Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Khi thời điểm công bố báo cáo giữa kỳ của FTSE Russell về kết quả xếp hạng thị trường đang đến gần, dư luận đang sôi nổi trở lại về khả năng Việt Nam được nâng hạng từ Thị trường Cận biên lên Thị trường Mới nổi trong năm 2025. Dù việc nâng hạng thành công sẽ là một cột mốc đáng chú ý, việc nhìn nhận lại hành trình phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong một thập kỷ qua và động lực hiện tại cũng mang rất nhiều ý nghĩa.
Câu chuyện tăng trưởng
Trong một thập kỷ qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng. Chỉ số VN-Index tăng 2,3 lần, vốn hóa thị trường tăng 6,4 lần, thanh khoản tăng 3,8 lần. Số lượng tài khoản giao dịch tăng 6,7 lần, trong khi mã số giao dịch chứng khoán (MSGD) cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tăng 2,8 lần.
Riêng năm 2024, chỉ số VN-Index tăng 12,9%, vốn hóa thị trường tăng 21,2%, đạt gần 70% GDP; số tài khoản giao dịch vượt 9 triệu, chiếm 9% dân số; MSGD cấp cho nhà đầu tư nước ngoài chạm mốc 50.000, với 12,4% thuộc về nhà đầu tư tổ chức; thanh khoản duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 21,1 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước.
Những con số này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam không hề bị hạn chế bởi các chỉ số định lượng và đủ sức đáp ứng yêu cầu nâng hạng.
Câu chuyện cải cách
Các tiêu chí định tính trong xếp hạng thị trường thường khó đo lường, nhưng Việt Nam đã chủ động cải thiện theo tiêu chí của FTSE Russell từ năm 2018.
Những cải cách gần đây được đưa ra nhằm mục tiêu đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận thị trường nói chung cho nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: Gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch đối với giao dịch mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường (MSGD điện tử và sử dụng điện SWIFT); công bố thông tin bắt buộc bằng tiếng Anh theo lộ trình đối với tổ chức phát hành và áp dụng ngay đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) và các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK); cải thiện quy định về giao dịch ngoài sàn và áp dụng bỏ phiếu điện tử/họp trực tuyến nhằm hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền bỏ phiếu tại đại hội cổ đông của công ty đại chúng.
Ông Gary Harron
Các cải cách không chỉ dừng ở đó. UBCKNN mới đây đã đưa ra một công bố bằng tiếng Anh trên trang thông tin điện tử chính thức, cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thông tin ngay lập tức mà không cần nhờ đến dịch thuật hay công cụ AI. Công bố này cho thấy Việt Nam đang nhanh chóng giải quyết các vấn đề FTSE Russell nêu ra hồi tháng 2/2025.
Trong số 9 giải pháp cụ thể được đưa ra, một giải pháp đã được áp dụng, bốn giải pháp được kỳ vọng sẽ triển khai trong vòng 3 tháng tới và chỉ có một giải pháp chiến lược liên quan tới hoạt động thanh toán bù trừ thông qua mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (Central Counterparty – ‘CCP’) dự kiến triển khai sau năm 2025. Nếu như tốc độ phát triển thị trường còn khiến cộng đồng quốc tế hoài nghi trong giai đoạn giữa năm 2024, giờ đây tiến độ dường như đã trở nên rõ nét hơn.
Điều gì sẽ thay đổi?
Những cải cách nói trên dường như nhắm tới nhóm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Nhưng trong thực tế, quá trình phát triển thị trường chứng khoán mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia thông qua việc tác động tích cực lên chức năng của thị trường vốn. Trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm gần 90% giao dịch trên thị trường chứng khoán, việc liên tục cải thiện chất lượng thị trường có thể giảm thiểu rủi ro cho nhóm này.
Khuôn khổ pháp lý vững chắc, tăng cường giám sát thị trường, cải thiện quản trị doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng hiện đại hơn, tăng tính minh bạch và hiệu quả, tất cả không chỉ giúp nhà đầu tư nước ngoài vững tin hơn mà còn củng cố niềm tin vào thị trường của nhà đầu tư trong nước.
Việt Nam được nâng hạng bởi FTSE Russell sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng, nhưng không thể phủ nhận rằng tiềm năng của thị trường vốn Việt Nam mới là điều đáng nói hơn cả.
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC ghi nhận Việt Nam là thị trường chứng khoán có kết quả hoạt động tốt nhất ASEAN trong năm 2024, nhưng cũng nhận định thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng.
Theo Ngân hàng Thế giới (WBG), dù thị trường vốn Việt Nam đã phát triển mạnh nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống. Một trong những vấn đề chính là thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức dài hạn như quỹ hưu trí. Tỷ trọng cao của nhà đầu tư cá nhân khiến thị trường dễ biến động mạnh, làm giảm động lực niêm yết của các công ty lớn.
Việc nâng hạng được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng huy động vốn của thị trường, hỗ trợ phát triển kinh tế. Nếu chính thức thăng hạng, ước tính việc này có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trị giá khoảng 6 tỷ USD, tương đương hơn 1% GDP, vào Việt Nam (theo Nikkei, 28/1/2025). Việc này cũng giúp thị trường ổn định hơn thông qua sự hiện diện của các nhà đầu tư tổ chức dài hạn trên thị trường, góp phần giải quyết các vấn đề hạn chế nêu trên.
Một thị trường vốn vận hành đầy đủ chức năng, có khả năng huy động và phân bổ hiệu quả vốn cho các lĩnh vực, ngành nghề, sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng GDP cho Việt Nam và giảm thiểu rủi ro liên quan đến tình trạng quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Triển vọng tích cực
Năm 2025, HSBC kỷ niệm 155 năm hoạt động tại Việt Nam và tự hào là ngân hàng nước ngoài đầu tiên được cấp phép cung cấp dịch vụ lưu ký chứng khoán. HSBC đã đồng hành cùng các cơ quan quản lý và nhà đầu tư từ Hội nghị Phát triển thị trường 2014 của UBCKNN đến nay, hiện cung cấp dịch vụ lưu ký cho khoảng 50% nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Chúng tôi thực sự yên tâm khi chứng kiến các cơ quan quản lý đã tích cực tiếp nhận ý kiến từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài về các thông lệ quốc tế tốt nhất nhằm thúc đẩy phát triển thị trường. Đây là một hướng đi đúng đắn được thực tiễn chứng minh mà chúng tôi đã quan sát được ở các thị trường từng trải qua quá trình nâng hạng.
Việt Nam có thể đã đáp ứng được các tiêu chí tối thiểu cố định, nhưng tiêu chuẩn của cộng đồng đầu tư quốc tế cũng ngày càng cao khi các thị trường khác cạnh tranh quyết liệt. Kinh nghiệm của HSBC cho thấy, các nhà đầu tư tổ chức sẽ liên tục trông đợi thị trường có những bước phát triển mang lại hiệu quả, an toàn tài sản và khả năng mở rộng quy mô.
Xét những yếu tố này cũng như những cải cách chính sách nhờ tiếp thu ý kiến cộng đồng quốc tế, có thể thấy câu chuyện phát triển thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn rất tích cực.
Dù kết quả thế nào, HSBC Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phát triển và tiến hóa, phát huy thành công đạt được trong 25 năm khai mở tiềm năng kể từ phiên giao dịch đầu tiên vào tháng 7/2000, mang lại lợi ích chung cho Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường