Thu 2 ăn lãi 1, buôn nước sạch cực lãi, về hết tay tư nhân
Viwasupco từ khi về tay tư nhân hoạt động hiệu quả hơn, đường ống ít vỡ nhưng sự cố nước bẩn nguy hiểm chưa từng có khiến cả triệu người lo sợ. Với tỷ suất lợi nhuận cao, DN cần đầu tư nhiều hơn cho sự an toàn của người dân.
Lợi nhuận cao hiếm có
CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà - Viwasupco (VCW) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Cổ phiếu tiếp tục tăng giá bất chấp thông tin từ sự cố nước nhiễm dầu thải bẩn.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 của Nước sạch Sông Đà tăng 28% so với cùng kỳ lên hơn 72,4 tỷ đồng, tương đương mức tăng tuyệt đối là hơn 15,8 tỷ đồng.
Giải thích lý do lợi nhuận tăng mạnh, Viwasupco cho biết, là do nhu cầu khách hàng sử dụng nước tăng cao, dẫn đến sản lượng nước của công ty tăng gần 19% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, là do chi phí khấu hao giảm hơn 9 tỷ đồng, chi phí lãi vay cũng giảm.
Như vậy, có thể thấy với xu hướng như này, lợi nhuận của Viwasupco thời gian tới sẽ còn tăng mạnh khi mà khấu hao tiếp tục giảm và chi phí lãi vay giảm theo đà trả nợ của doanh nghiệp.
Nước sạch Sông Đà giải trình về lợi nhuận tăng mạnh trong quý 3/2019.
Ở mức hiện tại, tỷ suất lợi nhuận của Nước sạch Sông Đà đã rất cao.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2019, tổng doanh thu bán hàng của Nước sạch Sông Đà là gần 138 tỷ đồng, nhưng giá vốn bán hàng chỉ có 55,2 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với lợi nhuận gộp lên tới 82,6 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận là 60%.
Sau khi trừ đi chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, Viwasupco còn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 76,3 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần đạt 55,3%.
Nếu chỉ tính lợi nhuận sau thuế thì tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu trong quý 3/2019 của VCW cũng đạt hơn 52% - một con số hiếm thấy đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán (năm 2018 con số này là 47%).
Đây là con số đáng mơ nước bởi hầu hết các tập đoàn lớn trên TTCK Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu trong năm 2018 thấp hơn rất nhiều, như: Petrolimex (2,1%), Masan (14%), Vingroup (5%), Vietnam Airlines (2,7%), FPT (13,7%), Thế Giới Di Dộng (3,3%),...
Với vị thế là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội (gồm ba quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông), Viwasupco có lợi thế rất lớn bởi đường nước mặt Sông Đà được đánh giá là tốt, dễ khai thác hơn so với nhiều sông khác, trong khi khu vực cung cấp là những nơi đông người, nhu cầu gia tăng liên tục.
Tỷ suất lợi nhuận của Nước sạch Sông Đà thuộc dạng hiếm có trên thị trường chứng khoán.
Trong năm 2018, Nước sạch Sông Đà đã cung cấp 91 triệu mét khối nước với 90% cho ba khách hàng chính là CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) - một công ty con của Vinaconex, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco) và Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông.
Sức khỏe của triệu người, cần một sự đảm bảo
Lợi thế của Nước sạch Sông Đà thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp này cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp nước sạch khác ở phía Nam như Cấp nước Thủ Đức (TDW), Nhà Bè, Đồng Nai, Gia Định,...
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của Cấp nước Thủ Đức trong năm 2018 đạt 19,2%, chỉ bằng 40% so với Nước sạch Sông Đà. Nước Đồng Nai có tỷ suất lợi nhuận là 12,6%...
Lịch sử Nước sạch Sông Đà lại là doanh nghiệp mang nhiều tai tiếng. Trước kia, dưới thời Vinaconex, Nước sạch Sông Đà liên tiếp xảy ra sự cố khi hàng chục lần đường ống bị vỡ, làm gián đoạn cung cấp nước. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố vụ án. Nay nhà nước thoái vốn, các tập đoàn tư nhân nắm giữ, Nước sạch Sông Đà lại rơi vào bê bối nước sạch nhiễm dầu thải.
Nguồn nước Sông Đà bị nhiễm dầu thải.
Đây là sự cố hi hữu nhưng gióng lên một hồi chuông cảnh báo các công ty nước sạch trên phạm vi cả nước nói chung và Nước sạch Sông Đà nói riêng về việc bảo vệ nguồn nước bởi đây là một loại hàng hóa đặc biệt liên quan tới sức khỏe của hàng triệu dân.
Sau sự cố nước sạch thành nước bẩn, chia sẻ với báo Lao Động, đại diện Nước sạch Sông Đà cho biết đã tăng số lần nhà máy lấy mẫu xét nghiệm từ một tháng một lần lên hàng ngày, phân loại nước loại A, B, C rồi công khai gửi đi về Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng của thành phố.
Nước sạch Sông Đà cũng có kế hoạch tăng cường kiểm soát chất lượng nước từ đầu nguồn, lắp khoảng 20-30 trạm quan trắc, cảnh báo từ xa 5-6 lớp từ đầu nguồn đến nhà máy. Sau đó nhà máy lại có một quy trình chặt chẽ kiểm soát đến tận hồ dưới trung tâm Đại Mỗ, An Khánh một trạm nữa trước khi về đến nhà dân.
Sự cố nước nhiễm dầu thải khiến người dân thiếu nước sạch trầm trọng trong 1 tuần.
Những chi phí đầu tư cho sự an toàn nguồn nước là cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho người dân cũng như cho chính uy tín của doanh nghiệp. Lợi nhuận là quan trọng đối với cổ đông, nhưng trách nhiệm với xã hội mới là cái cốt yếu đối với bất cứ doanh nhân nào.
Việc cổ phần hóa là cần thiết để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, nhưng sau sự việc này có lẽ các cơ quan quản lý cũng cần cân nhắc hoặc có các biện pháp giám sát và chế tài hợp lý.
Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg được ban hành vào ngày 17/8/2017, Nhà nước sẽ thoái vốn tại 57 doanh nghiệp ngành nước trên toàn quốc. Nhiều doanh nghiệp đã được thoái vốn, nhưng Tổng công ty cấp nước Sài Gòn - Sawaco (có quy mô gấp 9 lần Nước sạch Sông Đà) vẫn thuộc Nhà nước sở hữu. Theo lộ trình, UBND TP.HCM sẽ thoái vốn tại Sawaco xuống dưới 50%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận