Thống đốc: Ưu tiên đảm bảo thu nhập thực tế của người dân khi lạm phát cao
Thừa nhận đang chịu áp lực "ba bề, bốn bên" nhưng Thống đốc nói sẽ ưu tiên đảm bảo thu nhập thực tế của người lao động khi lạm phát cao.
Thông điệp này được bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - chia sẻ tại hội nghị phát triển thị trường lao động và cuộc họp với Phó chủ tịch Quốc hội gần đây.
Trong bối cảnh thế giới và trong nước 6 tháng đầu năm nay có nhiều áp lực, bà Hồng cho rằng điều hành của Ngân hàng Nhà nước đạt được kết quả tốt. Dù vậy, thời gian tới, những khó khăn với việc điều hành chính sách tiền tệ đã hiện rõ.
Áp lực với Ngân hàng Nhà nước hiện đến từ nhiều phía và theo Thống đốc là "áp lực ba bề bốn bên". Người dân gửi tiền mong lãi suất đầu vào cao còn doanh nghiệp mong giảm lãi suất đầu ra. Doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn lại mong tháo gỡ tín dụng, các lĩnh vực sản xuất cũng mong dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhận định tác động vòng hai của lạm phát đã thấy rõ qua chỉ số giá tiêu dùng tháng 7. Tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam cũng khá cao so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, theo bà Hồng, nếu giảm lãi suất hoặc giữ mặt bằng lãi suất ổn định trong khi lãi suất thế giới cao thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch về nơi lãi suất cao. Khi đó sẽ áp lực đến tỷ giá, tiền đồng có thể mất giá...
Trong bối cảnh hiện nay, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nói rằng việc bảo đảm thu nhập thực tế của người dân rất quan trọng. "Chúng tôi cho rằng, lạm phát cao chính là một loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập của người lao động, làm ảnh hưởng đến đời sống của họ", bà nói.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại hội nghị ngày 20/8. Ảnh: Quỳnh Trang
Khó khăn trên thị trường lao động trong bối cảnh lạm phát cao, theo bà Hồng, đang là mối quan tâm của nhiều ngân hàng trung ương không riêng tại Việt Nam. Các nước đều đánh giá nhu cầu tăng lương cho người lao động trong bối cảnh lạm phát cao sẽ là một khó khăn không nhỏ.
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Dư nợ tín dụng tính đến ngày 15/8 tăng 9,62%, tuy chưa đáp ứng hết nhu cầu nhưng cũng đã đóng góp cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ tái cấp vốn cho doanh nghiệp để trả lương, giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua thời điểm khó khăn.
Vừa qua, hai công ty tài chính đã cam kết dành khoảng 20.000 tỷ đồng cho công nhân trong các khu công nghiệp vay tiêu dùng. Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bên để triển khai, nếu làm được sẽ tiến hành nhân rộng hình thức cho vay này.
Quỳnh Trang
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận