Thống đốc: Cho vay bất động sản tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng nền kinh tế
Cho vay bất động sản tới cuối tháng 9 là 3,15 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm ngoái và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng nền kinh tế, theo Thống đốc.
Số liệu trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu khi giải trình trước Quốc hội về báo cáo giám sát thị trường bất động sản, chiều 28/10.
Bà Hồng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng bất động sản đến cuối tháng 9 là 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Mức này tăng khoảng 9,15% so với cuối năm ngoái, cao hơn 0,15% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (9%).
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, lãi suất vay bất động sản cao. Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu thực tế phần lớn các doanh nghiệp bất động sản nhỏ và vừa gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng do thiếu tài sản đảm bảo, các ngân hàng kiểm soát rủi ro cho vay. Bà cho hay có thời điểm lãi suất cho vay tăng vọt, lên 12-14% một năm.
Hệ luỵ được ông Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ ra là doanh nghiệp bất động sản khó có thể giảm giá nhà, vì "đã phải vay cao để triển khai dự án".
Giải trình, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay vốn cho vay các dự án bất động sản thường dài hạn, trong khi huy động của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn. Về phía các ngân hàng, họ phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, thu hồi vốn để chi trả cho người gửi tiền. Do đó, ngay cả khi dự án khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng đành từ chối vì "thời hạn vay dài hoặc cần ưu tiên cho các khoản cấp bách hơn", bà nói.
Thực tế, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 3% so với đầu năm 2022. Bà Hồng nói đây là nỗ lực từ phía các tổ chức tín dụng. "Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các nhà băng đơn giản thủ tục, tiết kiệm để có nguồn lực hạ lãi suất", bà chia sẻ, thêm rằng khi doanh nghiệp, người dân khó khăn, các tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực để giảm lãi, thuế lên tới 60.000 tỷ đồng.
Thống đốc cũng cho rằng tín dụng ngân hàng chỉ là một kênh được huy động cho thị trường này (bên cạnh đó còn các kênh khác như thị trường chứng khoán, trái phiếu...).
Ở khía cạnh này, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh nói đã tới lúc nên để các ngân hàng tập trung vào hỗ trợ người đi vay, thay vì doanh nghiệp. Bởi theo ông, lâu nay cái gì cũng giao cho ngân hàng, nhưng họ phải làm chức năng của tổ chức tín dụng. Tức là, các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, hệ thống.
"Không thể bắt ngân hàng đi huy động vốn bình thường để cho vay ưu đãi hoặc lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn", ông nói.
Nhiều địa phương và doanh nghiệp phản ánh, điều kiện vay vốn từ gói tín dụng tương tự với các dự án kinh doanh thương mại khác. Việc UBND cấp tỉnh phải công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn tăng thêm thủ tục không cần thiết.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích, vừa qua, ngân sách hạn hẹp nên các ngân hàng đã huy động nguồn lực từ người dân để hình thành gói tín dụng cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Hiện quy mô gói này tăng lên 145.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay giảm 1,5-2% một năm với chủ đầu tư trong 3 năm, người vay 5 năm.
"Sau dịch Covid-19, lao động thu nhập thấp rất khó khăn, nhu cầu vay vốn chưa cao. Tới đây khi khó khăn bớt đi, nhu cầu vay sẽ tăng lên", bà nói.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề xuất cần có thêm nguồn lực của ngân sách tham gia gói tín dụng này, bên cạnh nguồn lực của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần khảo sát nhu cầu sở hữu hay thuê nhà của người dân nhiều hơn, để có giải pháp căn cơ, phù hợp với phân khúc nhà ở xã hội.
Ở điểm này, đoàn giám sát của Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu chương trình tín dụng phù hợp, trong đó Nhà nước hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để chủ đầu tư, người mua nhà vay trong thời gian nhất định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận