24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Duy Công
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường cho thuê xe ô tô (phần 1): Phân mảnh nhưng kén “người chơi”?

Zoomcar Việt Nam, một doanh nghiệp cho thuê xe Ấn Độ, chính thức ngưng hoạt động từ giữa năm 2023, cho thấy “miếng bánh” thị trường cho thuê xe ô tô tại Việt Nam tuy còn phân mảnh nhưng không dễ “xơi”.

Thị trường cho thuê xe ô tô (phần 1): Phân mảnh nhưng kén “người chơi”?

“Miếng bánh” thị trường cho thuê xe ngoài tầm với của nhiều doanh nghiệp?

Cho thuê xe ô tô không phải là mô hình kinh doanh mới trên thế giới. Loại hình này đã xuất hiện từ hơn 100 năm trước - thời điểm ô tô bắt đầu thịnh hành ở các nước phát triển, song song đó là nhu cầu thuê xe dần phổ biến thay vì sở hữu. Hoạt động cho thuê xe đã thâm nhập từ lâu vào Việt Nam, nhưng đến nay vẫn còn phân mảnh, chưa có thương hiệu thật sự “nặng ký”.

Theo thống kê từ Mordor Intelligence - một doanh nghiệp Ấn Độ chuyên cung cấp các báo cáo nghiên cứu, quy mô thị trường cho thuê ô tô trên thế giới vào khoảng 120 tỷ USD năm 2021 và dự kiến đến năm 2027 sẽ đạt khoảng 223 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép trung bình mỗi năm hơn 11%.

Năm 2021, thị trường thuê ô tô tại Việt Nam đạt khoảng 463 triệu USD và được dự báo tăng gần gấp đôi - lên 884 triệu USD vào năm 2027, tương đương mức tăng trưởng kép 13.82%/năm cho giai đoạn 2022 - 2027.

Theo Mordor Intelligence, Bắc Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường có doanh thu cho thuê xe thống trị toàn cầu, còn châu Á - Thái Bình Dương sẽ có tốc độ phát triển mạnh nhất.

Doanh thu thị trường cho thuê ô tô giai đoạn 2018 - 2027

Thị trường cho thuê xe ô tô (phần 1): Phân mảnh nhưng kén “người chơi”?

Nguồn: Mordor Intelligence

Việt Nam là thị trường tiềm năng?

Về lâu dài, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, mô hình cho thuê xe sẽ trở thành dịch vụ mang lại những cảm xúc mới mẻ nhiều hơn cho thế hệ trẻ - những người đang có xu hướng ưu tiên trải nghiệm hơn so với tiết kiệm tiền để mua và sở hữu riêng một chiếc xe cá nhân.

Tại các thành phố đông đúc như TP.HCM và Hà Nội, việc sở hữu xe riêng gây tốn kém bởi các loại chi phí liên quan, bên cạnh mật độ giao thông ngày càng nhiều. Việc “dùng chung xe” có thể là xu hướng tất yếu để giảm ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, công nghệ luôn được Chính phủ Việt Nam khuyến khích, giúp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhanh chóng, tăng khả năng tiếp cận khách hàng; đi cùng với đó là dân số trẻ tiếp thu nhanh các thay đổi công nghệ.

Theo Mordor Intelligence, các nỗ lực từ Chính phủ trong việc hỗ trợ phát triển một số ngành gián tiếp làm tăng nhu cầu cho thuê xe. Chẳng hạn chính sách thúc đẩy phát triển ngành du lịch như kéo dài hoặc miễn thị thực; chính sách giảm thuế khi mua xe lắp ráp trong nước cũng góp phần đẩy mạnh nhu cầu sở hữu xe, gián tiếp tăng lượng xe cho thuê nhàn rỗi trong mô hình cho thuê ngang hàng (P2P).

Tỷ trọng doanh thu trong thị trường cho thuê xe Việt Nam

Thị trường cho thuê xe ô tô (phần 1): Phân mảnh nhưng kén “người chơi”?

Nguồn: Mordor Intelligence

Chưa thật sự nổi bật

Báo cáo của Mordor Intelligence cho biết, thị trường cho thuê xe tại Việt Nam đang khá phân mảnh với những người chơi lớn bao gồm Avis Budget, Hertz, Enterprise Holdings, Vinasun hay Mai Linh; nhưng các công ty này chủ yếu mang đến giải pháp thuê xe cho doanh nghiệp dựa trên lượng lớn xe tự có và hoạt động chưa thật sự nổi bật dù vào Việt Nam đã lâu.

Thống kê doanh nghiệp đầu ngành cho thuê xe ô tô của Mordor Intelligence

Thị trường cho thuê xe ô tô (phần 1): Phân mảnh nhưng kén “người chơi”?

Nguồn: Mordor Intelligence

Enterprise Rent-A-Car, công ty con của Enterprise Holdings - một trong những công ty cho thuê xe lớn nhất của Mỹ - có mặt tại Việt Nam từ cuối năm 2018 thông qua nhượng quyền cho MP Car Rental thuộc MP Group, hướng đến khách hàng thuê xe chủ yếu là các doanh nghiệp.

Với mô hình hoạt động của Enterprise Rent-A-Car, công ty sẽ cung cấp xe cho các đơn vị có nhu cầu thuê, thường là có tài xế đi kèm. Do đó, các mẫu xe cũng sẽ khá hạn chế.

Thị trường cho thuê xe ô tô (phần 1): Phân mảnh nhưng kén “người chơi”?

Một số mẫu xe của Enterprise Rent-A-Car cung cấp. Nguồn: Enterprise Rent-A-Car

Công ty cho thuê xe trực tuyến thuộc Avis Budget Group cũng có mô hình tương tự. Avis có mạng lưới trải rộng trên nhiều quốc gia với hàng ngàn địa điểm cho thuê. Hãng vào thị trường Việt Nam từ năm 2008 dưới cái tên Công ty TNHH Cho thuê Ô tô An Hòa Phát.

Trên trang avis.com.vn, từ hơn 650 xe tự có, Avis cung cấp dịch vụ cho thuê xe ngắn hạn và dài hạn, có lái hoặc tự lái, thuê xe đón tiễn sân bay cũng như dịch vụ quản lý đội xe tại 4 địa điểm chính gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Phú Quốc.

Tuy nhiên, một số dịch vụ cho thuê của Avis còn hạn chế khi chỉ cho thuê xe tự lái ở khu vực Đà Nẵng hoặc Phú Quốc. Đồng thời, khách hàng cần liên hệ trực tiếp để có thể cung cấp nhu cầu thuê cũng như biết chính xác mức giá, thủ tục thuê.

Thị trường cho thuê xe ô tô (phần 1): Phân mảnh nhưng kén “người chơi”?

Avis cung cấp một số dịch vụ cho thuê tại một số thành phố lớn. Nguồn: Avis

Một hãng cho thuê xe của Mỹ khác là Hertz. Tương tự Avis hay Enterprise Rent-A-Car, Hertz hướng đến khách hàng doanh nghiệp thuê dựa trên đội xe của hãng. Dù có thông tin tham gia vào thị trường Việt Nam cách đây nhiều năm thông qua đối tác nhượng quyền, hiện nay thông tin về Hertz tại Việt Nam còn khá khiêm tốn.

“Ông lớn” taxi Mai Linh cũng cung cấp mảng cho thuê xe với đa dạng dịch vụ đón, tiễn sân bay, cưới hỏi, du lịch, thuê xe dài hạn và cả xe tự lái cũng từ đội xe riêng của hãng. Tương tự các mô hình trên, khách hàng cần liên hệ tổng đài để biết giá cả và thủ tục cho thuê.

“Mảnh đất màu mỡ” cho thuê xe cá nhân

Phân khúc nhu cầu cho thuê xe cá nhân, có thể nói, vẫn đang là “mảnh đất màu mỡ” dành cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn khai thác. Nhờ sự hỗ trợ tối đa của công nghệ, các nền tảng cho thuê xe “đua nhau” ra đời với mô hình hoạt động đa dạng; nhưng đến nay, chưa bên nào thực sự có được “miếng bánh” lớn của thị trường.

Chẳng hạn, mô hình trung gian với chi phí vận hành thấp, đóng vai trò như một sàn thương mại điện tử, giúp kết nối giữa chủ xe và người đi thuê nhanh chóng và tiện lợi, có thể kể đến: Mioto, Sigo, ChungXe, TripX, Zoomcar, Xego,…

Không sở hữu chiếc xe nào, nhưng với lượng đối tác khổng lồ, Grab đã tham gia cung cấp dịch vụ cho thuê xe theo giờ từ nhiều năm trước. Mới đây nhất, đối thủ của Grab, nền tảng gọi xe Be quyết định “nhảy” vào lĩnh vực cho thuê xe với dịch vụ beRental.

Nhờ sẵn có lượng lớn xe điện, “tân binh” GSM dù mới gia nhập ngành nhưng cũng có mặt trong mảng cho thuê xe cá nhân thông qua các dịch vụ như Xanh Plus, Xanh Tour Green hay gần nhất là Xanh SM Rentals.

Với Bonboncar, cùng câu chuyện kết nối giữa chủ xe và người thuê, startup này sẽ nhận ký gửi xe từ người sở hữu. Dựa vào công nghệ, Bonboncar sẽ tự quản lý cũng như chịu trách nhiệm về việc cho thuê chiếc xe đó.

Sencar là startup cho thuê xe từng xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam. Từ xe thuê hoặc tự có, doanh nghiệp cho khách thuê lại và dùng công nghệ để kiểm soát cũng như tiếp cận người có nhu cầu. Sencar hướng đến mô hình chia sẻ xe ô tô như một tiện ích tương tự như phòng gym hay hồ bơi trong các chung cư.

Hướng đến các gia đình đi du lịch tại Đà Nẵng, Ahamove - một trong những “chuyên gia” trong mảng vận chuyển - vừa ra mắt mảng cho thuê xe tự lái bằng các dòng xe điện VinFast.

Thị trường cho thuê xe ô tô (phần 1): Phân mảnh nhưng kén “người chơi”?

Những “người chơi” chính trên thị trường cho thuê xe hiện nay

Thị trường phân mảnh nhưng “kén người chơi”

Zoomcar, nền tảng cho thuê xe gốc Ấn Độ, đã thông báo ngừng hoạt động ở Việt Nam hồi giữa năm 2023 với lý do “điều kiện thị trường kinh doanh nói chung và dịch vụ cho thuê xe tự lái nói riêng có nhiều khó khăn và dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian sắp tới”.

Thông báo được xem là khá bất ngờ do trước đó không lâu, Zoomcar còn đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần lượng xe trong năm 2023.

Thị trường cho thuê xe ô tô (phần 1): Phân mảnh nhưng kén “người chơi”?

Thông báo ngừng hoạt động tại Việt Nam từ phía Zoomcar. Nguồn: Zoomcar

Thành lập vào năm 2013 và có trụ sở tại Ấn Độ, Việt Nam là một trong số các thị trường mà Zoomcar vươn tới thời gian qua; ngoài ra còn có Indonesia và Ai Cập.

Đặt chân vào Việt Nam từ năm 2022 và chọn TP.HCM làm điểm khởi đầu, Zoomcar tích cực khuyến mãi, giảm giá cũng như cung cấp các chính sách thuận lợi cho khách hàng như giao xe tận nơi miễn phí, không cần tiền cọc, không giữ bản cứng giấy tờ tùy thân.

Theo chia sẻ từ phía doanh nghiệp thì việc “không cần đặt cọc” là lợi thế đáng kể nhất có thể tìm thấy ở Zoomcar, trong khi các mô hình khác yêu cầu khách thuê để lại một khoản tiền tối thiểu, chẳng hạn từ 15 - 40 triệu đồng hoặc một chiếc xe máy cùng giấy tờ xe.

Về phía chủ xe, Công ty thu hút bằng tiền thưởng hàng tuần, hàng tháng nếu đáp ứng đủ số chuyến đặt xe và giờ đưa xe lên ứng dụng để cho khách thuê tối thiểu và mua bảo hiểm thân vỏ cho chủ xe.

Tuy nhiên, giai đoạn này không kéo dài lâu. Chính sách ưu đãi giảm dần và kinh doanh gặp khó khăn, Zoomcar đã đi đến quyết định dừng cuộc chơi ở Việt Nam từ 24/05/2023.

“Vắng mợ chợ vẫn đông”. Thiếu Zoomcar, thị trường cho thuê xe ô tô tại Việt Nam không vì thế mà bớt sôi động.

Thị trường cho thuê xe ô tô (phần 1): Phân mảnh nhưng kén “người chơi”?

Nền tảng cho thuê xe Zoomcar. Nguồn: Zoomcar

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả