Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng/tháng
Năm 2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân của lao động nam đạt 8,1 triệu đồng và nữ 6 triệu đồng.
Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,9% so với năm 2022.
Theo đó, thu nhập bình quân của lao động nam đạt 8,1 triệu đồng và nữ 6 triệu đồng. Riêng quý 4 năm 2023, đời sống lao động cải thiện khi thu nhập bình quân đạt 7,3 triệu đồng mỗi tháng, tăng 180.000 đồng so với quý 3 năm 2023.
Tốc độ tăng thu nhập đạt 2,5%, gần gấp đôi so với 1,4% quý 4 năm 2022 - thời điểm đại dịch vừa chấm dứt. Lý do là những tháng cuối năm, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh, đơn hàng cải thiện đẩy mức thu nhập của người lao động cao hơn so với trước.
Theo Vietnam+, cũng theo Tổng cục Thống kê, so với quý trước và cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động trong quý 4 năm 2023 tăng lên ở tất cả các vùng kinh tế-xã hội của cả nước; trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng cao nhất.
Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng quý 4 năm 2023 là 8,7 triệu đồng, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập của người lao động tại một số tỉnh trong vùng này ghi nhận tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: lao động tại tỉnh Thái Bình thu nhập bình quân là 7,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 11,9%; tại Hà Nam là 7,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,7%; tại Nam Định là 7,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,4%; tại Hải Phòng là 8,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,4%.
Theo Quân đội Nhân dân, Đông Nam Bộ là khu vực ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập thấp nhất, khoảng 2,3%, đạt 9 triệu đồng/người/tháng. So với năm 2022, mức tăng thu nhập lao động một số tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp, chế xuất, khá thấp, như: Đồng Nai 8,9 triệu đồng (tăng 1,6%); Tp.Hồ Chí Minh 9,4 triệu đồng (tăng 1,9%). Ngược lại, một số địa phương lại có mức tăng trưởng khá, như Bình Dương 9,5 triệu đồng (tăng 6,4%); Vũng Tàu 8,7 triệu đồng (tăng 12,8%).
Dù ghi nhận thu nhập tăng chậm so với các vùng khác, song vùng Đông Nam Bộ không còn dẫn đầu về tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Riêng tỉ lệ thất nghiệp tại Tp.Hồ Chí Minh giảm còn 2,91% do nhiều doanh nghiệp tìm kiếm lại đơn hàng, mở rộng sản xuất, nên có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động. Thành phố đồng thời tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm trực tiếp lẫn trực tuyến để kết nối lao động và doanh nghiệp.
Các địa phương tăng kết nối giao dịch việc làm giúp cải thiện số lao động có việc làm, đạt 51,3 triệu người, tăng 130.000 người so với quý 3 năm 2023. Tính chung cả năm 2023, lao động có việc làm ước đạt 51,3 triệu người, tăng 683.000 người so với năm 2022.
Số người nghỉ giãn việc, mất việc những tháng cuối năm tiếp tục giảm so với quý 3 năm 2023; trong đó, lao động mất việc còn 85.000 người, giảm gần 33.000 người; người nghỉ giãn việc còn 77.800 người, giảm hơn 187.000 người so với quý 3 năm 2023.
Theo nhiều chuyên gia, để thị trường lao động, việc làm ổn định và phát triển bền vững, cần nhìn nhận những tồn tại, thách thức thấu đáo để có phương án giải quyết căn cơ. Thậm chí, trong những kết quả đã đạt được cũng vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức.
Ví dụ, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý 4 năm 2023 là 27,6%, tương đương cả nước vẫn còn 38,0 triệu lao động chưa qua đào tạo. Đây là thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Lũy kế hết năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 14,1 triệu người, chiếm 27,0% lực lượng lao động - con số này được đánh giá là rất thấp.
Về chất lượng, cung lao động còn nhiều hạn chế. Có tới 38 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Trên “nền” trình độ thấp, lao động khu vực phi chính thức chiếm tỉ trọng lớn (3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước).
Quý 4/2023, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi lên tới 7,63%. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,20%, cao hơn 3,91 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Trao đổi với báo Lao Động về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) nhận định, bức tranh thị trường lao động trong thời gian tới có những gam màu sáng. Tuy nhiên, sau giai đoạn trì trệ, thị trường lao động đã hình thành những phân khúc mới, kỹ năng mới. Do đó, để hỗ trợ nhóm lao động bị mất việc trở lại thị trường làm việc, rất cần có nhóm giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng để chuyển dịch cơ cấu việc làm, đảm bảo họ có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc mới.
Chung quan điểm, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho rằng, để hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, cần ban hành dự án cụ thể. Trong các dự án cụ thể, xác định từng nhóm đối tượng, mục tiêu, giải pháp, đặc biệt vấn đề tài chính để thực hiện có hiệu quả các dự án.
Theo ông Trung, trong bối cảnh hiện nay cần có những dự án hỗ trợ người lao động từ khu công nghiệp về quê; dự án phát triển lĩnh vực, ngành nghề mới; Dự án nâng cao hỗ trợ trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện hỗ trợ thông tin thị trường lao động; Dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp nhận nhóm đối tượng quay trở lại làm việc...
Bên cạnh đó, cần có nhóm dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, nâng cao bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; Dự án cho nhóm người đã có nghề, chỉ cần đi vào đào tạo thực chất bồi dưỡng chứ không cần văn bằng, chứng chỉ; Nhóm dự án cho người nghỉ việc lâu ngày cho người quay trở lại thị trường lao động; Nhóm hỗ trợ cho lao động phi chính thức…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận