Thời kỳ bong bóng AI đã đến?
Đã 4 thập niên trôi qua kể từ khi làn sóng máy tính cá nhân bùng nổ vào thập niên 1980, lợi nhuận hàng năm từ cổ phiếu chỉ cao hơn một chút so với 5 thập niên trước đó. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang có tác động tương tự. Mặc dù nó sẽ tạo ra một số gã khổng lồ công nghệ, nhưng tác động tích cực của nó lên tổng thể thị trường chứng khoán sẽ nhỏ hơn nhiều so với dự đoán.
AI tạo ra những sự thay đổi lớn
Trong những năm qua, AI đã chuyển mình từ ý tưởng hư cấu vào thị trường thực tế, thúc đẩy cả lòng tham lẫn nỗi sợ hãi. Trong khi một số công ty, chẳng hạn như Nvidia và Microsoft (với khoản đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI), đã gia tăng hàng trăm tỷ USD vốn hóa thị trường thì các nhà biên kịch và diễn viên Hollywood lại đình công, đòi hỏi những quy tắc mới cho các nội dung do AI tạo ra.
Tôi vừa tin tưởng vừa nghi ngờ về những thay đổi mang tính cách mạng trên thị trường, vì bản thân tôi đã chứng kiến những biến động lớn diễn ra trong cả cuộc sống cá nhân và danh mục đầu tư của mình. Sau sự xuất hiện của máy tính cá nhân vào thập niên 1980, bong bóng dot-com và cuộc cách mạng Internet vào thập niên 1990 và tiếp theo là điện thoại thông minh và mạng xã hội đã tác động đến nhiều lĩnh vực kinh doanh. Chúng đã thay đổi căn bản cuộc sống của chúng ta, cách chúng ta làm việc và tương tác.
AI có tiềm năng mang lại những thay đổi mạnh mẽ tương tự. Vợ tôi, một giáo viên tiểu học, đã phải đối mặt với tình trạng học sinh sử dụng ChatGPT của OpenAI để hoàn thành bài tập về nhà và các công ty đang nỗ lực tích hợp AI vào hoạt động của họ. Tuy nhiên, nhiệm vụ của các nhà đầu tư là tách biệt sự cường điệu khỏi thực tế. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc xem xét lại những phát triển lớn về công nghệ và thị trường trong 4 thập niên qua.
Sự thay đổi lớn đầu tiên là sự chuyển dịch sang máy tính cá nhân trong thập niên 1980, trùng hợp với một thập niên có mức sinh lợi cao trên thị trường chứng khoán, giống như bong bóng dot-com sau đó. Thị trường sau đó đi ngang vào cuối thế kỷ này - khiến đây là một trong những thập niên tồi tệ nhất trong lịch sử thị trường - trước khi tăng trưởng tốt trở lại vào những năm 2010, khi Big Tech là kẻ chiến thắng. Tuy nhiên, trong 4 thập niên thay đổi triệt để này (1980 - 2022), lợi nhuận hàng năm của cổ phiếu chỉ cao hơn một chút so với 5 thập niên trước đó.
Tôi tin rằng AI sẽ có tác động tương tự như vậy. Tác động tích cực của nó đối với thị trường nhìn chung sẽ nhỏ đến mức đáng ngạc nhiên. Lý do là sẽ chỉ có một vài công ty thành công lớn, nhưng sẽ có rất nhiều kẻ ăn theo, người thua cuộc và những người buộc phải đầu tư vào công nghệ mới chỉ để theo kịp. Đây cũng chính là điều đã xảy ra với mỗi cuộc cách mạng công nghệ trong 4 thập niên qua. Chúng ta đã thấy điều tương tự diễn ra trong lĩnh vực phần mềm, thương mại điện tử, điện thoại thông minh và mạng xã hội…
Đáng chú ý là những người dẫn đầu trước tiên trong các lĩnh vực này thường thất bại. Trong làn sóng cường điệu hóa hiện tại, hầu như mọi công ty đều đang cố gắng khoác lên mình tấm áo AI, giống như mọi công ty trong thập niên 1990 đều mong muốn trở thành một công ty dot-com và giống như nhiều công ty trong thập niên qua tự nhận là các nền tảng "hướng đến người dùng". Theo góc nhìn đầu tư, việc tách biệt những thứ tốt đẹp với những thứ tầm thường sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn trong những năm tới, nhưng đó là một phần của quá trình học hỏi.
Công nghệ thay đổi nhanh chóng khiến nhiều công ty dù trước kia rất thành công giờ cũng thất bại. Các nhà đầu tư vào những công ty này không chỉ mất tiền khi công ty thua lỗ, mà còn có xu hướng đổ thêm tiền vì nghĩ giá của công ty đang “rẻ”. Ví dụ, các nhà đầu tư vào cửa hàng bán lẻ truyền thống đã thiệt hại nặng vì sự xuất hiện của thương mại điện tử, tương tự như các nhà đầu tư vào báo chí và quảng cáo truyền thống cũng gặp khó khăn vì quảng cáo online.
Nếu AI thực sự tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, nhiều ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là tư vấn và ngân hàng. Bất kỳ công việc nào thường chỉ cần đưa ra lời khuyên theo công thức, máy móc đều có nguy cơ bị máy móc thay thế. Tuy nhiên, mốc thời gian cho những thay đổi này vẫn chưa rõ ràng. Do đó, ngay cả khi tin rằng AI sẽ làm đảo lộn cách thức hoạt động của doanh nghiệp và cá nhân thì vẫn không có con đường đầu tư nào là an toàn để kiếm tiền từ niềm tin này.
Trong giai đoạn bùng nổ, AI thường bị thổi phồng quá mức thành giải pháp cho mọi vấn đề, bất kể thực tế hay tưởng tượng. Nó được dùng để "thổi giá" các công ty liên quan đến AI, thường là không có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào để hỗ trợ mức định giá đó. Những người bán với giá cao này có thể lập luận rằng tiềm năng của AI còn quá nhiều bất định để đưa ra con số cụ thể. Nhưng nếu bạn đang trả giá cao cho "hiệu ứng AI" của một công ty thì tốt nhất bạn nên cố gắng đánh giá nó. Với phán đoán tốt (và dữ liệu), bạn vẫn có thể phác thảo ra các kịch bản về cách AI có thể ảnh hưởng đến dòng tiền, tăng trưởng, rủi ro và cuối cùng là giá trị của công ty trong tương lai.
Khi đưa ra những ước tính như vậy, việc xem xét một công ty hoạt động trong phân khúc nào của hệ sinh thái AI sẽ hữu ích. Một yếu tố quan trọng là phần cứng và cơ sở hạ tầng. Mọi thay đổi lớn trong vài thập niên qua đều mang đến những yêu cầu mới về phần cứng, cơ sở hạ tầng và AI cũng không ngoại lệ. Nvidia đạt được thành công trong lĩnh vực AI nhờ nhu cầu tăng cao đối với chip máy tính được tối ưu hóa cho AI. Vì thị trường đó được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh chóng nên Nvidia sẽ có doanh thu và thu nhập cao hơn.
Sau đó là phần mềm. Bản thân phần cứng AI có rất ít giá trị nếu không đi kèm với mã code có thể tận dụng sức mạnh tính toán mà nó mang lại. Phần mềm AI có thể có nhiều dạng, từ nền tảng AI và chatbot riêng biệt cho đến các mô hình nền tảng cơ bản (chẳng hạn như thuật toán học sâu hỗ trợ nhận dạng hình ảnh, giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên). Mặc dù có ít cấu trúc hơn và nhiều sự không chắc chắn hơn trong lĩnh vực này, nhưng nó có khả năng và có lợi thế lớn hơn nhiều so với phần cứng.
Một phần khác của hệ sinh thái là dữ liệu - thứ mà AI yêu cầu ở quy mô khổng lồ. Sẽ có một số doanh nghiệp tạo ra giá trị lớn hơn từ việc thu thập và xử lý dữ liệu dành riêng cho ứng dụng AI. Dữ liệu lớn, vốn được sử dụng nhiều như một từ thông dụng hơn là một đề xuất kinh doanh trong thập niên qua, cuối cùng cũng có thể tìm được vị trí của mình trong chuỗi giá trị. Nhưng con đường này sẽ phi tuyến tính và không thể đoán trước được.
Cuối cùng là lĩnh vực ứng dụng AI rộng lớn, phù hợp với tất cả các công ty. Các công ty sẽ là người tiêu dùng AI hơn là nhà cung cấp. Lời chào hàng từ các nhà quảng bá AI là nó sẽ giảm chi phí (chủ yếu bằng cách thay thế sức lao động của con người) và tăng hiệu quả, do đó thúc đẩy lợi nhuận. Nhưng ngay cả khi người ta thừa nhận tuyên bố đầu tiên (mặc dù tự động hóa bằng AI sẽ không hiệu quả và giảm chi phí như lời hứa hẹn) thì người ta vẫn khá nghi ngờ về tuyên bố thứ hai. Xét cho cùng, nếu mọi công ty đều sử dụng AI để giảm chi phí và tăng hiệu quả thì sẽ không có công ty nào tốt hơn trên cơ sở tương đối. Kết quả có thể xảy ra nhất là giá sản phẩm và dịch vụ của họ thấp hơn chứ không phải lợi nhuận cao hơn.
Do đó, nếu AI thực sự mang lại hiệu quả như hứa hẹn, nó sẽ thực sự khiến các công ty có ít lợi nhuận hơn. Nếu công việc của bạn là mang lại lợi nhuận vượt mức, bạn có thể nhanh chóng đạt được lợi thế bằng cách triển khai AI để phát hiện các mẫu trong dữ liệu mà con người không thể nhận ra. Nhưng chẳng bao lâu nữa, những công cụ tương tự sẽ có sẵn cho mọi nhà đầu tư và lợi thế của bạn sẽ không còn nữa.
Câu hỏi cuối cùng liên quan đến tác động xã hội của AI. Nó sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn hay khó khăn hơn? Nó sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn - ví dụ, công bằng hơn và bền vững hơn - hay tồi tệ hơn? Một số người ủng hộ AI hứa hẹn về một điều không tưởng, nơi các thuật toán và robot sẽ loại bỏ sự vất vả và mệt nhọc, đồng thời mang lại cái nhìn khách quan cho việc phân tích dữ liệu. Những người khác cho rằng AI sẽ là một công cụ toàn năng mà nhờ đó các công ty lớn và chính phủ sẽ kiểm soát tư tưởng và có được quyền lực lớn hơn. Tôi tin rằng cả 2 đều đúng, AI sẽ là sự bổ sung tích cực cho một số ngành nghề và khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, đồng thời nó cũng sẽ tạo ra những hậu quả bất lợi không lường trước được.
Đối với ý tưởng rằng AI có thể được kiểm soát và chỉ phục vụ những động cơ cao cả thông qua các hạn chế hoặc quy định về chính sách, tôi không lạc quan. Bất kỳ luật nào nhằm hạn chế sự dư thừa của AI gần như chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả không lường trước được, một số trong đó có thể còn tồi tệ hơn cả vấn đề lẽ ra phải được giải quyết. Sau khi chứng kiến các cơ quan quản lý và lập pháp xử lý hậu quả của sự bùng nổ mạng xã hội tồi tệ như thế nào, tôi nghi ngờ rằng họ sẽ không biết bắt đầu từ đâu với AI.
Mặc dù phải thừa nhận rằng quan điểm của tôi là bi quan, nhưng tôi tin rằng nó thực tế. Giống như mạng xã hội, chúng ta, với tư cách là người tiêu dùng, sẽ cố gắng vạch ra ranh giới để phân biệt cái tốt với cái xấu. Chúng ta có thể không thành công nhưng không ai khác sẽ làm điều đó thay chúng ta.
Giới thiệu về tác giả Aswath Damodaran
Aswath Damodaran là một chuyên gia tài chính nổi tiếng thế giới. Ông hiện đang là giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York.
Nguồn: Business Today
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận