Thị trường nông sản: Nghịch lý thiếu - thừa
Trong khi nhiều địa phương đều đề nghị kết nối tiêu thụ nông sản, trái cây đến vụ thu hoạch thì nỗi lo lớn nhất đối với doanh nghiệp vẫn là nguồn cung đảm bảo số lượng, chất lượng để đưa vào hệ thống siêu thị hay đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu.
Chia sẻ tại Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021, bà Ngô Tường Vy- Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu - cho biết, trong 1 năm trở lại đây, ngoài thị trường Trung Quốc, đơn vị đã xuất khẩu sầu riêng sang các thị trường khó tính như: Nhật, Australia…
Xác định quả sầu riêng sẽ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới nên công ty đã đầu tư nhà máy công suất lớn với 300-500 tấn/ngày. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất vẫn là nguồn nguyên liệu đầu vào.
Tương tự, ông Đinh Cao Khuê- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) - chia sẻ, hiện nay ở Tây Nguyên, công ty đã có 11.000 ha diện tích trồng chanh leo cung cấp cho 4 nhà máy chế biến nhưng với mức tiêu thụ 200-250 tấn/ngày công ty vẫn thiếu nguyên liệu cho sản xuất. Thời gian tới, công ty sẽ cung cấp giống và sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với những vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, DOVECO cũng đang có nhu cầu số lượng lớn đối các loại hoa quả xoài Đài Loan, xoài keo, bơ…
Không chỉ ở thị trường xuất khẩu, nhu cầu tại thị trường nội địa cũng rất lớn. Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam - cho biết, với hệ thống cửa hàng/siêu thị Nutri Mart tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, phía doanh nghiệp mong muốn liên kết trực tiếp với các hộ kinh doanh, hợp tác xã, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP. Việc xét duyệt đầu vào rất đơn giản, chỉ cần sản phẩm đạt chất lượng và tuân thủ quy định của nhà nước, có hoá đơn giá trị gia tăng là có thể vào hệ thống siêu thị mà không phải trả bất cứ chi phí nào, kể cả chi phí quầy kệ, thủ tục liên quan. Thế nhưng doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì chất lượng, tiêu chuẩn của nhiều loại nông sản, thực phẩm chưa đạt, không đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
"Mỗi ngày chúng tôi mua 10.000 thùng mì Chũ nhưng nhiều thời điểm không thể mua đủ số lượng để cung cấp cho hệ thống 500 siêu thị, nên có thời điểm chúng tôi bị gãy kênh phân phối, không đủ hàng để bán" - bà Hằng lấy ví dụ.
Có một nghịch lý là trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp phân phối lo ngại về thiếu nguồn cung thì địa phương "đứng ngồi không yên" vì chưa biết tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản. Hàng trăm ngàn tấn nông sản, rau quả, trái cây liên tục được các địa phương đề nghị các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian vừa qua.
Một nghịch lý khác, dù là nước xuất khẩu nông sản lớn, mỗi năm thu về hơn 40 tỷ USD, nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng nông sản lớn để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đơn cử như từ Mỹ và Trung Quốc, hay mới đây là Campuchia đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản vào Việt Nam lớn nhất, với kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 10% thị phần.
Các chuyên gia nhận định, dịch Covid-19, nhu cầu nông sản, đặc biệt các sản phẩm chế biến của các nước đang tăng mạnh. Tuy nhiên, nghịch lý thiếu thừa nông sản sẽ vẫn cứ diễn ra nếu ngành nông nghiệp không giải quyết căn cơ bài toán chất lượng, sản lượng, quy hoạch vùng trồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận