Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư đường sắt Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Chiều 24/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực đường sắt, năng lượng Trung Quốc, nhân dự hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc ngày 24-27/6.
Theo kế hoạch tới 2030, Việt Nam có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển lớn, đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tổng vốn cho kế hoạch phát triển các dự án hạ tầng giao thông khoảng 84,5 tỷ USD.
Tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Phó chủ tịch Công ty TNHH Đầu máy và toa xe Đại Liên (CRRC), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay xây dựng và phát triển đường sắt là vấn đề cấp bách, quan trọng giai đoạn hiện nay. Việt Nam có trên 2.000 km đường sắt, với hơn 300 nhà ga nhưng những năm qua khai thác chưa hiệu quả.
"Bối cảnh hiện nay, Việt Nam nhìn nhận khác và sẽ ưu tiên đầu tư đường sắt thời gian tới, do có thể thay thế nhiều loại hình vận tải khác với giá thành rẻ, phù hợp", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, đồng thời đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Cuối năm ngoái, Việt Nam - Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong đó hai bên nhất trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới; tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Đồng Đăng - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Đây là hệ thống hạ tầng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại hai nước. Ngoài ra, Việt Nam dự kiến tiếp tục phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM.
Phó chủ tịch CRRC Tôn Vinh Khôn cho biết doanh nghiệp này muốn hợp tác cùng phía Việt Nam trong sản xuất, chuyển giao công nghệ chế tạo đầu máy, toa xe phục vụ khai thác vận tải. Đây cũng là tiền đề hợp tác cho dự án đường sắt tốc độ cao sau này.
"CRRC sẵn sàng hợp tác, đầu tư và cung cấp giải pháp công nghệ cho các dự án xây dựng đường sắt ở Việt Nam", ông Tôn Vinh Khôn nói. Theo ông, công ty này muốn thúc đẩy 3 tuyến đường sắt phía Bắc, tham gia các giải pháp mang tính hệ thống cho Hà Nội, TP HCM để phát triển hệ thống đường sắt đô thị hiện đại.
Ở khía cạnh này, Thủ tướng lưu ý tinh thần đầu tư "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" và tầm nhìn dài hạn để tránh tình trạng "vừa làm xong đã quá tải".
CRCC hiện là doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho tuyến đường sắt Trung Lào, đang vận hành tốt và tuyến đường sắt ven biển của Malaysia. Việt Nam có thể áp dụng giải pháp công nghệ tương tự, theo Phó chủ tịch CRCC.
PowerChina cũng muốn tham gia xây dựng các dự án đường sắt đô thị, các dự án thủy điện tích năng, LNG hay điện gió tại miền Bắc Việt Nam. Tập đoàn này hiện là một trong hai doanh nghiệp Trung Quốc có kinh nghiệm xây dựng đường sắt ở thị trường nước ngoài.
Với đề xuất của PowerChina, Thủ tướng đề nghị tập đoàn phối hợp với Bộ Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư, địa phương để đề xuất các dự án cụ thể và báo cáo Chính phủ.
Sau 24 năm đầu tư tại Việt Nam, PowerChina góp mặt tại nhiều dự án lớn như thủy điện Lai Châu, Sơn La, Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải Vĩnh Tân. Tập đoàn này cũng đầu tư hơn 20 dự án điện mặt trời (tổng công suất 2.681 MW), 25 dự án điện gió (ngoài khơi và trên bờ)...
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Đại Liên hôm nay, dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và làm việc tại Trung Quốc ngày 24-27/6, theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
Sự kiện năm nay có chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới" với sự tham dự của 1.600 đại biểu, nhằm tìm kiếm hướng đi cho các động lực tăng trưởng, ngành công nghiệp mới trước bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy mọi ngành nghề kinh tế phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận