Thị trường xe máy ảm đạm, cuối năm khó “bứt tốc”
Sức mua trên thị trường xe máy đang giảm sâu dù các hãng và đại lý đã giảm giá, hỗ trợ học phí thi bằng lái, hỗ trợ lệ phí trước bạ...
Sức mua giảm sâu
Khảo sát của Vietnam+ đối với thị trường xe máy cho thấy sức mua ''tháng Ngâu" năm nay đã giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp giá xe đang tốt.
Mặc dù đã bước vào năm học mới, nhưng người dân đang thắt chặt chi tiêu, nửa cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9 Dương lịch lại trùng với tháng “Ngâu” và đúng vào thời điểm quy định về biển số định danh có hiệu lực khiến thị trường xe máy trở nên trầm lắng.
Anh Nguyễn Huy Quang, phụ trách Cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda Việt Nam ủy nhiệm (HEAD) Honda Đức Trí, quận Thanh Xuân (Hà Nội) thuộc Liên doanh chiếm đến hơn 80% thị phần xe máy tại Việt Nam cho biết, cùng thời điểm ''tháng Ngâu" năm ngoái, anh vẫn đang tất bật kiểm kê xe tồn kho chuẩn bị cho đợt bán hàng phục vụ sinh viên, học sinh vào năm học mới, nhưng giờ đã khác. Từ đầu tháng 8 đến nay công việc của anh nhàn rỗi hơn so với mọi năm.
Theo anh Huy Quang, lý do là bởi sức mua năm nay đã giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp giá xe đang tốt. “Thị trường bắt đầu đi xuống từ tháng 5 nhưng tới ''tháng Ngâu" thì "xuống dốc mạnh,” anh Huy Quang than thở.
Anh Huy Quang cho biết hiện tại phần lớn các mẫu xe máy tại HEAD đều bán dưới giá niêm yết từ 500.000 đến 1 triệu đồng, thậm chí có nhiều mẫu xe giảm giá mạnh như SH350i giảm tới 20 triệu xuống còn 130 triệu đồng, Winner X giảm từ 15-17 triệu xuống còn từ 29-33 triệu đồng, Vario 160 giảm 8-10 triệu, xuống còn 42-46 triệu đồng. Cá biệt chỉ có mẫu Honda Vision bản thể thao là tăng giá 1-2 triệu đồng do còn ít hàng.
Đây cũng tình trạng chung tại các HEAD xe máy Honda trên địa bàn Hà Nội. Một nhân viên bán hàng của Honda Kường Ngân chia sẻ thông thường thời điểm tháng 8 là giai đoạn nhộn nhịp do sinh viên chuẩn bị nhập học, khiến sức tiêu thụ tăng ở các mẫu xe bình dân như Wave hoặc Blade, nhưng thời điểm này không thấy được điều này.
Không chỉ ở thị trường xe mới, tại các chợ xe cũ sức mua cũng giảm trông thấy, thậm chí giảm mạnh sau ngày biển số định danh có hiệu lực từ 15/8.
Tại chợ xe máy cũ ở phố Chùa Hà và đường Láng (Cầu Giấy, Hà Nội), hình ảnh nhộn nhịp khách tới tìm mua xe đã biến mất.
Anh Nguyễn Đức Quân, chuyên kinh doanh xe máy cũ ở phố Chùa Hà cho biết, khách vắng hẳn sau ngày 15/8, cả tuần chỉ lác đác vài người đến hỏi bán xe. “Trước đây mua xe chỉ cần hợp đồng uỷ quyền, khi có khách mua thì mới tiến hành sang tên. Giờ theo luật mới phải tìm lại chủ xe để làm thủ tục thu hồi biển số mới sang tên được. Điều này khiến khách có nhu cầu mua ngại chờ đợi, hoặc cảm thấy chưa yên tâm nên khó xuống tiền ngay như trước,” anh Đức Quân nói.
Bên cạnh yếu tố định danh biển số, một số chủ cửa hàng xe cũ cho rằng thời điểm này nhiều loại xe máy mới và xe máy điện đang khuyến mại rầm rộ, giảm giá, cũng khiến khách hàng tìm mua xe cũ giảm mạnh.
Không chỉ Honda khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng, Yamaha, Suzuki, Piaggion.... cũng “đua” kích cầu trong tháng "Ngâu" với nhiều mẫu xe. Cụ thể, khách mua Janus, Grande, hay Freego được Yamaha Việt Nam hỗ trợ phí đăng ký xe là 2 triệu đồng hoặc được tặng một tai nghe Apple AirPods 2, khách hàng mua xe côn tay Yamaha Exciter 155 VVA sẽ được hỗ trợ phí đăng ký lên đến 5 triệu đồng.
Với Suzuki, khách hàng mua xe côn tay Satria được hỗ trợ trị giá lên đến 3,5 triệu đồng, mua Raider hoặc Burgman là 3 triệu đồng. Cũng tặng phí trước bạ cho khách, nhưng Piaggio còn áp dụng cho khách mua các mẫu Liberty và Medley, kèm voucher bảo hành xe 5 năm, bảo dưỡng xe một năm...
Thị trường cuối năm có bớt màu xám để bứt phá?
Theo Thanh Niên, thị trường xe máy Việt Nam nửa cuối năm 2023 nhiều biến động với khó khăn không chỉ thấy từ góc nhìn người bán mà còn qua số liệu thực tế.
Motorcycles Data - chuyên trang dữ liệu xe máy toàn cầu nhận định thị trường xe máy Việt Nam được đang bước vào giai đoạn khủng hoảng khi doanh số bán hàng liên tiếp sụt giảm.
Trước đó, khi thời gian bán hàng nửa đầu năm 2023 khép lại, số liệu bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho thấy, tổng doanh số bán xe máy của cả 5 thành viên VAMM gồm Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM đạt 1,224 triệu xe máy các loại, giảm khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ tháng 7/2023 khi thị trường ô tô trong nước có dấu hiệu khởi sắc trở lại, sức mua xe máy được kỳ vọng cũng sẽ tăng trưởng, tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Thị trường xe máy Việt Nam vẫn "trượt dài", doanh số bán hàng thậm chí còn giảm sâu.
Cụ thể, phía VAMM không công bố số liệu bán hàng theo tháng nhưng theo Motorcycles Data trong tháng 7.2023 tổng doanh số bán xe máy tại Việt Nam chỉ đạt 176.729 xe, giảm 28,8%. Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2023, tổng lượng tiêu thụ xe máy mới tại Việt Nam đạt 1,56 triệu xe, giảm tới 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây được xem là mức sụt giảm doanh số lớn nhất trong vòng 4 năm qua, thậm chí còn giảm sâu hơn thời điểm năm 2021 khi thị trường gần như "đóng băng" do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo Motorcycles Data trong số các phân khúc trên thị trường xe máy Việt Nam, dòng xe tay ga có mức giảm lớn nhất, lên đến 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Xe máy số phổ thông cũng giảm 2,7%. Thậm chí, ngay cả phân khúc xe điện cũng đang chật vật khi doanh số xe máy điện loại L1 (tương ứng với loại dưới 50cc) giảm 17,2%.
Tình hình kinh tế khó khăn tác động đến nhiều ngành sản xuất kinh doanh, trong đó có ô tô, xe máy cùng với việc người dân thắt chặt chi tiêu, giá xăng dầu liên tục biến động… là những nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ xe máy mới sụt giảm. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc thiếu những mẫu mã mới để tạo sự chú ý của khách hàng là yếu tố khiến thị trường xe máy vẫn ảm đạm.
Sức mua giảm khiến cả hai "ông lớn" trên thị trường xe máy Việt Nam là Honda, Yamaha cũng không thể tránh khỏi việc sụt giảm doanh số. Theo Motorcycles Data, lượng xe Honda tiêu thụ tại Việt Nam giảm 9,2% trong khi Yamaha giảm 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài việc sức mua giảm, áp lực cạnh tranh từ phía các nhà sản xuất, kinh doanh xe điện trong bối cảnh khách hàng đang có xu hướng chuyển đổi là yếu tố khiến doanh số Honda, Yamaha sụt giảm. Hiện tại, phần lớn sản phẩm của hai thương hiệu này tại Việt Nam vẫn sử dụng động cơ đốt trong chạy bằng xăng.
Đánh giá về cơ hội để thị trường xe máy trở lại con số hơn 3 triệu xe như năm 2022, anh Nguyễn Huy Quang cho rằng sẽ rất khó để thị trường này bứt tốc.
“Thời điểm bán xe tốt nhất là trước năm học mới đã qua mà khách vẫn ít thì rất khó kỳ vọng dịp cuối năm. Kinh tế khó khăn kéo theo việc người dân thắt chặt chi tiêu, mua sắm, giá xăng dầu liên tục biến động…đã tác động không nhỏ tới quyết định mua xe máy mới,” anh Quang chia sẻ với Vietnam+.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường xe máy tại Việt Nam đang đối mặt với một giai đoạn khó khăn và nỗi lo sau khi doanh số bán hàng liên tục giảm bởi tình hình kinh tế khó khăn đã khiến người dân thắt chặt ngân sách, giảm chi tiêu và mua sắm.
Trước tình hình chưa thể khởi sắc, thị trường xe máy cần những biện pháp kích thích tiêu dùng và đổi mới sản phẩm để thu hút người tiêu dùng trở lại. Khả năng phục hồi của thị trường vẫn còn là một câu hỏi mà ngành công nghiệp xe máy đang phải đối mặt.
Trao đổi với báo Người Lao Động, ông Suzuki Yasutaka, Tổng Giám đốc Yamaha Motor Việt Nam, nhìn nhận thị trường xe máy tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn bão hòa từ nhiều năm qua, không còn có cơ hội phát triển. Nhiều hãng như Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM... phải liên tục đưa ra thị trường các mẫu xe mới, trang bị nhiều công nghệ, tăng cường khuyến mãi đối với cả những mẫu vừa ra mắt... song việc tìm kiếm khách hàng vẫn rất khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận