menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Yi Long Ma

Thủ tướng: Tăng xuất khẩu gạo nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

Tận dụng thời cơ giá gạo lên cao để tăng xuất khẩu, nâng thu nhập người dân, nhưng Thủ tướng yêu cầu "đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống".

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay ký Chỉ thị 24 về đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.

Chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ đưa ra trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo tăng cao do Ấn Độ, Nga, UAE cấm xuất khẩu. Tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này trong nước lên cao bất hợp lý.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng các bộ, địa phương rà soát quy hoạch, vùng trồng, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa một năm.

Bộ này cùng Bộ Công Thương, các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực, thế giới; tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. "Cần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống", Chỉ thị của Thủ tướng nêu.

Thủ tướng: Tăng xuất khẩu gạo nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

Thu hoạch lúa tại Hậu Giang. Ảnh: Lý Anh Lam

Các bộ đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam và khuyến cáo địa phương, doanh nghiệp, hộ trồng lúa tuân thủ quy định chất lượng lúa, gạo của Việt Nam và nước nhập khẩu.

Để đảm bảo an ninh lương thực, tận dụng cơ hội xuất khẩu và tránh đầu cơ, trục lợi, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ trưởng các bộ: Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngoại giao kiểm tra, giám sát kinh doanh xuất khẩu gạo. Các bộ theo dõi thị trường thương mại gạo thế giới, động thái các nước sản xuất, xuất khẩu để chủ động điều tiết sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết dự kiến năm 2023, cả nước gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, sản lượng đạt trên 43 triệu tấn (tương đương hơn 20 triệu tấn gạo).

Đến đầu tháng 8, các địa phương đã thu hoạch hơn 24 triệu tấn lúa. Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa thu hoạch sẽ đảm bảo nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng trên 15 triệu tấn (tương đương 7-7,5 triệu tấn gạo).

Cũng tại Chỉ thị hôm nay, Bộ Công Thương được giao sớm hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 về kinh doanh, xuất khẩu gạo. Trong đó, cần quy định chặt chẽ, khả thi về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, chất lượng lúa, gạo xuất khẩu. Các thương nhân phải liên kết với người trồng lúa trong xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo.

Bộ này cùng các cơ quan đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại gạo phù hợp tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo Việt Nam; khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các FTA để chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chủ động các biện pháp bình ổn giá, hỗ trợ người sản xuất lúa, xuất khẩu gạo và các thương nhân.

Bộ Tài chính tính toán, cân đối việc dự trữ gạo, "dứt khoát không được để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh". Các địa phương giám sát sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến 27/7, giá thóc nội địa tăng 368-441 đồng một kg so với tháng 6. Giá gạo các loại cũng đắt thêm 850-940 đồng một kg. So với cùng kỳ năm 2022, giá thóc tăng 1.300-1.900 đồng; còn gạo tăng 2.400-3.400 đồng một kg.

"Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước", Thủ tướng nêu quan điểm.

Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu; tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, giao, nhận và thanh toán các lô hàng để tránh bị lừa đảo.

Sau tuyên bố cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới tăng liên tục trong hai tuần qua, cao nhất gần 660 USD một tấn với gạo 5% tấm. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, thu về gần 2,6 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu truyền thống chủ yếu ở châu Á là 3,3 triệu tấn (chiếm hơn 77%), tăng gần 36% so cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường tăng trưởng vượt bậc như EU chiếm 2% tổng sản lượng nhưng đạt hơn 84.000 tấn, tăng 28% so cùng kỳ năm trước.

Anh Minh

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

18.85

-0.16 (-0.83%)

Biểu đồ mã Rice
19 Yêu thích
2 Bình luận 65 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại