Thông tư 68/2024/TT-BTC sẽ kích hoạt “cuộc đua” tăng vốn mới giữa các công ty chứng khoán
Với việc Thông tư 68/2024/TT-BTC bỏ yêu cầu có tiền trong tài khoản (pre-funding) đối với cá nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, áp lực gia tăng vốn đối với các công ty chứng khoán sẽ tăng lên nhằm phục vụ nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn.
Sáng hôm nay 1/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chính thức công bố thông tin về Thông tư 68/2024/TT-BTC do Bộ Tài chính vừa ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 2/11/2024.
The đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ được đặt lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền. Công ty chứng khoán thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhóm nhà đầu tư này để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu theo thỏa thuận giữa 2 bên.
Về bảo đảm thanh toán, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh mua cổ phiếu phải có đủ tiền trên tài khoản trước thời điểm thành viên lưu ký phải chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của thành viên lưu ký tại ngân hàng thanh toán.
Nếu thiếu nếu tiền thanh toán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ chuyển nghĩa vụ thanh toán này thành nghĩa vụ của công ty chứng khoán. Vì vậy, công ty chứng khoán phải bảo đảm đủ tiền để thanh toán cho giao dịch theo quy định nếu không sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật và quy chế của Tổng công ty lưu ký.
Thông tư 68/2024/TT-BTC cũng quy định rõ, công ty chứng khoán được chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán hoặc bán thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán đối với số cổ phiếu đã chuyển về tài khoản tự doanh của mình cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu theo quy định.
Để bảo đảm an toàn thanh toán cho hoạt động thanh toán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, thông tư cũng quy định hạn mức nhận lệnh mua cổ phiếu bằng tổng các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền nhưng không vượt quá hiệu số giữa 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán và dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán…
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, Thông tư 68/2024/TT-BTC có 03 tác động tiềm ẩn đến từ việc chấp thuận đặt lệnh không cần đủ tiền đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, gồm (1) thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn khi các quy định của Việt Nam tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế; (2) kỳ vọng gia tăng dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam; và (3) cải thiện thanh khoản thị trường.
Trong đó, ngành chứng khoán sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ Thông tư 68/2024/TT-BTC nhờ tiềm năng gia tăng phục vụ nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, giúp gia tăng thu nhập từ mảng môi giới.
Việc gia tăng dòng vốn nước ngoài được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán nói riêng.
Theo đánh giá sơ bộ của Chứng khoán VNDirect, để thu hút các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các công ty chứng khoán sẽ cạnh tranh dựa trên: 1) phí giao dịch; 2) tỷ lệ cấp vốn trước (vốn tự có/tổng giá trị mua); 3) tổng giá trị vốn được ứng trước; và 4) chất lượng dịch vụ (thông tin và báo cáo).
Đối với yếu tố phí giao dịch, mặc dù các công ty chứng khoán có thể cung cấp vốn cho các khách hàng tổ chức nước ngoài, nhưng các khách hàng tổ chức nước ngoài vẫn sẽ chỉ bị tính phí giao dịch.
Đối với yếu tố ỷ lệ cấp vốn trước, khả năng cung cấp mức tỷ lệ cấp vốn trước thấp hơn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh. Yếu tố tổng giá trị vốn được ứng trước sẽ phụ thuộc vào vốn chủ sở hữu của công ty vì các công ty chứng khoán có cơ cấu vốn chủ sở hữu lớn hơn sẽ mang lại lợi thế rõ rệt.
Chứng khoán VNDirect đánh giá, yếu tố tổng giá trị vốn được ứng trước sẽ làm tăng áp lực buộc các công ty chứng khoán phải tăng vốn chủ sở hữu, do quy định giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là không quá 05 lần.
Tựu chung lại, các công ty chứng khoán quy mô lớn với phí giao dịch thấp và tỷ lệ cấp vốn trước cạnh tranh sẽ được hưởng lợi khi thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, Chứng khoán VNDirect nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận