24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'Thuế tối thiểu toàn cầu không hạn chế vốn FDI vào Việt Nam'

Các chuyên gia cho rằng ưu đãi thuế không phải động lực chính để các công ty đa quốc gia quyết định đầu tư, đồng thời Việt Nam có thể đưa ra giải pháp để bù đắp.

Từ đầu năm nay, Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax - GMT. Thuế suất áp dụng là 15%, với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Một số nhà đầu tư đã lo ngại việc áp dụng chế độ thuế này có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI, bởi điều này hạn chế khả năng Việt Nam đưa ra các ưu đãi thuế để thu hút nhà đầu tư.

"Tuy nhiên, chúng tôi không lo ngại vấn đề này", ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường tại VinaCapital, đánh giá.

Theo chuyên gia này, ưu đãi thuế không phải là động lực chính để các công ty đa quốc gia quyết định đầu tư vào một quốc gia đang phát triển. Nghiên cứu của World Bank và các đơn vị khác chỉ ra rằng, các công ty đa quốc gia cân nhắc nhiều yếu tố như chi phí, chất lượng nhân công, chất lượng hạ tầng, độ mở của môi trường kinh doanh khi quyết định đầu tư. Ở các nước phát triển, các yếu tố trên là gần như tương đồng, nên thuế trở thành yếu tố quan trọng hơn, khác với khi họ cân nhắc đầu tư ở các nước đang phát triển.

Ngoài ra, Việt Nam có thể đưa ra các giải pháp khác để hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ khoản thuế mà các công ty đa quốc gia phải trả khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu đề xuất "Quỹ Hỗ trợ Đầu tư" (Investment Support Fund – ISF) để hoàn thuế cho một số công ty, thông qua việc hỗ trợ chi phí đào tạo nhân viên, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), hoặc chi phí lãi vay.

Theo ước tính của VinaCapital, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến hơn 100 công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam và có thể mang về thêm 600 triệu USD tiền thuế, tương đương 4% lợi nhuận của công ty FDI tại Việt Nam. Một số đơn vị, như Samsung, trả khoảng 5% thuế trên doanh thu tại Việt Nam trước khi bắt buộc mức thuế tối thiểu 15%.

Thông tin về ISF vừa được công bố vài ngày gần đây. "Chúng tôi mong đợi có thêm nhiều chi tiết được chia sẻ hơn. Các quốc gia cạnh tranh thu hút FDI trong khu vực chắc chắn cũng sẽ có những biện pháp tương tự, khiến mặt bằng thuế giống như trước khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu", Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định.

'Thuế tối thiểu toàn cầu không hạn chế vốn FDI vào Việt Nam'
Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội vừa được khánh thành cuối 2022. Ảnh: Lưu Quý

Ông Hoàng Thùy Dương, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho biết thêm, nhiều nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao hoặc xe điện, năng lượng xanh đang rất quan tâm tới hỗ trợ khác của Chính phủ để khuyến khích đầu tư. Kể cả những doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, họ cũng đang trông đợi những chính sách ưu đãi mới.

"Khi việc áp dụng ưu đãi bằng thuế dựa trên thu nhập có thể không còn giá trị, Việt Nam nên chuyển sang hỗ trợ bằng chi phí, như chi phí đầu tư, thuê lao động, đất đai hoặc chi phí nghiên cứu, phát triển", Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận xét. Với các dự án mới, Việt Nam có thể hỗ trợ các khoản chi phí liên quan đến đầu tư tài sản cố định. Còn với những doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, những hỗ trợ về chi phí lao động, chi phí nghiên cứu, phát triển sẽ hữu ích hơn.

Việc xây dựng các chính sách, theo lãnh đạo KPMG Việt Nam, cũng phải tính tới khuyến khích cả nhà đầu tư mới và hiện hữu. Đồng thời, theo ông, cũng cần chọn lọc các đối tượng trong chiến lược phát triển dài hạn như công nghệ cao, xe điện... "Chính sách này là 'lá phiếu quan trọng' để nhóm đại bàng FDI đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam", ông Dương cho biết.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Chính sách thuế (Tổng cục thuế) trong một hội thảo năm ngoái dẫn khảo sát doanh nghiệp cho thấy chỉ có 28% doanh nghiệp quan tâm về ưu đãi thuế.

"Ưu đãi về thuế tại nhiều nước phát triển được xem là lạc hậu. Xu hướng hiện nay là chuyển sang ưu đãi từ thu nhập sang chi phí", ông Huy nói.

Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Chính sách thuế, nếu Việt Nam không áp dụng, vẫn phải chấp nhận quyền thu thuế của nước mẹ của công ty đang đầu tư tại Việt Nam. Vì thế, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Việc thu thuế tối thiểu toàn cầu giúp Việt Nam tăng nguồn thu ngân sách, tránh chuyển giá chuyển lợi nhuận cũng như không để mất các quyền thu thuế về tay các nước khác.

Theo thống kê của Tổng cục thuế, khoảng 120 doanh nghiệp có doanh thu trên 750 triệu USD đang hoạt động tại Việt Nam, dự kiến bị ảnh hưởng nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả