Thiếu điện, cắt điện… sao EVN không “xài” điện gió, điện mặt trời?
Điện gió, điện mặt trời chiếm 30% công suất hệ thống điện, phát hơn 15% sản lượng điện, nhưng Việt Nam, nhất là miền Bắc, vẫn có nguy cơ thiếu điện vào mùa nắng nóng.
Trước nguy cơ thiếu điện đã được báo động, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo "nóng", yêu cầu bằng mọi cách không để thiếu điện. Tuy nhiên, đến nay thương thảo hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo vẫn đang bế tắc...
Chưa thống nhất được giá
Từ đầu 2023 đến nay, EVN liên tục có các văn bản báo cáo về “tình trạng nguy cấp về cung ứng điện” gửi Bộ Công Thương cảnh báo hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh trong các tháng 5, tháng 6 với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 1.600 - 4.900 MW.
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) gần 20.700 MW đến cuối năm 2021, chiếm gần 30% tổng công suất đặt nguồn điện. 4 tháng đầu năm, loại năng lượng này được huy động gần 13,2 tỷ kWh, chiếm 15,4% lượng điện sản xuất toàn hệ thống. 70% số này là nguồn từ điện mặt trời và 30% từ điện gió.
Tỷ trọng công suất và huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã cao hơn nhiều trước đây, nhưng Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nhất là vào cao điểm nắng nóng.
Thông tin trên Báo Thanh Niên, ngày 26/4, EVN đã có công văn gửi Công ty Mua bán điện của EVN (EPTC) đề nghị chỉ đàm phán với những dự án có giá đề xuất tạm dưới 50% và không hồi tố. Theo đó, giá tạm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất là 592,45 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi là 754,13 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền là 793,56 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển là 907,97 đồng/kWh.
EVN yêu cầu EPTC khẩn trương đàm phán, thống nhất mức giá tạm thời cho đến khi hai bên thoả thuận được mức giá điện chính thức, không thực hiện hồi tố, ký biên bản, ký tắt dự thảo hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện hiện hữu.
Tuy nhiên, với mức giá EVN đưa ra, các nhà đầu tư không đồng tình vì như vậy doanh thu không thể đủ dòng tiền chi trả chi phí vận hành tuabin cho nhà cung cấp, và lãi vay phát sinh. Mặt khác, nếu EVN không có cơ chế hồi tố, chưa tính tới các chi phí vận hành ngoài thiết bị tuabin (như trạm biến áp, móng tuabin…), theo các nhà đầu tư, khi chấp nhận giá phát tạm dẫn đến sẽ phải chấp nhận lỗ chi phí vận hành, lỗ chi phí khấu hao, đồng thời phải tìm kiếm nguồn vốn khác bù dòng tiền hao hụt và không thể trả nợ gốc cho ngân hàng.
Liên quan đến khung giá EVN đưa ra, vào cuối tháng 4 vừa qua, 23 nhà đầu tư thuộc các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp (đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được vận hành thương mại) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị một số chính sách và đề xuất các giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế đàm phán giá phát điện tái tạo chuyển tiếp.
Trong văn bản kiến nghị, các nhà đầu tư cho rằng, hiện mới chỉ có 28/85 nhà đầu tư điện tái tạo chuyển tiếp nộp hồ sơ cho EVN để đàm phán giá mua bán điện. Tuy nhiên, nhiều hồ sơ nộp chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán hoặc tiến độ đàm phán còn rất chậm do còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở để tính toán giá điện và đàm phán.
Trong khi, EVN cũng đã báo cáo các vướng mắc trong đàm phán giá điện gửi Bộ Công Thương. Trong đó, có vướng mắc về thời hạn hợp đồng, phương pháp xác định giá đàm phán (phương pháp xác định các thông số đầu vào và nguyên tắc xác định giá điện) dẫn đến việc chưa có cơ sở để hoàn thành công tác đàm phán giá điện. Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn chưa hướng dẫn cụ thể.
Vì vậy, các nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền làm cơ sở pháp lý cho EVN và chủ đầu tư đàm phán. Các nhà đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN cho phép huy động tạm thời với các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán giá phát điện (chính thức).
Các dự án năng lượng tái tạo xử lý ra sao?
Liên quan đến việc EVN cho biết có nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới và một số nơi bị mất điện do gặp sự cố vì nắng nóng kéo dài, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra vào ngày 18/5 vừa qua, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Điều tiết điện lực cho biết, trong thời kỳ nắng nóng và mùa khô hàng năm, việc đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Hiện các hồ thuỷ điện trong tình trạng thiếu nước, nhiều hồ đã về đến mực nước chết, gây khó khăn trong vận hành và cung ứng điện. Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp để đảm bảo việc cung ứng điện cũng như đảm bảo cung cấp than, khí cho sản xuất điện.
Theo ông Hòa, mới đây, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với các tập đoàn, tổng công ty để đảm bảo cung ứng cho phát điện. Theo đó, Bộ yêu cầu EVN, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc cùng các đơn vị phải huy động mọi nguồn lực để đảm bảo việc phát điện, khẩn trương khắc phục các sự cố của các tổ máy để sớm đưa vào vận hành trở lại. Trong đó, các dự án năng lượng tái tạo cũng được huy động để giảm căng thẳng về cung ứng điện.
Cũng theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, đến ngày 18/5, Bộ Công Thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời được EVN thống nhất giá. Như vậy, các nhà máy này khi đã có giá tạm thời, khi được huy động sẽ được phát điện lên lưới. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp tạm thời trong việc đảm bảo cung ứng điện.
Thông tin trên báo Tiền Phong, theo báo cáo của EVN, tính đến ngày 10/5, đã có 31/85 dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 1.956,8MW đã nộp hồ sơ đàm phán giá điện, trong đó 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN.
Trong đó, 16 nhà đầu tư đã đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán. Cụ thể, có 10 nhà máy điện (tổng công suất 468,75 MW) đề nghị giá tạm tính bằng giá 50% giá trần của khung giá và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai bên ký kết thực hiện. Có 2 nhà máy điện (tổng công suất 104,2 MW) đề nghị mức giá tạm tính bằng 90% giá trần của khung giá và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai bên ký kết và thực hiện.
Cùng đó, 4 nhà máy điện (tổng công suất 410,5 MW), chiếm tỷ lệ 8,7% đề nghị giá tạm tính theo 2 phương án: Giá tạm tính bằng giá 50% giá trần của khung giá và đề nghị thực hiện hồi tố sau khi có giá điện chính thức và giá tạm tính bằng 90% giá trần của khung giá và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm.
Theo EVN, đã có 6 nhà máy điện (tổng công suất 357,5 MW) đã họp và thống nhất mức giá điện tạm thời với tập đoàn bao gồm: Nhà máy điện gió Nam Bình 1, Nhà máy điện gió Viên An, Nhà máy điện gió gió Hưng Hải Gia Lai, Nhà máy điện gió mặt trời Phù Mỹ 1, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 và Nhà máy điện gió Hanbaram. Đặc biệt, ngày 10/5/2023, EVN đã phê duyệt giá tạm thời cho Nhà máy điện gió Nam Bình 1, Viên An…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận