Thiếu khung pháp lý, lừa đảo tiền ảo lại 'nóng'
Khi giá bitcoin liên tục phá đỉnh, thị trường tiền số sôi động trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất những tháng cuối năm 2024. Thời điểm này, cũng là lúc các hội nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản kỹ thuật số hoạt động nhộn nhịp trở lại trên các mạng xã hội.
Hàng tỷ USD chảy vào bitcoin
Theo các thống kê gần đây, người Việt Nam luôn nằm trong top đầu các quốc gia có người dân sở hữu tiền số cao nhất thế giới. Vì vậy, "cơn lên đồng" của tiền ảo trên thế giới khiến nhiều nhà đầu tư Việt Nam cũng "đứng ngồi không yên".
Thống kê của cổng thanh toán tiền điện tử Tripple-A công bố cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai với tỷ lệ 21,2% dân số sở hữu tiền số, sau UAE (34,4%), cao hơn Mỹ ở vị trí thứ ba (15,6%).
Bên cạnh sức hút từ bitcoin và các loại tiền ảo khác, các vụ lừa đảo đầu tư tài chính và tiền ảo đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Riêng trong tháng 11 bitcoin đã tăng tới gần 40%, từ mức dưới 75.000 USD. Hiện tại đang giao dịch quanh mốc 97.000 - 98.000 USD.
Chị Mai Hương - một nhà đầu tư, chia sẻ: Mới đây, khi thấy có người rao cần mua 2.000 pi trên mang xã hội, chị đã liên hệ và được người mua đề nghị chuyển trước 300.000 đồng để đặt cọc, nói là sẽ thanh toán hết khi nhận đủ pi. Đối tượng cũng gửi đầy đủ căn cước công dân và hộ chiếu khớp với tài khoản ngân hàng để tạo tin tưởng. Tuy nhiên, ngay sau khi anh Hương gửi pi, không thể liên lạc với người này, thậm chí tài khoản mạng xã hội cũng bị xoá.
Trường hợp của chị Mai Linh (Hà Nội) may mắn hơn khi kịp phát hiện ra đối tượng lừa đảo. Cụ thể, đầu tháng 11/2024, khi giá bitcoin liên tục tăng, chị rút tiền từ chứng khoán để chuyển sang đầu tư bitcoin. Liên lạc với một tài khoản trên mạng xã hội, chị nhắn tin ngỏ ý gặp mặt trực tiếp để trao đổi, các đối tượng ngay lập tức lấy lý do để từ chối và đề nghị gửi tiền cọc, sau đó gửi link để chị Linh giao dịch trên đó. Tuy nhiên, do thận trọng, chị đã không click vào đường link này. "Về sau tôi mới biết, chỉ cần click vào link, thì toàn bộ số tiền trong tài khoản sẽ biến mất", chị cho biết.
Tripple-A cho biết tỷ lệ sở hữu tiền số ở UAE cao xuất phát từ chính sách thân thiện của chính phủ với công nghệ mới. Trong khi đó, Việt Nam không cho phép giao dịch hàng hóa bằng tiền số, còn việc sở hữu tiền số vẫn trong "vùng xám", khiến đây trở thành tài sản hấp dẫn.
Tại Việt Nam hiện nay tiền ảo vẫn chưa được công nhận, do đó chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng việc đầu tư tiền ảo càng trở nên rủi ro, nhà đầu tư tiền ảo không được bảo vệ bởi bất kỳ một cơ quan thực thi pháp luật nào. Hiện nay, đa phần các đồng tiền ảo đang được giao dịch tại các sàn ngoại hối, các sàn này có trụ sở ở nước ngoài và không có đại diện tại Việt Nam, do đó, nếu xảy ra rủi ro thì nhà đầu tư hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.
Đó là chưa kể việc nếu giao dịch qua các sàn có tính chất lừa đảo thì nhà đầu tư đã "đụng" phải tội phạm lừa đảo quốc tế. Thời gian qua, rất nhiều người Việt đã bị lừa đảo qua các sàn forex, sàn tiền ảo, đây là bài học mà nhà đầu tư cần cảnh giác.
Ông Khánh cũng cảnh báo, không chỉ đối mặt với lừa đảo quốc tế, mà với tính ẩn danh cao người đầu tư tiền ảo còn có thể bị giăng bẫy lừa đảo bởi ngay những người xung quanh. "Do tính ẩn danh trên những sàn tiền ảo nên có thể chính những người đàng hoàng ngoài kia lại là những người xấu trên mạng, có khi người lừa mình lại là người bạn đang ngồi cạnh mình", vị chuyên gia ví von.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra đã đánh sập nhiều đường dây lừa đảo liên quan đến tiền ảo như GCA Coin,HRX, Cashback pro (CBP)… Trong đó có những đường dây lừa đảo lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Cần hành lang pháp lý cho tiền số
Việt Nam là một trong 3 quốc gia có cộng đồng sở hữu tiền số đông đảo nhất thế giới, song tiền số vẫn đang trong "vùng xám pháp lý".
Ngày 30/11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Một trong những nội dung của Dự thảo được nhiều đại biểu quan tâm là tài sản số.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) dẫn chứng các báo cáo nghiên cứu thống kê đều cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người có sở hữu tài sản số, hàng năm có khoảng 120 tỷ USD là tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam.
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, nếu không có khuôn khổ pháp lý cho hình thức sở hữu này thì sẽ bỏ qua một mảng rất quan trọng của kinh tế số. Do vậy, cần thiết quy định về tài sản số trong dự án Luật này.
Cụ thể, cần có sự phân loại cụ thể tài sản số để có những phương án quản lý khác nhau như phân loại tài sản số thành tiền mã hoá, tài sản số đại diện, tài sản ảo trong hệ sinh thái kỹ thuật số… Pháp luật các nước cũng đã có những quy định phân loại cụ thể để có những hình thức quản lý tài sản số phù hợp.
Trước đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt vấn đề rằng, tiền bitcoin trên toàn thế giới giá trị gần 3.000 tỷ USD và trên thực tế nước ta vẫn có giao dịch bitcoin nhưng tại sao không đưa vào quản lý?
Dự báo của giới phân tích tiền ảo nói chung và bitcoin nói riêng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Do đó, việc ban hành khung khổ pháp lý cho tài sản số, cho các giao dịch liên quan tới tài sản số là điều Việt Nam cần cân nhắc và nhanh chóng thúc đẩy.
Ở góc nhìn thuế, phí, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, dù không có khung pháp lý liên quan đến tài sản số nhưng các giao dịch về tài sản số vẫn diễn ra thông qua sàn giao dịch nước ngoài và cá nhân. Do đó, cần thiết phải có khung pháp lý liên quan đến tài sản số để thực hiện việc thu các sắc thuế như là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, khi ngày càng có nhiều người qua tâm đến việc sở hữu và đầu tư vào tài sản mã hóa cần có hành lang pháp lý sẽ tránh được tình trạng một số sàn giao dịch huy động tiền của nhà đầu tư rồi sập, khiến nhà đầu tư mất trắng như thời gian vừa qua. Đồng thời, khi có chính sách quản lý thì thay vì chảy vào nền kinh tế ngầm, dòng tiền đầu tư vào tiền ảo sẽ trở thành động lực tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Hiện nay tại Việt Nam tiền ảo có khung pháp lý quản lý và được hiểu gồm 2 dạng
- Tiền kỹ thuật số là tiền được mã hóa từ những bí số, không phụ thuộc hay bị điều khiển bởi bất kỳ ai hay bất kỳ Nhà nước nào trên thế giới, được tạo ra bằng cách "đào" và sử dụng các mật mã để lưu trữ giao dịch, sử dụng công nghệ blockchain để quản lý, ví dụ như: Bitcoin, Binance coin (BNB), Pi Network, Ethereum (ETH), USDT…
- Tiền ảo do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng thuật toán (không phải do Ngân hàng nhà nước phát hành), được thừa nhận sử dụng trong cộng đồng nhất định. Hiểu đơn giản gồm: xu Shopee, đồng tốt (Chợ tốt), xu Lazada, xu trong các game, coin trong game…, dùng để đổi thưởng, thanh toán dịch vụ trong ứng dụng, trò chơi.
Như vậy, hiện nay chỉ có tiền điện tử có sự bảo đảm từ Nhà nước, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, còn tiền kỹ thuật số, tiền ảo không được bảo đảm như vậy, thậm chí hoàn toàn không được bảo đảm từ bất kỳ tổ chức nào. Việt Nam đang xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tiền ảo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường