menu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó phát triển bền vững nếu chỉ phụ thuộc vào ngân hàng và bất động sản
Phan Hà Liên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó phát triển bền vững nếu chỉ phụ thuộc vào ngân hàng và bất động sản

Phát triển thị trường TPDN là một yếu tố then chốt trong phát triển thị trường vốn của mỗi quốc gia.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, sự vắng mặt của các doanh nghiệp sản xuất chủ lực như công nghiệp và nông nghiệp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một tín hiệu đáng lo ngại. Một thị trường như vậy khó có thể phát triển bền vững và lành mạnh do thiếu các yếu tố quan trọng để duy trì sự cân bằng và ổn định.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, tính đến hết 10 tháng năm 2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đã đạt hơn 336.600 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt qua mức phát hành của năm 2023. Trong đó, ngân hàng vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành, chiếm 72% với khoảng 263.000 tỷ đồng. Ngành bất động sản đứng thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 56.100 tỷ đồng, chiếm 15% thị phần.

Tính đến tháng 10/2024, tổng giá trị TPDN chậm thanh toán ước đạt 204.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ TPDN của toàn thị trường. Nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 69% giá trị trái phiếu chậm thanh toán.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, nhận định dù thị trường có dấu hiệu hồi phục, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện tại, hai nhóm ngành chủ đạo trên thị trường TPDN là ngân hàng và bất động sản. Tuy nhiên, lượng TPDN phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức rất thấp, gần như chưa phục hồi như giai đoạn đỉnh điểm năm 2020 – 2021.

Mặc dù đã có một số điều chỉnh, thị trường TPDN vẫn chưa phát triển theo hướng lành mạnh. Theo TS Nghĩa, thị trường này đáng lẽ phải phục vụ vốn trung và dài hạn cho tất cả các ngành trong nền kinh tế, nhưng thực tế lại chủ yếu phục vụ ngân hàng và bất động sản. Việc các ngân hàng huy động vốn qua TPDN và phần lớn chuyển vào bất động sản đã làm mất đi sự đa dạng và ổn định của thị trường. Điều này khiến các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất chủ lực như công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng chưa thể tham gia đầy đủ vào thị trường.

“Nếu thị trường TPDN thiếu vắng các doanh nghiệp sản xuất chủ lực, đó là dấu hiệu cho thấy thị trường đang gặp vấn đề. Nếu tiếp tục lệ thuộc vào ngân hàng và bất động sản, thị trường này sẽ không thể phát triển bền vững và lành mạnh,” ông Nghĩa cảnh báo.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó phát triển bền vững nếu chỉ phụ thuộc vào ngân hàng và bất động sản

Cơ cấu tổ chức phát hành TPDN trong tháng 10/2024.

Một yếu tố khác gây lo ngại là lãi suất phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, hiện đang cao hơn nhiều so với mức trung bình của thị trường, thậm chí là gấp 2-3 lần. Nhiều doanh nghiệp bất động sản sử dụng lãi suất cao để che giấu rủi ro tiềm ẩn, gây nguy cơ cho nhà đầu tư về khả năng mất vốn gốc và lãi trái phiếu, tạo hiệu ứng dây chuyền tiêu cực.

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp bất động sản đẩy lãi suất lên cao cũng làm cho các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất như công nghiệp và chế tạo khó cạnh tranh khi phát hành trái phiếu, dẫn đến sự hạn chế trong huy động vốn và khó khăn trong phát triển, mở rộng sản xuất.

“Điều này khiến phần lớn các ngành chế biến, chế tạo hiện nay thuộc về doanh nghiệp FDI, và các ngành bán lẻ chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát,” ông Nghĩa nhận định. Ông cũng nhấn mạnh, cần phải có một chiến lược dài hạn để phát triển thị trường TPDN theo hướng lành mạnh và không mang tính đầu cơ.

Hướng phát triển thị trường TPDN bền vững

Để phát triển bền vững thị trường TPDN, TS Nghĩa cho rằng cần phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng, một phương thức theo thông lệ quốc tế. Việc phát hành trái phiếu ra công chúng giúp đảm bảo tính minh bạch và giúp nhà đầu tư dễ dàng đánh giá doanh nghiệp qua xếp hạng tín nhiệm thay vì phải đối mặt với thông tin tài chính phức tạp.

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát hành trái phiếu công chúng, TS Nghĩa đề xuất cần rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ và đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay vì để các doanh nghiệp chờ đợi hàng tháng trời mới được xét duyệt. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh và phát triển.

TS Nghĩa cũng nhấn mạnh vai trò của việc phát triển văn hóa xếp hạng tín nhiệm, vì đây là công cụ quan trọng giúp minh bạch hóa thị trường. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chú trọng đến vấn đề này.

Cuối cùng, trong bối cảnh nền kinh tế đang hướng đến phát triển bền vững, thị trường trái phiếu xanh cần được quan tâm. Theo TS Nghĩa, Chính phủ cần có các quy định cụ thể về trái phiếu xanh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu này thông qua các chính sách ưu đãi, chẳng hạn như cho phép vay không cần tài sản đảm bảo, cung cấp lãi suất ưu đãi và thành lập các quỹ đầu tư xanh. Những cơ chế này sẽ giúp thị trường trái phiếu xanh phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trong tương lai.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả