Thị trường khó, các hãng ôtô bỏ triển lãm lớn nhất Việt Nam
Vừa trở lại vào 2022 sau hai năm tạm hoãn vì dịch Covid-19, triển lãm ôtô Việt Nam (VMS) 2023 lại ngưng tổ chức.
Nguồn tin từ các hãng xe thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, các hãng xe đã họp bàn từ đầu 2023 và thống nhất không tổ chức triển lãm trong năm nay. Sang năm 2024, triển lãm có thể trở lại.
"Thị trường trầm lắng ngay từ những tháng đầu do các tác động kinh tế vĩ mô, sức mua yếu và không rõ khi nào mới cải thiện. Thêm nữa là kinh phí lớn dành cho triển lãm có thể không mang lại hiệu quả tương xứng nên các hãng đồng thuận tạm hoãn tổ chức triển lãm 2023", đại diện một hãng xe Đức nói.
Triển lãm VMS thường diễn ra vào tháng 10 mỗi năm tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), TP HCM. Đây là thời điểm quý cuối của năm và nhu cầu mua xe của người dân tăng dần cho đến cận Tết Nguyên đán.
Tận dụng sức hút của VMS, bên cạnh trưng bày những mẫu xe mới, cũ, các hãng thường tung ra các chương trình khuyến mại để kích cầu. VMS vì thế được xem như "trợ lực" cho doanh số các hãng tham gia trước khi một năm khép lại. Tuy nhiên 2023 với triển vọng không mấy lạc quan về sức mua, các hãng dè dặt với việc tổ chức triển lãm.
Năm 2023, nhiều chuyên gia trong ngành lẫn các hãng xe đánh giá thị trường có thể suy thoái dù mới lập kỷ lục doanh số hơn nửa triệu chiếc vào 2022, nguyên nhân bởi ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, lãi suất cho vay tăng cao, room tín dụng thu hẹp khiến sức tiêu thụ ôtô giảm từ cuối 2022 đến đầu 2023.
Tại Việt Nam, triễn lãm VMS được xem là ngày hội lớn nhất ngành ôtô, nơi các hãng giới thiệu, trưng bày các mẫu xe ý tưởng hoặc đang bán. Đại diện một hãng xe Nhật cho biết, kinh phí chi cho mỗi kỳ triển lãm ở mức hàng chục tỷ đồng. Tuỳ thuộc vào diện tích sàn trưng bày, thông điệp muốn truyền tải... số tiền chi ra mỗi hãng mỗi khác.
Với khách hàng, việc VMS ngừng tổ chức lại có thể là tín hiệu "mừng". Một quản lý bán hàng lâu năm cho biết, hơn chục tỷ đồng kinh phí tham gia triển lãm có thể sẽ được dành cho các hoạt động khuyến mãi cho khách hàng. Số tiền này có thể đủ cho một tháng khuyến mãi với các dòng xe bán chạy. Đồng thời, khi không có triển lãm, các hãng sẽ phải phân bổ lại kế hoạch ra mắt sản phẩm trong năm, khách hàng nhờ đó cũng tiếp cận được các xe mới sớm hơn.
Thực tế, các hãng xe ở Việt Nam đã không còn quá mặn mà với các triển lãm trong vài năm trở lại đây. Thị trường tăng trưởng qua các năm nhưng vẫn còn nhỏ so với nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Mức độ và tầm quan trọng không cao khiến các hãng không đầu tư nhiều cho khía cạnh trình diễn công nghệ mới hoặc sản phẩm đặc biệt kiểu "của để dành" ở triển lãm.
Đơn hàng chốt ở triển lãm vẫn đáng kể, ví dụ VMS 2022 các hãng bán được 2.000 xe, cao nhất từ trước tới nay, nhưng không "bõ bèn" với chi phí bỏ ra. Hiệu quả về mặt thương hiệu cũng không quá xuất sắc. Đây cũng là xu thế chung trên thế giới khi mô hình triển lãm dần trở nên cũ kỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận