Thực hư nhiều cây xăng TP.HCM 'găm' hàng
Nhiều cây xăng trên địa bàn TP.HCM hiện tại treo bảng hết hàng hoặc chỉ bán tối đa 30.000 hay 50.000 đồng/xe khiến người dân hoang mang.
Người dân TP.HCM hoang mang vì không thể đổ xăng
Cụ thể, ngày 8/10, nhiều người dân di chuyển trên địa bàn quận Bình Tân cho biết không thể đổ xăng do các cửa hàng treo bảng “hết xăng”.
Đi làm về tối 8/10, vợ chồng anh Nguyễn Anh Vũ tìm cây xăng để đổ chuẩn bị cho ca làm sáng hôm sau. Tuy nhiên, khi đến cây xăng trên đường Hương Lộ 2 gần nhà, anh Vũ chỉ nhận được cái xua tay và lắc đầu của nhân viên cây xăng vì “hết hàng”.
“Tôi đã đi hết quận Bình Tân nhưng không cây xăng nào chịu bán. Họ để bán hết xăng và có cây còn đóng cửa nghỉ sớm dù mới hơn 7h tối. Mãi đến vòng xoay An Lạc, tôi mới tìm được cây xăng hiếm hoi nhưng phải đợi rất lâu, cũng gần cả tiếng đồng hồ vì người xếp hàng chờ đổ xăng rất đông, trong khi cây xăng chỉ chịu bán 50.000 đồng/xe”, anh Vũ bức xúc.
Chung tình trạng với anh Vũ, anh Phạm Xuân Hồng phải dắt bộ xe suốt quãng đường dài sau khi đi qua gần chục cây xăng mà không thể đổ, dù nhiều cây xăng vẫn sáng đèn, các trụ bơm vẫn có người.
Khảo sát thực tế từ PV tạp chí Nhadautu.vn, ngày 8/10, hầu hết cây xăng trên địa bàn quận Bình Tân, quận 6 không bán xăng cho khách. Nhiều cửa hàng treo bảng hết hàng, trong khi một số cửa hàng khác chỉ bán dầu DO.
Đơn cử như cây xăng của Công ty CP Vật tư - Xăng dầu (COMECO) trên đường Kinh Dương Vương (Q.6). Từ tối 7/10 đến cả ngày 8/10, dù vẫn mở cửa, các trụ bơm vẫn sáng đèn nhưng mọi người dân vào đổ xăng đều bị nhân viên nơi đây xua tay ra hiệu và thông báo hết xăng.
Nhân viên cho biết cửa hàng hết xăng và chưa biết đến khi nào mới có hàng trở lại, hiện cây xăng này chỉ bán dầu DO. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với những cây xăng thuộc cùng hệ thống COMECO trên địa bàn quận Tân Bình.
Doanh nghiệp xăng dầu "kêu cứu"
Tình trạng "hết hàng", "không có xăng để bán" thực tế đã diễn ra trong 3 ngày gần đây tại TP.HCM. Không chỉ ở COMECO, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng đâu trên địa bàn thành phố cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Hôm 6/10, tập thể 36 chủ doanh nghiệp, thương nhân tại TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đãcó văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ liên quan đến những bất cập trong kinh doanh xăng dầu.
Đơn kiến nghị của tập thể 35 doanh nghiệp xăng dầu. Ảnh: Kinhtedothi
Theo văn bản này, tập thể doanh nghiệp cho rằng, việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu là cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực xăng dầu. Tuy nhiên, không phải làm theo tư duy luôn kìm hãm giá theo kiểu muốn người dân xài hàng giá thấp hơn giá thị trường là không phù hợp với tình hình hiện nay.
"Chúng tôi thấy, với quan điểm đè giá, chẳng hạn như giá xăng dầu theo thị trường là 20.000 đồng nhưng muốn điều hành giá còn 19.000 đồng; giá thị trường 50.000 đồng thì muốn đè xuống còn 49.000 đồng và lấy đó làm thành tích quản lý thì chúng tôi cho rằng việc bất ổn sẽ còn kéo dài", văn bản nêu rõ.
Các doanh nghiệp cho rằng quan điểm này dẫn đến việc không tính đúng tính đủ chi phí trong giá cơ sở, khiến doanh nghiệp bán lẻ phải chịu tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra.
"Nếu tiếp tục điều hành đi trái lại với quy luật giá trị, cung cầu thì sẽ phải trả giá bằng sự bất ổn", văn bản có đoạn viết.
Theo các doanh nghiệp, việc áp chiết khấu 0% đối với quản lý giá xăng dầu là bất cập và khiến doanh nghiệp điêu đứng, khó có thể bán hàng.
Việc không quy định rõ ràng doanh nghiệp bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức, dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu là điều không thể chấp nhận được và là nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn.
Theo ý kiến từ các doanh nghiệp, Liên bộ điều hành xăng dầu (Bộ Công Thương - Bộ Tài chính - PV) cần lắng nghe phản ánh từ các doanh nghiệp xăng dầu đồng thời có sự liên kết và có chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.
Trong buổi làm việc với Sở Công thương TP.HCM mới đây, đại diện COMECO cho biết, các cây xăng trực thuộc hệ thống này thiếu hàng bán cho người dân là bởi, doanh nghiệp này lấy hàng từ hai doanh nghiệp đầu mối.
"Có một doanh nghiệp chưa vận chuyển hàng từ miền Trung về TP.HCM kịp do ảnh hưởng của bão Noru", đại diện COMECO khẳng định.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, việc thiếu hụt xăng ở một số cửa hàng trên địa bàn thành phố là thiếu hụt cục bộ, chỉ tạm ngưng cung cấp dịch vụ trong thời gian ngắn và hiện TP.HCM tương đối ổn về nguồn cung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận