Thị trường chứng khoán nỗ lực tìm điểm cân bằng trong ngắn hạn
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực bán lớn khiến các chỉ số biến động mạnh theo chiều hướng điều chỉnh giảm trong bối cảnh vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong nước rất tốt, do đó nguyên nhân chủ yếu đến từ yếu tố bên ngoài.
Áp lực lớn từ thị trường thế giới
Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm trước tác động tổng hòa của nhiều yếu tố, đặc biệt là áp lực giảm mạnh của thị trường chứng khoán toàn cầu. Sau nhịp giằng co kéo dài, chỉ số VN-Index bước vào giai đoạn điều chỉnh. Áp lực chốt lời liên tục xuất hiện khiến thị trường giảm sâu, đánh mất mốc 1.200 điểm, đà giảm này đã đưa chỉ số xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng.
Đây là lần thứ 10 VN-Index rơi xuống dưới 1.200 điểm kể từ lần đầu tiên vượt mốc điểm này vào đầu tháng 4/2018. Trong quá khứ, khoảng thời gian VN-Index ở trên 1.200 điểm thường rất ngắn ngủi. Lần chỉ số giữ được mức trên 1.200 lâu nhất là giai đoạn từ tháng 4/2021 đến giữa tháng 5/2022. Tuy vậy, sau nhịp giảm sâu, chỉ số VN-Index cũng đã có phiên hồi phục tích cực ngày 6/8 giúp chỉ số vượt trên mốc 1.200 điểm.
Theo các chuyên gia, căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông và động thái bất ngờ đảo ngược chính sách của Nhật Bản có thể là yếu tố tác động đến tâm lý thị trường. Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang rơi vào vùng quá bán. Sau những nhịp điều chỉnh sâu, chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (P/E) đã về ngưỡng 13,5 lần, tức mức đáy của thời điểm tháng 4. P/E dự phóng năm 2024 cũng giảm xuống mức 11,5 lần, cho thấy lợi suất chứng khoán đang rất cao, ở mức 9% - 10%.
Nhận định về diễn biến thị trường, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết: "Thực tế, nhà đầu tư đang theo làn sóng bán tháo tài sản toàn cầu bất chấp tình hình vĩ mô tốt, nội tại doanh nghiệp ổn định".
Dù áp lực giảm điểm vẫn còn, song rủi ro hiện tại thấp hơn rất nhiều so với cơ hội tăng giá của thị trường. Do đó, vị chuyên gia của Yuanta kỳ vọng, thị trường sẽ sớm lấy lại và giữ được mốc 1.200 điểm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia phân tích của Chứng khoán Yuanta, trong giai đoạn vừa qua dòng tiền toàn cầu hội chứng sợ bỏ lỡ (Fomo) cổ phiếu công nghệ, vào các thị trường có tỷ trọng cổ phiếu công nghệ cao. Tại châu Á gồm có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ở Mỹ thì có Nasdaq. Những thị trường này đã tăng trưởng suốt một thời gian dài nên điều chỉnh là hợp lý.
Những câu chuyện sẽ tác động đến thị trường
Đối với thị trường Việt Nam, thời gian vừa qua trong khi chứng khoán thế giới tăng nhưng VN-Index tăng chậm hơn, một phần do tỷ trọng nhóm công nghệ không cao nên khó thu hút dòng tiền. Thị trường chưa kể còn bị ảnh hưởng bởi hai nhóm ngân hàng và bất động sản - hai nhóm vốn hóa lớn chiếm tỷ trọng cao. Lo ngại về bất động sản không được như kỳ vọng của thị trường khiến nhóm này giảm sâu, trong khi nhóm ngân hàng đã ra hết kết quả kinh doanh quý II với nợ xấu tăng cao đã áp lực chung lên thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Minh, hiện nay dòng tiền toàn cầu rơi vào trạng thái bán ra chốt lời ở những thị trường đã tăng giá cả một quá trình. Nhiều khả năng, dòng tiền sẽ nhanh chóng tìm đến các thị trường đang có định giá rẻ và tỷ giá hạ nhiệt khi USD suy yếu, trong đó có Việt Nam.
"VN-Index giảm dưới 1.200 điểm nhưng sớm quay trở lại và giữ được vùng 1.200 - 1.210 do định giá quá thấp, đây là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào để tìm kiếm mức lợi nhuận hấp dẫn từ cổ phiếu" - ông Minh nói.
Về dự báo diễn biến thị trường tháng 8, theo ông Minh, cơ hội cho VN-Index tăng điểm rất cao do chúng ta vẫn còn câu chuyện của tháng 9 với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất và quá trình nâng hạng đã có thêm nhiều thông tin tích cực, dù có nâng hạng hay không thì đây cũng là những thông tin hỗ trợ tích cực cho thị trường quay lại.
Còn ông Đoàn Minh Tuấn - Trưởng phòng phân tích FIDT cho rằng, thị trường chung sẽ tiếp tục có những nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Động lực hỗ trợ cho xu hướng tăng dài hạn của chỉ số là vĩ mô Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng trong nửa cuối năm nhờ trụ đỡ từ đầu tư công. Bên cạnh đó, vĩ mô trung hạn cũng ổn định nhờ rủi ro tỷ giá, lãi suất đã giảm đáng kể. Lợi nhuận doanh nghiệp tiếp đà hồi phục đánh dấu chuỗi 3 quý tăng trưởng liên tiếp, đạt mức tăng trưởng 25,6% so với cùng kỳ, trong đó nhóm tài chính đóng góp hơn một nửa tổng thị trường. Đây là quý lợi nhuận toàn thị trường đạt mức cao nhất trong 5 quý gần đây.
Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC, ba câu chuyện lớn sẽ tác động xuyên suốt đến thị trường trong phần còn lại của năm nay là chính sách kinh tế nới lỏng; đà phục hồi kinh tế và câu chuyện nâng hạng. Trong đó, đà phục hồi kinh tế và triển vọng nâng hạng sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành, chất lượng tốt để đón đầu đà phục hồi lợi nhuận, các ngành hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế đơn giản là ngân hàng, dịch vụ tài chính, tiêu dùng, vật liệu xây dựng, tài nguyên cơ bản, bán lẻ… và tránh các cổ phiếu cơ bản kém lúc này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận