24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Kiều Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường bất động sản: Sóng kích cầu lan tỏa

Làn sóng kích cầu bất động sản đã lan tỏa mạnh mẽ sau khi hết giãn cách

Trả lời chất vấn Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, gói kích thích kinh tế quy mô rất lớn đang được hoàn thiện để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay và triển khai ngay đầu năm sau.

Chờ khơi thông

Bắt đầu câu chuyện với phóng viên, ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Phục Hưng Holdings hào hứng nói rằng, gói kích thích kinh tế khi chính thức triển khai sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thêm nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ phát triển tốt hơn, từ đó sẽ thẩm thấu ngược lại mỗi doanh nghiệp và tạo nên sức sống mới trong thời dịch.

Theo ông Phúc, là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, thị trường chứng khoán ngay lập tức phản ứng tích cực sau khi thông tin về gói kích cầu kinh tế được đưa ra, nên cần được thông qua và triển khai sớm, thậm chí khi triển khai có thể phải chấp nhận lạm phát ở mức cao hơn so với bình thường. Các nền kinh tế khác cũng phải chấp nhận điều này để phục hồi và phát triển sau những cuộc khủng hoảng lớn như vừa qua.

“Gói kích thích sẽ đẩy mạnh đầu tư công, nên muốn hiệu quả thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng phải được triển khai nhanh để khơi thông các dự án”, ông Phúc nói và cho biết thêm, với những doanh nghiệp phát triển bất động sản như Phục Hưng Holdings, điều mong chờ nhất hiện tại chính là nhận được nhiều dự án, nhiều công trình, có được nhiều việc làm, chứ không nhất thiết phải hỗ trợ bằng giảm hay miễn thuế.

“Có công việc sẽ tạo ra dòng tiền, sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi rồi tăng trưởng, điều này còn ý nghĩa hơn các hỗ trợ về thuế. Gói kích thích được tung ra, dòng tiền tệ theo đó sẽ chảy mạnh hơn, hoạt động đầu tư sẽ quyết liệt hơn”, ông Phúc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổng giám đốc Sun Property Group cho rằng, gói kích thích sẽ có tác động to lớn đến phục hồi kinh tế, song điều quan trọng là khi đã có chủ trương, quyết sách thì cần phải triển khai nhanh và trúng đích.

“Dòng tiền phải tìm được đúng địa chỉ, phải được đưa vào sản xuất - kinh doanh và tạo ra giá trị, của cải, việc làm, đây là mục tiêu tối thượng. Khi triển khai phải có hướng dẫn thực thi cụ thể để khơi thông các điểm nghẽn và bơm vốn kịp thời cho doanh nghiệp, nền kinh tế”, bà Linh nói.

Quan trọng là trúng đích, kịp thời

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đánh giá, đề xuất về gói kích thích kinh tế kéo dài trong 2 năm 2022-2023 và với tổng hòa các giải pháp tài khóa, tiền tệ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo là rất hợp lý, là tín hiệu đáng mừng và mang lại cơ hội phục hồi sớm cho nền kinh tế. Khả năng triển khai gói kích thích cũng khả quan trên cơ sở bối cảnh lạm phát trong nước thấp, nguồn dự trữ ngoại hối, tình hình nợ công và lãi suất tiền vay quốc tế thấp.

Gói kích thích kinh tế dự kiến khoảng 800.000 tỷ đồng là đủ lớn, nhưng quan trọng là phải có hướng dẫn, quy định cụ thể để hướng dòng tiền đến đúng nơi, đúng thời điểm. Nếu làm được như vậy sẽ mang hiệu ứng lan tỏa rất tốt. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)

Theo ông Hiệp, điều các doanh nghiệp bất động sản - xây dựng quan tâm là câu chuyện tạo việc làm, nên khi đầu tư công, đầu tư cho hạ tầng tăng lên cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành xây dựng nói riêng, nhất là trong bối cảnh từ năm 2019 đến nay, doanh thu của các nhà thầu xây dựng liên tục sụt giảm, ngành xây dựng đang dần teo tóp và nếu không kịp thời có các giải pháp hỗ trợ, khơi thông thị trường thì sẽ có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản.

“Ngành xây dựng là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, đa số là người nghèo, nên các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh sẽ tác động tích cực trở lại đến an sinh xã hội”, ông Hiệp nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, chương trình phục hồi kinh tế cần phải đủ lớn, đủ dài, đủ quyết liệt, đủ cải cách, đủ vượt khó, đủ bắt nhịp.

Ông Thành tính toán, dù ngân sách khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn còn dư địa trần nợ công, có thể đi vay và một nền tảng dự trữ ngoại hối khá vững chắc (khoảng 105 tỷ USD - PV), nếu chấp nhận thâm hụt ngân sách thêm 2% thì Việt Nam sẽ có thêm 7 tỷ USD để phục hồi, phát triển kinh tế, nếu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ngân sách thì cũng có thêm 10-15 tỷ USD để phát triển kinh tế mỗi năm.

Giai đoạn hiện tại, khoảng thời gian 1-2 tháng này rất quan trọng, thậm chí chậm một nhịp thôi là ảnh hưởng đến tồn vong của doanh nghiệp. Tiền rẻ sẽ kích thích đầu tư, gói kích thích sẽ giúp doanh nghiệp khởi sinh trở lại và tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong đầu tư. Bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng giám đốc Sun Property Group

“Tiền không thiếu, nhưng quan trọng chúng ta có triển khai được không? Chỉ cần chỉ ra những dự án hiệu quả, chắc chắn chúng ta sẽ có tiền để phát triển”, ông Thành nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, bên cạnh tinh thần quyết liệt, cũng cần phải có nền tảng pháp lý hỗ trợ cho chương trình phục hồi hiệu quả, đúng và trúng.

“Hy vọng chương trình phục hồi kinh tế sớm được thông qua để đi vào thực thi quyết liệt, nhanh chóng. Thực tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã sẵn sàng tham gia cuộc chơi, vấn đề của chúng ta là có dám chơi, dám chấp nhận rủi ro, quản trị rủi ro để giảm thiểu nó hay không. Nếu làm được sẽ là cơ hội vô cùng lớn cho phục hồi, phát triển kinh tế”, ông Thành nói.

Còn ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV đánh giá, năm 2021 và 2022 là các năm bản lề, chuẩn bị cho chương trình phát triển kinh tế xã hội 10 năm, nên có vai trò rất quan trọng. Ông Hiếu cho biết, thời gian tới, ngoài triển khai các gói kích thích, việc cải cách thể chế sẽ được thực hiện mạnh mẽ, là đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

“Quốc hội đang thảo luận kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó việc phân bổ nguồn lực theo kinh tế thị trường được đề cập đến và thị trường bất động sản là một thành phần. Cải cách thể chế sẽ giúp thị trường minh bạch, cạnh tranh hơn, từ đó sẽ có sự sàng lọc cao hơn, đòi hỏi thành viên phải có chiến lược phát triển bài bản hơn. Ngoài ra, cải cách thể chế giúp giảm bớt các rào cản, rủi ro pháp lý, giúp bảo vệ nhà đầu tư, người tiêu dùng tốt hơn. Điều này sẽ khiến người tiêu dùng tăng niềm tin vào thị trường, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Về cơ bản, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi”, ông Hiếu nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả