Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền chứng khoán đột ngột chậm lại
VN-Index gần như không đổi; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp vọt tăng trong quý II; Nhận diện cơ hội Thị trường Chứng khoán nửa cuối năm 2021; Đỉnh dịch, đáy chứng khoán; Chứng khoán châu Á đa số điều chỉnh; IMF hạ dự báo tăng trưởng 5 nước ASEAN và Trung Quốc năm 2021… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 28/7 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,50 – 57,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 1,2 USD lên 1.798,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi trở lại lên 1.805 USD/ounce, nhưng sau đó lại yếu dần và lùi về dưới mốc 1.800 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,09% lên 91,52 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.218 đồng/USD, tăng 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.895 - 23.095 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,28 USD (+0,39%), lên 71,93 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,16 USD (+0,21%), lên 74,64 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua vượt lên trên 39.000 USD đã tiếp tục nhích lên và trở lại mốc 40.000 USD/BTC vào cuối giờ chiều.
Chứng khoán trong nước
Giao dịch ảm đạm, VN-Index gần như không đổi
Dòng tiền dè dặt khiến giao dịch diễn ra khá chậm, thanh khoản sụt giảm với giá trị giao dịch chỉ hơn 13.000 tỷ đồng.
Dù thị trường lình xình, nhưng dòng tiền vẫn luân chuyển qua lại giữa các nhóm cổ phiếu trong thời gian vừa qua, tạo nên những con sóng như nhóm tiêu dùng, bất động sản, dược, cấp thoát nước, hóa chất.
Trong phiên hôm nay, dòng tiền một lần nữa quay lại với nhóm ngân hàng, dù còn dè dặt, qua đó giúp VN-Index thoát khỏi phiên giảm điểm.
Nhóm ngân hàng đồng loạt có sắc xanh, ngoại trừ 5 mã VPB, TCB, STB, EIB và SSB.Trong đó, VCB +2,1%, CTG +1,2%, OCB +3,15% …
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba (27/7), khi các nhà đầu tư thận trọng trước khi báo cáo kết quả kinh doanh của nhóm BigTech được công bố, đồng thời chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II trở nên sôi nổi trong tuần này với Alphabet, Microsoft và Apple công bố báo cáo ngay sau phiên ngày thứ Ba kết thúc.
Cổ phiếu 3 gã khổng lồ công nghệ này bất ngờ giảm điểm trước thềm công bố báo cáo. Alphabet giảm 1,6%, Apple giảm 1,5% và Microsoft giảm 0,9%.
Amazon dự kiến sẽ báo cáo kết quả vào cuối tuần này, cũng giảm 1,98%. Bigtech đồng loạt lao dốc đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường trong phiên đêm qua.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, do Phố Wall mất đà trong phiên đêm qua gây ảnh hưởng và lo ngại về các trường hợp nhiễm mới Covid-19 gia tăng đã làm suy yếu tâm lý thị trường.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,39% xuống 27.581,66 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,95% xuống 1.919,65 điểm.
“Trong khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu nói chung hỗ trợ thị trường, thì có những yếu tố rủi ro như gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 mới do biến thể Delta và việc Trung Quốc đàn áp các công ty công nghệ. Chúng tôi có thể thấy chỉ số Nikkei 225 có thể kiểm tra lại ngưỡng 27.000 điểm”, Norihiro Fujito, chiến lược gia đầu tư tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities nhận định.
Cổ phiếu đáng chú ý nhất hôm nay là Mitsubishi Motors, tăng 8,4% sau khi nhà sản xuất ô tô tăng triển vọng lợi nhuận cho năm nay.
Trái lại, Tập đoàn SoftBank giảm 4,8% xuống mức thấp nhất trong 8 tháng, do tác động từ việc Trung Quốc đang siết chặt quản lý đối với các công ty công nghệ.
Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm, nhưng đà rơi đã được hãm lại đáng kể so với những phiên gần đây, nhờ vào động thái trấn an từ các phương tiện truyền thông nhà nước.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,58% xuống 3.361,59 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,19% lên 4.760,48 điểm.
Các công ty chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành hồi phục mạnh hôm nay, với chỉ số phụ theo dõi tăng 2,66%, sau khi đã giảm hơn 15% trong bốn phiên trước, do lo ngại lĩnh vực này có thể là mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh trong việc siết chặt các quy định quản lý.
Chứng khoán Hồng Kông tăng trở lại, nhờ sự trấn an từ các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Đóng cửa, HangSeng-Index tăng 1,54% lên 25.473,88 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,16% lên 9.071,10 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ, nhưng nhìn chung cũng chịu tác động nhất định từ các diễn biến tiêu cực ở các thị trường khác trong khu vực.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 4,33 điểm, tương đương 0,13% lên 3.236,86 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Phát hành trái phiếu doanh nghiệp vọt tăng trong quý II, rủi ro bắt đầu hiện hữu
Trong quý II/2021, lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cao gấp 3,7 lần so với quý II/2021, thị trường tiếp tục sôi động song rủi ro cũng đang tăng cao..>>
- Nhận diện cơ hội Thị trường Chứng khoán nửa cuối năm 2021
Nhân dịp kỷ niệm 21 năm ngày giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Nhận diện cơ hội Thị trường Chứng khoán nửa cuối năm 2021"..>>
- Đỉnh dịch, đáy chứng khoán
Dù VN-Index có phiên giảm hơn 24 điểm ngày cuối tuần qua, nhưng trong cả tuần, nhiều cổ phiếu đã hồi phục khá mạnh từ mức đáy quá bán trước đó..>>
- IMF hạ dự báo tăng trưởng 5 nước ASEAN và Trung Quốc năm 2021
IMF nhận định số ca nhiễm mới Covid-19 tăng nhanh do biến chủng Delta và tốc độ tiêm chủng chậm đang là rào cản lớn đối với triển vọng phát triển kinh tế khu vực...>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận