Chung Wai Fu thông tin.

Người lao động thấp thỏm chờ

Doanh nghiệp lao đao vì dịch COVID-19 khiến nhiều người lao động cho rằng, họ đã dự đoán được tiền thưởng Tết năm nay sẽ không bằng năm ngoái, thậm chí có thể không có. Tuy nhiên, thấp thỏm, mong ngóng chờ thưởng Tết vẫn là tâm trạng chung của mỗi người lao động vào dịp cuối năm.

Thưởng Tết Nhâm Dần: Doanh nghiệp cuống cuồng lo, công nhân thấp thỏm chờ
Nhiều người lao động mong ngóng thưởng Tết để đón Tết được đủ đầy, đầm ấm hơn. (Ảnh minh họa)

Hơn 10 năm làm nhân viên phục vụ tại một khách sạn lớn ở TP Cần Thơ, anh P.T.N. cho biết, mọi năm, cộng các khoản lại thì Tết anh được thưởng khoảng 7 - 10 triệu. Năm nay, do dịch bùng phát, anh N. phải tạm nghỉ việc nhiều tháng nên dự đoán khoản thưởng Tết sẽ rất ảm đạm. Tuy vậy, anh N. vẫn hy vọng có được ít tiền thưởng Tết để lo cho gia đình, vốn đã rất chật vật vì COVID-19.

Cùng chung tâm trạng với anh N., anh Phạm Công Quốc (quê Bạc Liêu), đang là công nhân cho một công ty thủy sản TP Cần Thơ chia sẻ, dịch bùng phát, công ty nơi anh làm việc tạm ngưng hoạt động một thời gian và mới khôi phục lại sản xuất.

Nghe nói tiền thưởng Tết năm nay sẽ rất ít nên tôi đang lo lắng. Cả một năm làm việc, chỉ mong chờ vào tiền thưởng để sắm Tết phụ giúp gia đình ở quê”, anh Quốc nói.

Tuy nhiên, theo anh Quốc, điều mong muốn nhất của những người công nhân như anh lúc này là dịch bệnh được kiểm soát để công ty không phải đóng cửa. Như vậy, anh và đồng nghiệp mới có được nguồn thu nhập ổn định.

Chị Trần Thị Hồng Phương, công nhân Công ty Pouyuen, Quận Bình Tân, TP.HCM cho hay, mặc dù đã đi làm trở lại gần 2 tháng nay nhưng vấn đề tài chính của gia đình chị rất bấp bênh, nhất là những tháng cuối năm. Chị Phương đã phải chi tiêu âm vào khoản tiền tích lũy trước đây, trong khi Tết Nguyên đán đang cận kề, bao nhiêu khoản phải chi tiêu dịp cuối năm.

Hiện công ty đã có thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2022, tuy nhiên vấn đề thưởng Tết cho người lao động chưa thấy nhắc tới. Biết rằng công ty khó khăn, dù có thể không bằng mọi năm nhưng tôi vẫn mong ngóng từng ngày các khoản lương, thưởng Tết vào dịp cuối năm để có tiền chi tiêu giữa đại dịch”, chị Phương cho biết.

Trong khi đó, không ít người lao động lại cho rằng hiện vẫn có việc làm và thu nhập đã là may mắn hơn rất nhiều người khác. Vì thế, việc có tiền thưởng Tết hay không cũng không còn quá quan trọng.

Tôi đi làm vẫn được hưởng mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Cả năm đại dịch tôi vẫn may mắn vì được đi làm và có thu nhập. Nếu có thưởng Tết thì sẽ là động lực rất lớn. Nhưng do hiểu rõ công ty mình gặp khó khăn và ảnh hưởng bởi đại dịch nhiều như thế nào nên nếu mức thưởng Tết giảm, hoặc không có thưởng Tết thì tôi cũng chấp nhận được trong thời điểm khó khăn này”, chị Nguyễn Thị Hải công nhân một công ty may mặc trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.

Thông tin với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, để duy trì trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nghiệp vẫn bảo đảm thưởng Tết cho đoàn viên lao động, mặc dù không được như năm trước.

Còn theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa được đơn vị ban hành.

Theo đó, các cấp công đoàn được yêu cầu chủ động kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch COVID-19, người không có điều kiện về quê đón Tết; hỗ trợ vé tàu xe, phương tiện cho người lao động về quê.

Đồng thời, các cấp công đoàn được yêu cầu chủ động tham gia kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện lương, thưởng Tết, đảm bảo quyền lợi người lao động.

Bộ luật Lao động không quy định các doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho lao động nhưng từ lâu, người Việt đã có văn hóa thưởng Tết. Tiền thưởng là cách để doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ người lao động phấn đấu và sáng tạo trong quá trình lao động. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiền thưởng như chiến lược để ổn định lực lượng lao động tại chỗ, thu hút người lao động giỏi và phát triển về chất lượng lao động trong đơn vị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, thưởng Tết năm nay có thể sẽ không tăng, thậm chí nhiều ngành có thể thấp hơn nhiều so với mọi năm nhưng doanh nghiệp vẫn sẽ có kế hoạch hỗ trợ người lao động.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả