Thị trường bất động sản nhiều chỉ dấu tích cực không 'đóng băng', 'sốt nóng'
Mặc dù có nhiều khó khăn, song thị trường bất động sản cơ bản vẫn ổn định nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy lượng giao dịch, giá giao dịch có biến động, nhưng cơ bản vẫn ổn định, không xuất hiện tình trạng “đóng băng” hay “sốt nóng”.
Chấm dứt hiện tượng tăng giá cục bộ
Chia sẻ tại Diễn đàn “Thị trường bất động sản Hà Nội: Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng", ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, trong 9 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn cơ bản ổn định, được ghi nhận một số kết quả. Nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS đã được ban hành, tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cho thị trường BĐS.
“Tuy lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình BĐS có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng “đóng băng” hay “sốt nóng”. Hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát. Các hoạt động kinh doanh BĐS, môi giới BĐS thiếu tính pháp lý, gây nhiễu loại thị trường đã được kịp thời chấn chỉnh” - ông Hưng nhấn mạnh.
Dù bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng BĐS tại Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, thậm chí, một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt.
Cùng với đó, các doanh nghiệp BĐS vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội...
“Các nhà đầu tư sẽ phát triển nhiều loại hình BĐS mới nhằm cạnh tranh hơn như: secondhome, farmhome, homestay. Nhờ đó, người mua được tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao hơn, phong phú hơn. Vị trí, cơ sở hạ tầng quanh dự án cũng như sự phát triển của thành phố nói chung sẽ được người mua quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là tại các dự án ở khu vực ngoại thành, bởi không phải ai cũng có khả năng chi trả cho một căn hộ nội đô chất lượng cao.” – ông Hưng chia sẻ.
Ngoài kết quả tích cực đạt được nêu trên, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn một số quy định chồng chéo gây khó khăn trong thủ tục đầu tư, dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường BĐS...
Cơ cấu hàng hóa BĐS tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế.
Khu vực phía Đông Hà Nội tâm điểm đầu tư
Theo ông Hà Quang Hưng, xuất hiện tình trạng sốt giá những tháng đầu năm là do thông tin về thị trường BĐS ở một số địa phương chưa đầy đủ và thiếu thống nhất; chưa bảo đảm công khai, minh bạch (như thông tin về quy hoạch, các dự án được thế chấp ngân hàng, tính pháp lý của từng dự án....) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sốt nóng” cục bộ tại một số địa phương.
Ngoài ra, giá nhà ở đặc biệt là tại khu vực đô thị có xu hướng tăng so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế, nguyên nhân là do giá đất tại một số địa phương được điều chỉnh tăng, giá một số vật liệu xây dựng trong thời gian qua cũng tăng đột biến….).
Theo ông Hưng, Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Nghị định 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; nghiên cứu, trình ban hành và triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, ổn định và cân đối cung cầu nhà ở góp phần ổn định thị trường BĐS.
Nêu nhận định về thị trường tại diễn đàn, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc cao cấp Bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Hà Nội, nhận định rằng xét về nguồn cung, khu vực phía Đông bao gồm Long Biên, Gia Lâm đang cung cấp khoảng 8.100 căn, chiếm gần 15% tổng nguồn cung nhà ở thấp tầng trong dự án tại Hà Nội. Nguồn cung sơ cấp về nhà ở thấp tầng trong dự án hiện nay đang rất hạn chế.
Nhìn về khía cạnh giá bán, chuyên gia này cho biết, giá bán của các sản phầm nhà ở thấp tầng ở khu vực phía Đông đang ở mức cạnh tranh so với các khu vực khác ở Hà Nội nhờ sự cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội bao gồm trung tâm thương mại, bệnh viện cao cấp, công viên, không gian xanh, thoáng đãng trong lành. Theo chuyên gia này, xu hướng giá khu vực này có tăng giá, mức tăng trung bình 7%/năm.
Trong tương lai bà Đỗ Thu Hằng cho rằng, nguồn cung nhà ở thấp tầng trong tương lai gần ở khu vực phía Đông là không nhiều, chủ yếu là các khu có quy mô nhỏ. Số lượng các dự án có quy mô lớn thì ít và đang lập quy hoạch. Điểm này có thể tạo ra những thuận lợi cho các dự án đã phát triển, các khu dân cư hiện hữu, các dự án được tiếp tục quy hoạch của khu vực này cũng như các dự án đô thị lớn tại các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh.
“Đáng lưu ý, với kế hoạch đưa các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm và Thanh Trì thành quận vào trước năm 2025, những khu vực này sẽ trở thành những điểm đầu tư đáng chú ý trong thời gian tới” – bà Hằng nhận định./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận