Thủ tướng: Ga T3 Tân Sơn Nhất phải đúng tiến độ, không đội vốn
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu quá trình triển khai dự án nhà ga tổng đầu tư gần 11.000 tỷ đồng phải hoàn thành năm 2024 và "dứt khoát không đội vốn" bất hợp lý.
Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại lễ khởi công dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, chiều 24/12. Dự án có nguồn vốn từ Tổng công ty hàng không (ACV), công suất 20 triệu khách mỗi năm.
Để hoàn tất thủ tục khởi công dự án, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải, Quốc phòng cùng UBND TP HCM và các bên liên quan phối hợp tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên đây mới là bước đầu, quá trình thực hiện có thể khó khăn, thách thức, nên bộ ngành và địa phương phải cập nhật giải quyết, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. "Nếu vướng mắc lớn, Chính phủ sẽ đồng hành tháo gỡ, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng", Thủ tướng nói và yêu cầu quá trình triển khai tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết những năm qua, nhiều nguồn lực được Trung ương đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông quốc gia, bao gồm lĩnh vực hàng không, song chưa đáp ứng nhu cầu dẫn đến quá tải như ở Tân Sơn Nhất. Do vậy, ga T3 khi hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc cho sân bay, tăng khả năng phục vụ khách. Nhà ga này cùng với sân bay Long Thành ở Đồng Nai khi khai thác góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Do công trình hiện chưa hoàn tất bàn giao mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, TP HCM cùng Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm giải quyết thủ tục liên quan để giao đất quốc phòng. Ông nói để làm dự án ga T3 cùng tuyến đường nối ảnh hưởng nhiều hộ dân, tổ chức, nên ngoài việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cần tái định cư cho người dân tốt hơn hoặc bằng nơi cũ.
Trước đó, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV (chủ đầu tư), nói sân bay Tân Sơn Nhất hiện có hai nhà ga, phục vụ khách quốc tế và nội địa. Trong đó, ga quốc nội sau nhiều lần cải tạo, mở rộng có công suất 15 triệu khách mỗi năm, nhưng hiện quá tải đến 1,7 lần trước lượng khách bình quân qua nơi này 26 triệu người mỗi năm.
"Với tốc độ phát triển bình quân 14,5% mỗi năm, đến 2024 nhà ga dự kiến sẽ quá tải gấp hơn hai lần công suất thiết kế", ông Thanh nói và cho biết ga T3 khi xây dựng hoàn thành, ngoài nâng công suất khai thác của sân bay sẽ góp phần giảm ùn tắc cho khu vực.
Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: ACV
Dự án ga T3 được Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư hai năm trước, nhằm nâng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm, cùng với hai nhà ga T1 và T2 hiện hữu. Công trình trước đó dự tính khởi công năm 2021, song chưa triển khai do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giao đất quốc phòng, đổi mục đích sử dụng đất...
Nhà ga T3 gồm ba hạng mục chính, gồm: ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn. Trong đó, ga hành khách gồm một tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên diện tích 112.500 m2. Nhà ga được thiết kế thành hai phần đi - đến riêng biệt, bên trong có 90 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động, 42 kiosk check in, 27 cửa ra máy bay, 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến... Riêng hạng mục nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không là tổ hợp gồm hai tầng hầm, 4 tầng nổi, cùng khối nhà để xe máy ba tầng, xây trên tổng diện tích 130.000 m2.
Nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, nơi làm hầm chui thuộc dự án. Ảnh: Gia Minh
Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu quá trình xây dựng, các đơn vị phải bám sát tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác tháng 9/2024 để kết nối ga T3 Tân Sơn Nhất. Đồng thời, dự án triển khai đặt ra nhiệm vụ lớn với chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, với mục tiêu tiếp nhận toàn bộ đất quốc phòng trước ngày 15/2/2023.
"Quá trình thực hiện dự án có nhiều hộ dân, tổ chức quân đội bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công vì lợi ích chung", ông Cường nói và mong tiếp tục nhận sự chia sẻ, ủng hộ, đồng thuận của người dân, các đơn vị liên quan để dự án được đẩy nhanh tiến độ.
Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư) Nguyễn Vĩnh Ninh cho biết để thực hiện dự án thành phố đã thu hồi đất của 68 hộ dân, một tổ chức cùng 16 đơn vị quân đội với tổng diện tích đất quốc phòng hơn 12 ha. Hiện, các thủ tục bàn giao, tiếp nhận mặt bằng được các bên tập trung triển khai sớm hoàn tất, phục vụ dự án.
Hướng tuyến đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà; hầm chui triển khai chiều nay nằm phía đường Trường Sơn. Đồ hoạ: Tuấn Việt
Dự án Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà dài hơn 4 km, nằm ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, điểm đầu ở nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại đoạn giao các đường C12 - Cộng Hoà - Trường Chinh. Tuyến có đường chính rộng 25-48 m, 6 làn xe, vận tốc 50 km/h, cùng hai đường nhánh quy mô 3-4 làn. Trên tuyến có một cầu cạn dài gần một km, 4 làn xe, ở trước ga T3 của sân bay. Ngoài ra, dự án làm hai hầm chui ở các nút giao, mỗi hầm cho 2 làn xe.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận