24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường chứng khoán tháng 5: Lo lắng và kỳ vọng

Sau kỳ nghỉ lễ dài, nhà đầu tư kỳ vọng các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước sẽ được tăng cường. Dẫu vậy, cuộc khủng hoảng ngân hàng địa phương tại Mỹ khiến lo ngại xuất hiện sự kiện “thiên nga đen” ngày càng lớn.

Kỳ vọng gói hỗ trợ tăng trưởng sẽ tăng cường

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP quý I/2023 của Việt Nam ở mức 3,32%, thấp hơn mức tăng trưởng kế hoạch và thấp nhất trong quý I nhiều năm gần đây. Theo giám đốc một quỹ đầu tư, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp thì được coi là suy thoái. Nhưng với một nền kinh tế đang phát triển, tăng trưởng 6-7%/năm, thì việc giảm điểm 3-4% tăng trưởng, dù vẫn còn là tăng trưởng dương, cũng nên nhìn nhận là suy thoái kinh tế.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 4 vừa qua chỉ đạt 46,7 điểm, nằm dưới ngưỡng 50 điểm và tiếp tục giảm so với mức 47,7 điểm trong tháng 3, phản ánh hoạt động sản xuất, chế tạo đang bị thu hẹp. Một đầu tàu tăng trưởng là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng giảm trong tháng 4.

Nếu nhìn bức tranh lợi nhuận quý I/2023 của doanh nghiệp niêm yết thì càng đáng ngại hơn. Có những doanh nghiệp ghi nhận con số kinh doanh tệ hơn đáng kể so với thời điểm đại dịch Covid-19 đang bùng phát. Báo cáo của Fiingroup cho thấy, lợi nhuận sau thuế của 765 doanh nghiệp và ngân hàng trong quý vừa qua giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, lợi nhuận của khối doanh nghiệp phi tài chính giảm 41,5%.

Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đã công bố báo cáo tài chính quý I đều ghi nhận lỗ, hoặc lãi rất mỏng. Hiện trạng cắt giảm nhân sự trong ngành này vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Ngành hóa chất giảm đến 67,6% lợi nhuận, gây ảnh hưởng xấu nhất tới tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường bởi giá các loại hóa chất như phốt pho và phân bón đều giảm mạnh. Những nhóm ngành dự báo kết quả tiêu cực như thép, chứng khoán, dầu khí đang lần lượt công bố báo cáo lỗ hoặc lợi nhuận thấp. Nhóm dệt may, thủy sản dù chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng kết quả kinh doanh cũng phản ánh rõ bức tranh nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở các thị trường lớn, tồn kho cao, thiếu hụt đơn hàng.

Các dữ liệu mới đều cho thấy cần có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn từ chính sách tài khóa và tiền tệ. Các thông tin đầu tháng 5 cho thấy, các chính sách này đang được xem xét triển khai như lấy ý kiến các bộ, ngành về giảm 35 loại thuế, phí và lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.

Liên quan đến chính sách tiền tệ, việc thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ chưa đạt hiệu quả cao, như gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 31/2022/NĐ-CP mới thực hiện được 0,64% tổng quy mô vì nhiều lý do về thủ tục, điều kiện giải ngân. Đặc biệt, các doanh nghiệp lo ngại bị thanh tra, kiểm tra nên không nhận hỗ trợ hoặc trả lại vốn vay.

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên thay đổi cách hỗ trợ, tung ra gói hỗ trợ tín dụng lớn và nên trao quyền cho ngân hàng có quản trị rủi ro tốt đánh giá khách hàng để giải ngân. Có một thực tế là, do lãi suất cao nên các doanh nghiệp tốt hiện không vay vốn vì đầu tư kinh doanh mở rộng sẽ không hiệu quả, còn những doanh nghiệp yếu thì ngân hàng lại không cho vay. Việc giảm lãi suất và tung ra gói hỗ trợ tín dụng lớn khả thi là giải pháp đang được đề nghị từ cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, thị trường Việt Nam hiện có một số tín hiệu tích cực. Chính phủ đang có nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế thông qua cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Khác với Mỹ, mặt bằng lãi suất của Việt Nam đã bước vào chu kỳ giảm trong 2 tháng qua. Thị trường chứng khoán giảm mạnh từ vùng đỉnh tháng 4/2022 và vẫn chưa có nhịp hồi phục nào đáng kể. Ngoài ra, với vị thế là một nước mạnh về sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, chỉ tiêu CPI dưới 4% dễ đạt được nên chính sách tiền tệ không quá áp lực. Thị trường trái phiếu đang dần được tháo gỡ và chưa chịu áp lực đáo hạn lớn trong tháng Năm.

“Do đó, chúng tôi cho rằng xác suất xảy ra “Sell in May…” ở trong nước là thấp hơn và dự báo VN-Index sẽ vận động trong biên độ hẹp 1.017 - 1.080 điểm trong tháng 5. Tuy nhiên, nếu Dow Jones thủng các ngưỡng hỗ trợ mạnh, thị trường Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”, bà Linh nói.

Lo ngại rủi ro từ bên ngoài

Thời điểm này, sự kiện domino phá sản ngân hàng ở Mỹ đang khiến giới đầu tư lo ngại sẽ gây sức ép tâm lý tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhà đầu tư có xu hướng chờ xem diễn biến thị trường tài chính Mỹ có xấu hơn không. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất điều hành vào đầu tháng Năm cũng khiến giới phân tích lo ngại kinh tế Mỹ nhiều khả năng bước vào giai đoạn tăng trưởng âm vào đầu năm sau.

Theo bà Linh, từ năm 1998 trở lại đây, có 10 lần thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm vào tháng Năm. Năm 2023, dường như các điều kiện vĩ mô còn khó khăn hơn các năm trước. Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố: dịch bệnh Covid-19, chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng, hậu giai đoạn nới lỏng tiền tệ, biến đổi khí hậu, lạm phát...

Trong bối cảnh đó, nhiều khả năng việc chống lạm phát sẽ buộc Fed phải duy trì mức lãi suất điều hành cao lâu hơn trước đây. Nếu mục tiêu giảm lạm phát không nhanh chóng đạt được, không ngoại trừ việc Fed có thể sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ khác có tác động mạnh hơn công cụ tăng lãi suất.

Điều này tiếp tục làm giảm lợi nhuận các doanh nghiệp và ngân hàng của Mỹ, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của nước này. Ngoài ra, các chỉ số Dow Jones và US30 của thị trường Mỹ sau khi đạt đỉnh của chu kỳ thứ nhất vào tháng 5/2021 đang dần tiến tới vùng kháng cự mạnh của nhịp hồi phục kể từ tháng 10/2022.

Thị trường Mỹ đang trong giai đoạn chờ đợi báo cáo bán niên 2023, với dự báo không mấy tích cực. Do đó, kịch bản “Sell in May...” có khả năng cao xảy ra với thị trường chứng khoán Mỹ năm nay.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nhìn nhận, thị trường thiếu động lực để đi lên, trong đó dòng tiền là yếu tố quan trọng nhất khi các nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức hơn một năm nay đã mất tiền vì cổ phiếu, trái phiếu và “chôn tiền” trong bất động sản khá nhiều.

Điều này đồng nghĩa, đang có nhiều áp lực, trong khi thông tin hỗ trợ “đủ ép phê” chưa có. Fed chưa ra quyết định chính thức về việc có tạm ngừng chu kỳ tăng lãi suất hay không, mà dựa vào dữ liệu kinh tế sắp tới để “sẵn sàng hành động nếu cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa”, Chủ tịch Fed cho biết. Trong khi EU mới nâng lãi suất 25 điểm cơ bản - báo hiệu chưa dừng nâng lãi suất.

Ở thời điểm này, lãi suất của Mỹ đang ở vùng cao nhất - có nghĩa là chính sách tiền tệ đang trạng thái thắt chặt nhất, chứ không có tín hiệu nào là “chu kỳ thắt chặt kết thúc” và chuẩn bị “nới lỏng”. Kể cả khi chu kỳ tăng lãi suất dừng lại, bản chất chính sách vẫn là đang thắt chặt, vì ngoài việc lãi suất ở vùng cao thì QE đang rút rất mạnh. Vừa qua, Mỹ phải bơm thanh khoản để “cứu” các ngân hàng thì cũng sẽ phải tính đến bài toán rút lại.

Với thị trường Việt Nam, nếu Fed không tăng lãi suất tiếp thì bớt áp lực cho tỷ giá nhưng các áp lực duy trì chính sách tiền tệ thận trọng vẫn còn. Xu hướng thị trường chứng khoán tháng Năm là sideway down, nhưng tốc độ giảm chậm. Nhìn trung hạn là vẫn giảm, vì yếu tố để kỳ vọng thì ít, còn rủi ro thì nhiều như rủi ro thanh khoản, vỡ nợ rất cao. Với Mỹ là vỡ nợ ngân hàng, Việt Nam là áp lực trả nợ trái phiếu tới cuối quý II/2023.

Theo các chuyên gia phân tích thị trường, nếu thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến xấu, thậm chí nếu sự kiện “thiên nga đen” xảy ra, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, gây ra cú giảm mạnh.

Về mặt phân tích kỹ thuật, nhiều nhà đầu tư vẫn chờ đợi kịch bản VN-Index duy trì xu thế giảm giá và tiến sát về mốc 1.000 điểm, hay một cú sốc bên ngoài khiến thị trường giảm mạnh mở ra cơ hội mua an toàn hơn lúc này.

Ông Ngọc khuyến nghị, nhà đầu tư nên theo thiên hướng tìm kiếm cơ hội trung và dài hạn, chờ đợi thị trường phản ánh hết rủi ro. Với những cổ phiếu tốt bị giảm chung theo xu hướng thị trường, nhà đầu tư có thể tích sản, mua dần bằng nguồn vốn tự có.

Điểm sáng của thị trường thời điểm này so với đầu năm là sau mùa đại hội cổ đông sôi động, nhà đầu tư đã có thêm dữ liệu doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư dài hạn, chiến thắng những biến động ngắn hạn của thị trường.

Không lo thị trường sẽ xuống thấp

Ông Bùi Khoa Bảo, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán VPS

Từ đầu năm đến giờ, không có một đợt tăng giá nào đủ mạnh để tạo nên một khoảng trống giá vượt quá sự kỳ vọng của các thành viên thị trường. Vì vậy, khi thị trường trống thông tin, sự giảm giá sẽ rất hạn chế. Chứng khoán luôn phản ánh trạng thái kỳ vọng, nhưng hiện tại, chờ đợi, theo dõi là tâm lý phổ biến, nên thị trường chủ yếu đi ngang trong biên độ hẹp để chờ đợi tin tức từ vĩ mô. Do đó, tôi cho rằng, không cần lo thị trường sẽ xuống thấp và nếu xuống đáy của biên độ thì đó sẽ là cơ hội tốt để mua vào.

Tháng 5 năm ngoái và tháng 5 năm nay có sự khác biệt lớn. Tháng 5 năm ngoái, thị trường ở chân một cú sụt giảm rất lớn, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, khiến VN-Index mất 500 điểm nên rõ ràng, đó không phải điểm mua.

Thị trường chứng khoán theo quy luật cứ 3 năm lại bắt đầu một chu kỳ mới. Tính từ đầu chu kỳ là năm 2020 thì thấy giai đoạn 2020 - 2022, thị trường đã trải qua “con sóng lớn”, nhiều cổ phiếu bị thổi giá vượt quá giá trị của doanh nghiệp và để bắt đầu chu kỳ mới, thị trường cần thời gian để tích lũy lại.

Theo quy luật, khi cổ phiếu vượt quá giá trị doanh nghiệp, những người chủ doanh nghiệp, nhóm tạo lập thị trường sẽ giảm lượng cổ phiếu xuống tối thiểu để cầm tiền mặt tối đa. Đến năm nay, thị trường chuẩn bị bước vào chân con sóng lớn mới, họ sẽ chờ đợi nhà đầu tư nhỏ lẻ giũ hết hàng đang cầm vì sốt ruột, nhàm chán và bán ra, khi đó giá cổ phiếu sẽ được gom lại từ từ.

Trong bối cảnh này, nhà đầu tư có thể canh chỉ số VN-Index ở vùng hỗ trợ 1.010 - 1.020 điểm, khi đó sẽ có lực cầu lao vào nâng đỡ khá tốt, đó là cơ hội trading ngắn hạn. Còn với tầm nhìn dài hạn 3 - 5 năm thì cứ thế mà mua, không có gì phải ngại.

Chờ đợi một đợt điều chỉnh để mua vào

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Thị trường đã trải qua một thời gian tăng, nên cần một nhịp điều chỉnh, quay về vùng giá kích thích được nhà đầu tư giải ngân hơn thì mới có thể bước sang một chu kỳ tăng mới. Các thông tin chính sách ở thời điểm hiện nay chưa hỗ trợ mạnh mẽ cho một chu kỳ tăng mới, mà chỉ làm giảm bớt áp lực về những rủi ro, chặn đà chỉnh sâu của thị trường.

Thông tin cổ tức, đại hội cổ đông, lợi nhuận quý I của hầu hết các doanh nghiệp đã được công bố, trong khi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có độ trễ, cần 3 - 6 tháng để thẩm thấu mới ra được kết quả thực tế, nên cũng có những quan điểm “tin ra là bán”.

Trong tháng 5, việc chờ đợi một đợt điều chỉnh để mua vào sẽ hợp lý hơn là chờ đợi một đợt tăng giá mạnh. Nhóm cổ phiếu có thể mua vào trong các đợt điều chỉnh là bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công (xây dựng cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng…) cho mục đích đầu tư ngắn hạn. Còn nếu đầu tư trung và dài hạn, có thể quan tâm tới nhóm bất động sản dân dụng, vì có nhiều chính sách sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Cần chú ý hai yếu tố “thiên nga đen”

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Hiệu ứng “Sell in May”, lịch sử thị trường chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam đều ghi nhận là có. Người ta đã đúc kết rằng, vào tháng 5, hiệu suất đầu tư thường kém hơn những tháng còn lại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cứ đầu tư vào tháng 5 là thua lỗ, bởi vì so sánh lợi suất bình quân khi đầu tư vào tháng 5 của VN-Index trong 20 năm trở lại đây thì vẫn là số dương, mặc dù số dương khá nhỏ.

Việc đầu tư vào tháng 5 lỗ hay lãi không phụ thuộc vào những yếu tố tác động đến bối cảnh đầu tư của tháng 5 năm đó. Tháng 5 năm nay, thị trường chịu tác động từ cả các yếu tố tác động tích cực và tiêu cực đan xen. Về yếu tố tiêu cực, cả vĩ mô và vi mô doanh nghiệp đều cho thấy sự suy yếu trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Về yếu tố tích cực, đợt tăng lãi suất của Fed vào ngày 3/5 được kỳ vọng là đợt tăng lãi suất cuối cùng và Fed nhiều khả năng sẽ duy trì mức lãi suất cao này trong vài kỳ họp tới, trước khi bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất. Như vậy, rủi ro Mỹ thắt chặt tiền tệ trong giai đoạn này đã không còn nữa, vấn đề còn lại chỉ là liệu Fed có nới lỏng tiền tệ và nới lỏng ở mức độ nào.

Ở trong nước, một số chính sách tiền tệ và tài khóa cũng đang theo hướng hỗ trợ thị trường. Kế hoạch giải ngân đầu tư công hơn 700.000 tỷ đồng trong năm nay là một con số rất lớn. Hiện Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đối với chính sách hạ mức thuế VAT từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/7/2023. Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 3 và đưa ra gói hỗ trợ lãi suất đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội trị giá 120.000 tỷ đồng, cho phép các ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu doanh nghiệp, được giữ nguyên nhóm nợ đối với những khách hàng chịu ảnh hưởng khách quan của kinh tế vĩ mô…

Trong bối cảnh trên, ở vùng giá thấp của chỉ số VN-Index hiện tại, tôi cho rằng, xu hướng thị trường trong tháng 5 sẽ là đi ngang và phụ thuộc vào mỗi thời điểm đón nhận tin tức tích cực hay tiêu cực. Đặc biệt, sau một năm thị trường khốc liệt, chưa hồi phục được nhiều từ đáy, xu hướng rủi ro giảm sâu sẽ không quá lớn.

Tuy nhiên, còn một câu chuyện có tính “thiên nga đen” mà nhà đầu tư cần lưu ý, bởi nếu nó xuất hiện thì sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong nước. Đó là sự đổ vỡ trên thị trường tài chính toàn cầu và câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam. Đây là hai biến số tương đối khó dự báo ở thời điểm hiện tại.

Với xu hướng kỳ vọng đi ngang của thị trường hiện tại, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp điều chỉnh để mua vào, đồng thời bán ra chốt lời khi có sóng tăng. Chúng ta không nên kỳ vọng lợi nhuận cao quá, cũng như không nên chờ đợi thị trường giảm quá sâu mới bắt đầu vào.

Lưu ý thêm, giai đoạn này có thể lướt sóng nhưng lướt sóng ngắn hạn (T+3, T+5) thì vẫn còn rủi ro, bởi thị trường có thể diễn biến bất ngờ khó đoán định. Nhà đầu tư có thể chờ nhịp điều chỉnh tăng hoặc giảm tương đối kéo dài, ví dụ 1-2 tuần để mua vào khi điều chỉnh và bán ra khi tăng điểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả