menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vy Lam

Thị trường vắng bóng “cá mập”

Bất chấp sự phát triển về quy mô, hàng hóa nhiều hơn, chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường cận biên, chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Thỉnh thoảng giới đầu tư và quan sát kinh tế lại thấy Bộ Tài chính công bố những con số ấn tượng về thị trường chứng khoán. Mới nhất Bộ này cho biết đến cuối năm ngoái quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán đã lên tới 3,9 triệu tỉ đồng, tương đương 72% tổng sản phẩm trong nước (GDP). So với ngày khai trương sàn TPHCM cách đây đã 19 năm, quả thật giá trị vốn hóa thị trường đã to hơn rất nhiều.

Ấy vậy nhưng trong suốt 19 năm trời đằng đẵng ấy, bất chấp sự phát triển về quy mô, hàng hóa nhiều hơn, chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường cận biên, chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Các công ty chứng khoán đưa ra các phân tích báo cáo, so sánh để chỉ ra nguyên nhân chưa được nâng hạng. Họ nghiên cứu tỉ mỉ những quy định mà chứng khoán Việt Nam chưa đáp ứng được, những tiêu chí chưa được thỏa mãn liên quan đến tỷ lệ sở hữu, giao dịch của nhà đầu tư ngoại, tự do hóa dòng vốn... Một số tiêu chí chứng khoán Việt Nam sắp đạt được, một số còn xa, còn phải nỗ lực khá nhiều.

Tuy nhiên, không có báo cáo phân tích nào đề cập đến quy mô, thanh khoản thị trường cả. Thanh khoản giao dịch hàng ngày của cả ba sàn bây giờ chỉ còn khoảng 120-150 triệu đô la Mỹ/ngày, thấp hơn nửa đầu năm ngoái, thường xuyên ở mức 200 triệu đô la Mỹ/ngày. Để dễ hình dung, thị trường Singapore giao dịch 1 tỉ đô la Mỹ/ngày, còn thị trường Đài Loan hàng chục tỉ đô la Mỹ/ngày.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán, xuất thân từ dân ngân hàng, đã 15 năm nay gắn bó với thị trường nhận xét: “Tôi không biết bao giờ thị trường chứng khoán được nâng hạng, nhưng năm nay và cả năm sau cũng không có gì đảm bảo chắc chắn sẽ diễn ra. Nâng hạng không giống như nuôi, chăm sóc những đứa trẻ, cứ cho ăn nhiều, tăng cân là được nâng hạng”.

Cái gì khiến cho sự khác biệt của chứng khoán Việt Nam và chứng khoán các nước xung quanh, khu vực châu Á tách biệt đến thế?

Đó chính là sự vắng bóng của những con “cá mập”, tức các tổ chức đầu tư tên tuổi quốc tế, tầm cỡ, mà sự hiện diện của họ là chứng chỉ cho sự nâng cấp của thị trường, là dấu đỏ điểm danh sức hấp dẫn của cổ phiếu.

Đành thế. Nâng hạng khó lắm. Mà ngay cả khi được nâng hạng rồi, liệu vốn đầu tư trong nước, ngoài nước có vào thị trường không mới quan trọng. Cái thiếu kinh niên, cái lỗ hổng trầm trọng, căn bệnh mãn tính của thị trường chứng khoán bấy lâu nay là thiếu tiền.

Tiền trong nước không mặn mà với chứng khoán, tiền nước ngoài còn ít hơn. Nhìn đi nhìn lại, thị trường cũng chỉ có một vài gương mặt quỹ ngoại quen thuộc như Dragon Capital hay VinaCapital...

Dragon Capital tháng 9 tới kỷ niệm 25 năm thành lập, nhưng cả quỹ “già” nhất thị trường này cũng chỉ đang quản lý quỹ lớn nhất VEIL với trị giá 1,4 tỉ đô la Mỹ. Thị trường sôi động, vốn hóa quỹ VEIL lên 2 tỉ đô la Mỹ, thị trường trầm lắng giá trị quỹ tụt xuống 1 tỉ đô la Mỹ. Vả lại Dragon Capital bây giờ cũng ít khi huy động thêm được vốn đầu tư vào Việt Nam. Các quỹ khác không ghi nhận tiến triển mạnh hơn bao nhiêu.

Trong vòng 24 tháng trở lại đây, thị trường chứng kiến sự ra mắt lần đầu của một số quỹ ngoại nhỏ, quy mô dưới 100 triệu đô la Mỹ/quỹ. Mỗi lần như thế, sàn Hose lại chộn rộn thêm chút khi nhà đầu tư nội hy vọng quỹ này quỹ kia chuẩn bị giải ngân. Rất nhanh, thị trường quay về nhịp điệu chậm rãi như vốn là đặc trưng của nó.

Vậy cái gì khiến cho sự khác biệt của chứng khoán Việt Nam và chứng khoán các nước xung quanh, khu vực châu Á tách biệt đến thế? Đó chính là sự vắng bóng của những con “cá mập”, tức các tổ chức đầu tư tên tuổi quốc tế, tầm cỡ, mà sự hiện diện của họ là chứng chỉ cho sự nâng cấp của thị trường, là dấu đỏ điểm danh sức hấp dẫn của cổ phiếu.

Thị trường vắng bóng “cá mập”

Những quỹ đầu tư ngoại, những ngân hàng đầu tư đang quản lý hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ đô la Mỹ chưa vào Việt Nam. Không phải chỉ vì chúng ta chưa có gì nhiều cho họ mua. Vinamilk, Sabeco, Vietcombank... họ có thể tham gia được chứ. Nhưng họ chưa vào vì thể chế thị trường, vì tính minh bạch, vì khung pháp lý như cái áo chưa đủ sức co giãn bao trùm quản lý thị trường.

Hãy thử nhìn một trường hợp cụ thể. Khi Nhà nước thoái hết vốn ở Vinaconex (Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - VCG) trước thời điểm đấu giá, room cho nước ngoài được đưa về bằng 0%. Vinaconex viện dẫn lý do này khác, lý do nào xem ra cũng có lý cả. Tuy nhiên nhà đầu tư nước ngoài không thấy thế là hợp lý.

Họ chỉ biết từ khi cổ phần hóa, niêm yết, nhà đầu tư nước ngoài đều có thể giải ngân vào cổ phiếu VCG. Nay họ đang nắm giữ cổ phiếu VCG rồi, họ phải bán ra và bán hết vì room ngoại đã khóa. Thế là họ bán.

Và không chọn được thời điểm thuận lợi để bán vì khung thời gian gấp gáp. Nhà nước thoái vốn xong, Vinaconex lại mở room, nước ngoài lại được mua. Giờ những nhà đầu tư ngoại đã buộc phải bán ra cổ phiếu VCG trước đó có mua lại không? Họ nghĩ gì khi quyết định mua lại hoặc không mua lại? Cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý có vẻ không chú ý đến chuyện ấy. Nhưng nhà đầu tư nước ngoài thì có. Sự nhất quán của quy định, luật lệ ở đâu, họ không hiểu.

Người Việt có câu “của cho không bằng cách cho”. Không có gì tiếp thị cho chứng khoán Việt tốt hơn là những tổ chức đầu tư “cá mập”. Đi theo cá mập thường là hàng đàn cá con kích cỡ khác nhau. Dòng tiền sẽ vào theo chân cá mập. Đã bao giờ những nhà hoạch định chính sách phát triển thị trường chứng khoán có ý ban hành những quy định, vận hành những cơ chế để nhắm tới sự mời gọi đầu tư của những “cá mập” tài chính?

Trên thực tế, mỗi đợt thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, vì sao đối tượng những tổ chức đầu tư tầm cỡ chưa được chào mời? Chúng ta liệu có thể tạo ra sức hấp dẫn gì để thu hút họ? Đôi khi đó là sự đánh đổi, chẳng hạn giá bán hợp lý hơn, khuyến mãi nhiều hơn, minh bạch rõ ràng... Thu hút cá mập không phải là việc của riêng doanh nghiệp, mà là chuyện của Nhà nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả