Thu hút nguồn lực "vàng" từ kiều hối
Nguồn lực kiều hối không chỉ góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định tỉ giá mà còn đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội
Chiều 22-5, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM phối hợp tổ chức hội thảo góp ý xây dựng "Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP HCM".
Trung tâm kiều hối của cả nước
Theo Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới thực hiện, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Trong khoảng 20 năm qua, dòng kiều hối đổ về Việt Nam không ngừng gia tăng, tạo nguồn ngoại tệ quan trọng cho các tổ chức tín dụng để cân đối vốn cho vay ngoại tệ, góp phần ổn định tỉ giá.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ - Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhận định nguồn lực kiều hồi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Kiều hối giúp cải thiện cán cân thanh toán, cán cân vãng lai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng, thúc đẩy thị trường tài chính.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh với khoảng 5,3 triệu người và 83% trong đó ở các nước phát triển. Lượng kiều hối về Việt Nam thường xuyên đạt trên 10 tỉ USD/năm kể từ năm 2010 đến nay. "Trước dịch COVID-19, lượng kiều hối chuyển về nước đạt hơn 17 tỉ USD/năm, sau đó giảm sút do ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng đã phục hồi về mức 18 tỉ USD vào năm 2022" - ông Nguyễn Hoài Anh thông tin.
TP HCM là trung tâm thu hút kiều hối lớn nhất nước. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho thấy tổng lượng kiều hối chuyển về thành phố qua hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trực tiếp nhận, chi trả ngoại tệ giai đoạn 2012-2022 ước đạt 56 tỉ USD. Riêng giai đoạn 2020-2022, kiều hối về TP HCM đạt trung bình 6-7 tỉ USD/năm.
Năm 2023, dự kiến kiều hối đổ về TP HCM tăng 2% so với năm 2022, đạt khoảng 7,1 tỉ USD. Mức tăng trưởng kiều hối hiện tại được đánh giá là khá khiêm tốn so với nguồn lực của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong khi đó, nhu cầu ra nước ngoài lao động, làm việc của người Việt ngày càng tăng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc xây dựng "Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP HCM" là cần thiết để thúc đẩy nguồn lực "vàng" chảy về nhiều hơn.
Định hướng dòng chảy kiều hối
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các công ty kiều hối, ngân hàng thương mại... đều cho rằng cần có giải pháp tạo thuận lợi để thu hút kiều hối chảy vào đầu tư, kinh doanh, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản.
Trước đây, người Việt ở nước ngoài thường gửi tiền về cho người thân để hỗ trợ trang trải chi phí sinh hoạt, mua sắm đồ dùng gia đình nhưng vài năm nay, kiều hối có xu hướng chảy vào đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Đây là cơ hội để TP HCM cũng như cả nước hướng dòng kiều hối vào những khu vực có thể tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Bùi Việt Khôi, Tham tán Khoa học và Công nghệ - Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, cho biết hiện có khoảng 350.000 người Úc gốc Việt sinh sống và làm việc ở đây. Phần lớn trong số này có trình độ cao, là trí thức làm việc tại các trường đại học, doanh nghiệp lớn. Do đó, nguồn lực từ kiều bào Úc là rất lớn và có thể huy động gửi về quê hương để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. "Nhiều kiều bào Úc muốn sở hữu bất động sản tại quê nhà hoặc đầu tư vào các dự án bất động sản ở Việt Nam. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý nghiên cứu chính sách thu hút nguồn lực kiều bào ở các nước phát triển, trong đó có Úc" - ông Bùi Việt Khôi bày tỏ.
Theo bà Tạ Thị Thanh Thúy, Trưởng Ban Quản lý người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, người Việt tại nước này có nhu cầu tiết kiệm rất cao nên lượng kiều hối chuyển về nước không nhỏ. Để TP HCM và cả nước có thể thu hút nguồn lực kiều hối từ Hàn Quốc, cần chính sách cởi mở, thông thoáng hơn trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là thị trường bất động sản luôn được cộng đồng kiều bào quan tâm.
Để tăng nguồn lực kiều hối chảy về Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, cần hỗ trợ, tạo điều kiện để gia tăng lực lượng xuất khẩu lao động trong những lĩnh vực chất lượng cao như y tế, công nghệ thông tin... TS Lê Thị Thanh Nhàn, chuyên gia tài chính ở Úc, phân tích: Khi ra nước ngoài, người Việt chỉ thua người Ấn Độ về ngoại ngữ (tiếng Anh), còn kỹ năng không thua người lao động nước nào. Nếu được đào tạo tiếng Anh bài bản từ khi còn nhỏ hay lúc còn học trên ghế nhà trường thì sẽ có lợi thế rất lớn khi đi lao động ở nước ngoài.
"Cần khuyến khích chuyển kiều hối vào chi tiêu hộ gia đình, tiết kiệm, đầu tư và chuyển tiền về thông qua tài khoản ngân hàng" - TS Lê Thị Thanh Nhàn góp ý thêm.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng để tiếp tục mở rộng và thu hút nguồn kiều hối gửi về TP HCM, cần phát huy tốt ưu thế của thành phố với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục hàng đầu cả nước. TP HCM cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, có biện pháp thu hút nguồn kiều hối chuyển về phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, công nghệ, kinh tế xanh...
"Cần hoàn thiện chính sách và phát triển hiệu quả hệ thống mạng lưới cung ứng dịch vụ kiều hối trên địa bàn TP HCM, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thanh toán, chi trả kiều hối nhanh chóng, kịp thời, an toàn và hiệu quả" - ông Nguyễn Đức Lệnh lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường